Thúc đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTS. Lê Duy Bình, Chuyên gia Kinh tế; Giám đốc điều hành Economica Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Công Phương |
Về sự cần thiết cho công tác sửa đổi Luật Thủ đô lần này, theo TS. Lê Duy Bình, Chuyên gia Kinh tế; Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, Luật Thủ đô năm 2012 đã thực hiện đã hơn 10 năm, trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô, thời gian vừa qua Hà Nội đã đạt những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục…
10 năm qua, đất nước đã có những hướng phát triển mới, Thủ đô chúng ta cũng có những yêu cầu mới, xuất phát từ thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề về kinh tế, những vấn đề về xã hội, về khoa học giáo dục về y tế…
Thành phố đang xây dựng một Thủ đô Hà Nội đáp ứng được mong mỏi của người dân Thủ đô, đáp ứng được mong mỏi của người dân cả nước vì Thủ đô là trái tim của cả nước. Do đó, Luật Thủ đô không chỉ phục vụ cho Thủ đô, nó không chỉ phục vụ cho nền kinh tế Thủ đô mà nó còn phục vụ cho việc phát triển của cả nước.
Bởi vậy, Luật Thủ đô cần những cơ chế mới, những cơ chế mang tính chất đặc thù, vượt trội để đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của Thủ đô, một cách nhanh và bền vững đạt được các mục tiêu mà chúng ta đã đề ra.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Ngọc Bích - Trưởng Bộ môn luật Hành chính, Trường đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, trong đặc thù rất riêng của Hà Nội, Thủ đô của nhiều nước chỉ là trung tâm chính trị, hoặc có thể là trung tâm văn hóa, nhưng Thủ đô Hà Nội của chúng ta vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm văn hóa. Bà Bích dẫn câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để chứng minh luận chứng Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước.
Với vị thế đặc biệt đó, năm 2000, Ban Thường vụ Quốc hội đã cho ra Pháp lệnh Thủ đô và đến 2012 thì quy định riêng của Thủ đô được ra đời.
Nhưng một điểm mà đến bây giờ chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn trong Pháp lệnh Thủ đô và Luật Thủ đô năm 2012 đang dừng lại ở quan điểm, chính sách và chưa phải là quy định cụ thể. Từ quá trình chính sách đó để triển khai thực hiện thì chúng ta phải có những quy định cụ thể nên cần sửa đổi Luật Thủ đô.
Bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp TP Hà Nội, trao đổi tại Toạ đàm. Ảnh: Nhật Nam |
Bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp TP Hà Nội bày tỏ, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có tác động rất lớn từ mô hình chính quyền đến tận người dân. Nhân dân mong chờ Luật Thủ đô thông qua để tạo sức bật cho Thủ đô phát triển.
ý kiến cho rằng, cơ chế đặc thù cho Thủ đô thì như là một quốc gia riêng nhưng nói như vậy sẽ mất vai trò, ý nghĩa của Luật Thủ đô (sửa đổi). Chúng ta cần hiểu, Luật Thủ đô (sửa đổi) giúp cho Thủ đô phát triển. Thủ đô phát triển sẽ tạo động lực cho Vùng Thủ đô phát triển cũng như kéo cả đất nước cùng tiến lên.
Có quan điểm như vậy mới thấy rằng, các cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô mới có ý nghĩa. Hà Nội đang xây dựng chính quyền đô thị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là việc thúc đẩy chính quyền đô thị lên một bước nữa, ở mức cao hơn.
Theo bà Vũ Thị Thanh Tú, Nhân dân chỉ quan tâm rằng, khi đến cơ quan Nhà nước mọi thứ được minh bạch, thủ tục hành chính được giải quyết rất nhanh và thuận lợi, cơ chế làm cho đường phố sạch đẹp, con cái được hưởng về giáo dục, y tế tốt hơn... và những cơ chế chính sách trong Luật Thủ đô đã đưa ra được điều đó.
Từ cơ chế chính sách về giáo dục, y tế, bộ máy tổ chức,… chế độ quyền lợi cho cán bộ công chức, chính sách thu hút trọng dụng nhân tài vào làm việc, làm thay đổi hệ thống chính quyền của TP, đưa ra được những thay đổi giúp thành phố Hà Nội bứt phá.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại