Thứ ba 26/11/2024 06:56

Thủ tướng Phạm Minh Chính: không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 tổ chức sáng 8/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn

Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024. Ảnh VGP

5 giải pháp trọng tâm 2024; phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới 3%

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, kết thúc năm 2023, về cơ bản, ngành ngân hàng đã đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường tiền tệ ngoại hối về cơ bản ổn định; VND là 1 trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới, năm 2023 VND mất giá khoảng 2,9%. Đến hết năm 2023 tín dụng tăng khoảng 13,71%, thấp hơn không đáng kể so với mức 14,18% của năm 2022.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2024 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Chính phủ. Sang năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, NHNN sẽ tập trung vào 5 định hướng, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Thứ ba, tiếp tục triển khai quyết liệu, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các NHTM yếu kém) dưới 3%,...

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Cuối cùng, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự án Luật các TCTD (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết sau khi Luật các TCTD (sửa đổi) được ban hành.

Hướng nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế; ngân hàng có tính dân tộc, khoa học và đại chúng; bày tỏ vui mừng khi trong năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn, người dân vẫn gửi 13,5 triệu tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Điều này cho thấy thu nhập được cải thiện của người dân và sự tin tưởng của người dân vào Đảng, Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Đây là nguồn lực lớn để phát triển đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024. Ảnh VGP

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2023, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng yêu cầu NHNN và toàn ngành Ngân hàng đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng các bộ, ngành, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ năm 2024, trên tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.

Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để có phản ứng chính sách kịp thời; chú trọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác, với mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4 - 4,5%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chấm dứt cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, khách hàng lớn.

Thủ tướng cho rằng ngành ngân hàng cần cố gắng hơn nữa trong bám sát, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, đúng thời điểm; hoạt động ngân hàng chấp nhận có rủi ro nhưng cần lưu ý hơn nữa các công cụ kiểm soát rủi ro; phối hợp tốt hơn nữa với các bộ, ngành; thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa với doanh nghiệp và người dân trong lúc khó khăn; coi trọng hơn nữa công tác thanh tra, giám sát.

Đối với các tổ chức tín dụng, hiệp hội ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Kế hoạch, chương trình hành động của năm 2024 theo chỉ đạo của NHNN; rà soát các điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, sát tình hình hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn; đồng thời, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tăng năng suất lao động… nhằm tiết giảm chi phí, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

"Ngành ngân hàng không được để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ; không để ách tắc trong hệ thống ngân hàng; phải giúp đỡ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn; không để tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong hệ thống ngân hàng; phục vụ phát triển nhanh, bao trùm, bền vững” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần
Trâm Anh
Kinhtedothi.vn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động