Thứ bảy 05/10/2024 17:16

Thành phố Hà Nội tích cực hưởng ứng, thực hiện hiệu quả Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 11-6-1948, trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn, cũng là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” để động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua kháng chiến, kiến quốc.   

70 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người luôn là động lực thúc đẩy, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy ý chí tự lực, tự cường, không ngại hy sinh gian khổ, ra sức phấn đấu đưa nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được những kỳ tích vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

thanh pho ha noi tich cuc huong ung thuc hien hieu qua loi keu goi thi dua ai quoc cua chu tich ho chi minh
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội tặng hoa, biểu dương các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước.Ảnh: Viết Thành

Cái nôi của nhiều phong trào thi đua

Thủ đô Hà Nội vinh dự là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc trong suốt 15 năm (1954-1969). Người đã dành cho Hà Nội sự quan tâm đặc biệt về mọi mặt.

Riêng về công tác thi đua - khen thưởng, Bác đã có nhiều lời chỉ dẫn, dành nhiều thời gian đến nhiều nơi để kiểm tra và động viên phong trào với nhiều hình thức như: Biểu dương trên báo đài, gửi thư khen, tặng quà, tặng lẵng hoa và tặng huy hiệu của Người.

Chỉ 3 ngày sau khi về tiếp quản Thủ đô; ngày 13-10-1954, Bác đã viết bài đăng trên Báo Nhân Dân, động viên nhân dân Hà Nội: “Mỗi người dân Hà Nội, bất kỳ thuộc tầng lớp nào, bất kỳ làm công việc gì, đều cần phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, đều cần phải góp phần vào công việc ổn định sinh hoạt của Thủ đô ta”.

Một tháng sau, ngày 11-11-1954, Bác gửi thư khen cán bộ chiến sĩ, các đơn vị tiếp quản Thủ đô và căn dặn: “Phải luôn thi đua học tập và công tác, mở rộng tự phê bình và phê bình để tiến bộ mãi, để làm cho bộ đội ta càng thêm hùng mạnh, chính quyền ta càng thêm vững chắc”. Sáng 29-4-1955, Bác đến dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn thành phố.

Người nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa đặc biệt của phong trào thi đua yêu nước đối với công cuộc khôi phục miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và khen ngợi, tặng huy hiệu cho 35 đại biểu có thành tích xuất sắc nhất… Trong hai năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc (1966-1967), 4 lần Bác gửi thư khen quân dân Thủ đô đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công.

Đặc biệt, ngày 1-9-1969, Bác gửi tặng lẵng hoa biểu dương thành tích của Đội Cảnh sát khu vực 4, khu phố Ba Đình. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác về thi đua ái quốc, cùng với cả nước, quân và dân Hà Nội đã đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, lập nên những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lòng mong mỏi và ước nguyện của Bác Hồ kính yêu.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Nội đã hưởng ứng và khởi xướng nhiều phong trào, mô hình thi đua, như: “Hũ gạo cứu đói”, “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”… Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là các phong trào “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, “Tay cày tay súng, tay búa tay súng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”, “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Chiếc gậy Trường Sơn”; “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”… Sự hưởng ứng của đông đảo quân và dân Hà Nội đã làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng, là nguồn động lực, là nhân tố quyết định thắng lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Thủ đô.

Phát huy truyền thống thi đua

Trong thời kỳ xây dựng và phát triển Thủ đô, với vị thế và trọng trách là đầu não chính trị - hành chính quốc gia và là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống là chiếc nôi của các phong trào hành động cách mạng, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thông qua từng chuyên đề; xây dựng các mô hình thi đua, xây dựng ban hành các quy chế, quy định về công tác thi đua - khen thưởng. Tổ chức các phong trào thi đua gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu, việc khó như: Cải cách hành chính; trật tự văn minh đô thị; kỷ cương hành chính; nông thôn mới; hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và phát triển...

thanh pho ha noi tich cuc huong ung thuc hien hieu qua loi keu goi thi dua ai quoc cua chu tich ho chi minh
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Cờ thi đua của thành phố cho các đơn vị có thành tích xuất sắc năm 2017. Ảnh: Anh Tuấn

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, thành phố đã triển khai và thực hiện tốt 2 phong trào đặc thù: Một là, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Năm 1992, TP Hà Nội đã phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” và được xác định là phong trào trọng tâm, nòng cốt trong thời kỳ đổi mới. Phong trào đã tạo được sự lan tỏa, thu hút các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.

Từ năm 1992 - năm đầu tiên phát động phong trào với hơn 2.000 đơn vị hưởng ứng, đến 1996, sau 5 năm phát động, phong trào đã có gần 5.000 đơn vị tham gia. Và đến nay, 100% các đơn vị trên địa bàn thành phố đều triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”. Việc tổ chức phong trào “Người tốt, việc tốt” của TP Hà Nội được các bộ, ban, ