Thứ ba 14/05/2024 07:27

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xử lý dứt điểm các việc còn tồn tại kéo dài

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 - Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xử lý dứt điểm vụ Hãng phim truyện Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xử lý dứt điểm các việc còn tồn tại kéo dài
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Nam Nguyễn

Những thành quả quan trọng của ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 - Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, những người làm công tác Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đạt được trong năm 2023, đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.

Theo đó, Bộ, ngành đã bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai nhiệm vụ. Bộ đã hoàn thành 133/148 (90%) nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2023; chủ động, tích cực tham mưu đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng bàn về các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển Văn hóa Thể thao và Du lịch, như Hội nghị toàn quốc đầu tiên về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, 2 Hội nghị toàn quốc về du lịch, Hội nghị về phát triển thể thao thành tích cao.

Ngành tổ chức thành công chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023); kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập ngành văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2023)… mang lại ý nghĩa rất tích cực, lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát triển và được quốc tế công nhận. UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới, nâng tổng số di sản của Việt Nam được công nhận lên 32 di sản. Việt Nam lần thứ hai trúng cử vị trí thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027; Đà Lạt và Hội An trở thành TP sáng tạo UNESCO…

Đời sống văn hóa cơ sở và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục phát triển có chiều sâu, chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực; phát huy giá trị và vai trò của gia đình, cộng đồng và xã hội; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong năm 2023, đã tổ chức hơn 3.000 cuộc thi, hội diễn văn hóa nghệ thuật quần chúng, thu hút hơn 9 triệu lượt người tham dự.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy; chuẩn mực ứng xử văn hóa mới được hình thành; đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm. Nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi, tạo nên bức tranh ấn tượng, đa sắc màu.

Thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển sâu rộng. Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" được triển khai và gắn kết hiệu quả với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và "Chương trình xây dựng nông thôn mới". Nhiều hội thi, giải thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học được thúc đẩy. Tổ chức thành công 173 giải thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Thể thao thành tích cao tiếp tục đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng vụ Hãng phim truyện Việt Nam

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch vẫn tồn tại một số hạn chế cần được giải quyết. Trong số những hạn chế này, Thủ tướng đề cập chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống chưa hoàn thiện, chưa xây dựng được chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển triển văn hóa và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Việc huy động nguồn lực đầu tư, hợp tác công tư cho lĩnh vực Văn hóa Thể thao và Du lịch còn bộc lộ bất cập. Thủ tướng nêu ví dụ về khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Hãng phim truyện Việt Nam.

"Các việc kéo dài khiến chúng ta đau đầu như khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Hãng phim truyện Việt Nam... cần được giải quyết dứt điểm. Tôi đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Chính phủ giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để cùng xử lý" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xử lý dứt điểm các việc còn tồn tại kéo dài
Cơ sở vật chất của Hãng phim truyện Việt Nam bị xuống cấp trầm trọng. Ảnh: An Nhiên

Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam được tiến hành từ năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng tới 2016 hãng mới tìm được cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso).

Công ty này hoàn tất quá trình mua lại hãng phim vào tháng 6/2017. Sau khi hoàn tất quá trình mua lại, mâu thuẫn giữa nghệ sĩ và Vivaso vô cùng căng thẳng, khó giải quyết. Cơ sở vật chất của Hãng phim ngày càng hoang tàn, đổ nát. Mặc dù quá trình cổ phần hóa Hãng phim đã kéo dài gần 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi Thông báo số 101/TB-VPCP ngày 28/3/2023 về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Thông báo nêu: Thực hiện Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018 và số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan đã tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra, tuy nhiên một số nội dung chưa được thực hiện dứt điểm.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan. Trong quá trình kiểm tra cần rà soát kỹ các vi phạm liên quan đến quá trình cổ phần hóa và những vướng mắc trong thực hiện Kết luận thanh tra. Trên cơ sở đó, căn cứ quy định pháp luật về cổ phần hóa và các quy định pháp luật liên quan để kiến nghị biện pháp xử lý khả thi, đúng quy định của pháp luật, giải quyết dứt điểm việc này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2023.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Thanh tra Chính phủ thực hiện Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phương án củng cố, sắp xếp Hãng phim truyện Việt Nam phù hợp với tình hình và luật pháp hiện hành để thúc đẩy hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và giữ gìn, phát huy truyền thống Hãng phim truyện Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh quản lý các cơ sở nhà đất đã được thu hồi theo Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018 và số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam tại địa chỉ số 04 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội và số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh và xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thanh tra Chính phủ để xử lý những nội dung liên quan.

Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Hãng phim ghi dấu ấn ở dòng phim cách mạng, nghệ thuật, với nhiều tác phẩm bất hủ như: Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Chị Tư Hậu, Sao tháng Tám, Em bé Hà Nội, Vợ chồng A Phủ,...

Trong suốt 70 năm qua, Hãng phim sản xuất hơn 400 bộ phim điện ảnh, truyền hình, tài liệu. Nhiều phim của Hãng đã gặt hái giải Vàng ở các liên hoan phim Việt Nam, cũng như nhiều giải thưởng quốc tế.

Kỳ 1: Gần 30 nghệ sĩ ký đơn đề nghị giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa VFS Kỳ 1: Gần 30 nghệ sĩ ký đơn đề nghị giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa VFS
Kỳ 2: Nghệ sĩ long đong... Kỳ 2: Nghệ sĩ long đong...
Kỳ cuối: Cận cảnh tiêu điều, xập xệ của Hãng phim truyện Việt Nam Kỳ cuối: Cận cảnh tiêu điều, xập xệ của Hãng phim truyện Việt Nam
Xử lý những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam: Vẫn tiếp tục chờ? Xử lý những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam: Vẫn tiếp tục chờ?
Yêu cầu kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam Yêu cầu kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động