Thị trường chứng khoán ngày 26/9: VN-Index chưa thể vượt cản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVN-Index chưa thể vượt cản. Ảnh: Int |
Phiên giao dịch sáng ngày 26/9 khá thuận lợi dù thị trường đã trải qua 2 phiên tăng liên tiếp và được cảnh báo có thể gặp áp lực bán ra khi VN-Index đang bước vào “vùng gió to” 1.290 – 1.300 điểm, chỉ số chung đã duy trì sắc xanh với thanh khoản sụt giảm đáng kể bởi tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục tiến bước, VN-Index tịnh tiến đi lên khi các cổ phiếu bluechip, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt khởi sắc. Đỉnh điểm là sau khoảng 1 giờ mở cửa, lực cầu sôi động hướng về các cổ phiếu ngân hàng, đã hỗ trợ giúp các mã này đua nhau tăng tốc và VN-Index thẳng tiến đến vùng giá 1.300 điểm.
Tuy nhiên, thị trường lại một lần nữa gặp thất bại khi tiếp cận vùng kháng cự mạnh này. Áp lực bán dần gia tăng, đáng kể là nhiều cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là mã lớn VCB đảo chiều giảm, đã khiến VN-Index dần thu hẹp biên độ.
Chỉ số VN-Index đóng cửa duy trì mức tăng nhẹ của phiên sáng, xác nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp và tiếp tục vượt qua mốc 1.290 điểm với thanh khoản vẫn giữ nhiệt sôi động. Trong đó, dòng bank vẫn là tâm điểm của thị trường dù có chút “hụt hơi” về cuối phiên nhưng dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu này cho thấy niềm tin và niềm hy vọng VN-Index sẽ sớm khai phá thành công ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm. Tuy nhiên, trong quá trình đi lên vùng đỉnh, thị trường khó tránh khỏi những pha rung lắc và điều chỉnh nhẹ, nhưng đây sẽ là những nhịp nghỉ để thị trường lấy đà bước tiếp.
Đóng cửa, sàn HOSE có 209 mã tăng và 177 mã giảm, VN-Index tăng 4,01 điểm (+0,31%), lên 1.291,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 956,8 triệu đơn vị, giá trị 21.803,6 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,63% về khối lượng và 4,33% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 66,97 triệu đơn vị, giá trị 1.676,9 tỷ đồng.
Như đã nói, tâm điểm thị trường phiên hôm nay xoay quanh cổ phiếu ngân hàng, tuy nhiên, diễn biến nhóm này lại không đồng đều. Trong khi các cổ phiếu vừa và nhỏ ngân hàng đua nhau tăng tốc, thậm chí khoe sắc tím, thì ở top cổ phiếu lớn lại khá cầm chừng. Đây cũng có thể là nguyên nhân chính khiến VN-Index chưa thể bước mốc 1.300 điểm trước khi quay đầu trong nửa cuối phiên do lực bán gia tăng.
Cụ thể ở nhóm ngân hàng, cổ phiếu TPB đã có pha bứt phá thành công khi đóng cửa tăng 6,7% lên mức giá trần 16.650 đồng/CP với thanh khoản đột biến lên tới hơn 60 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần 1,32 triệu đơn vị. Đặc biệt, cổ phiếu TPB cũng đã được nhà đầu tư ngoại mua ròng tới gần 8 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các mã bank trong top này có MSB cũng có thời điểm khoe sắc tím và đóng cửa tăng 5,4% lên mức 12.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36,4 triệu đơn vị; SHB tăng 1,9% và khớp gần 39 triệu đơn vị, HDB tăng 3,9% và khớp 18,9 triệu đơn vị, EIB tăng 2,6% và khớp 12,8 triệu đơn vị, OCB tăng 3%...
Mặt khác, các cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn hơn như CTG, TCB, VPB chỉ tăng nhẹ; thậm chí mã lớn VCB đảo chiều giảm nhẹ cùng các mã ACB, MBB, VIB.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường, bên cạnh các mã trên có chục đến vài chục triệu đơn vị khớp lệnh, các mã khác cũng ghi nhận khối lượng giao dịch mạnh như VPB khớp hơn 55,1 triệu đơn vị, MBB và TCB cùng khớp hơn 26 triệu đơn vị, STB khớp 25,84 triệu đơn vị, CTG khớp 22,83 triệu đơn vị, VIB khớp gần 20 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán không mấy tích cực khi sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế như CTS, BSI, VIX, HCM, FTS, AGR… dù mức tăng đều không quá lớn chủ yếu chưa tới 1%, trong đó VIX tiếp tục là mã sôi động nhất ngành với 19,67 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tương tự, ở nhóm cổ phiếu thép cũng chuyển qua trạng thái phân hóa, trong khi HSG và NKG hồi phục nhẹ khi tăng quanh mức 0,5%, thì HPG vẫn giảm 0,6% và khớp lệnh lớn nhất ngành với 21,75 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, mặc dù phần lớn thời gian phiên chiều đều giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng HNX-Index đã thoát hiểm thành công ở phút cuối.
Chốt phiên, sàn HNX có 79 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index tăng 0,08 điểm (+0,03%), lên 235,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,3 triệu đơn vị, giá trị 1.086,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,9 triệu đơn vị, giá trị 68,86 tỷ đồng.
Một số mã hỗ trợ tốt cho thị trường như NVB đã đảo chiều thành công trong xu hướng khởi sắc chung của dòng bank, kết phiên tăng 1,1% lên mức 9.400 đồng/CP, bên cạnh đó là cặp đôi cổ phiếu ngân hàng SHS và MBS cũng lấy lại sắc xanh.
Cụ thể, SHS và MBS cùng tăng 0,6%, lần lượt có khối lượng khớp lệnh hơn 8,8 triệu đơn vị và hơn 4,5 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã CEO, TNG, HUT cũng đã lấy lại mốc tham chiếu.
Trái lại, PVS vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ, kết phiên giảm 1% xuống mức 41.200 đồng/CP và thanh khoản chỉ thua SHS với hơn 5,81 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UPCoM, thị trường về vạch xuất phát với thanh khoản tăng vọt.
Đóng cửa, UPCoM-Index không có biến động và đứng ở mốc 93,5 điểm với 149 mã tăng và 105 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 53,7 triệu đơn vị, giá trị 840 tỷ đồng, tăng gần 40% về lượng và tăng 61,85% về giá trị so với phiên trước đó.
Cổ phiếu BSR vẫn giữ nhiệt sôi động khi có tới 16,14 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, kết phiên tăng 3,3% lên mức 24.800 đồng/CP. Trong khi đó, cổ phiếu cùng ngành là OIL kết phiên tăng 1,5% và khớp 2,34 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, không nằm ngoài xu hướng của thị trường, các cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM cũng đua nhau khởi sắc, như BVB tăng 1,7% và thanh khoản chỉ thua BSR với hơn 3,31 triệu đơn vị, ABB tăng 2,6% và khớp 2,18 triệu đơn vị, VAB tăng 2,1%, KLB tăng 1,5%.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó hợp đồng VN30F2410 tăng 12,4 điểm, tương đương +0,9% lên 1.356,4 điểm, khớp lệnh gần 224.660 đơn vị, khối lượng mở hơn 55.710 đơn vị.
Nhìn chung, phiên giao dịch hôm nay cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang có những bước tiến vững chắc. Động lực từ nhóm ngân hàng và khối ngoại mua ròng đang tạo ra những kỳ vọng tích cực cho các nhà đầu tư. Nếu xu hướng này tiếp tục duy trì, có thể sẽ có thêm nhiều phiên giao dịch tươi sáng trong thời gian tới. Các nhà đầu tư cần theo dõi sát sao diễn biến thị trường để tận dụng tối đa cơ hội từ những biến động này.
Sự sôi động trở lại của dòng tiền vào nhóm cổ phiếu tài chính diễn ra ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra quyết định hạ lãi suất 0,5% (lần đầu tiên kể từ năm 2020), phát tín hiệu đảo chiều chính sách toàn cầu.
Thị trường chứng khoán ngày 25/9: chứng khoán bùng nổ kèm thanh khoản lớn |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại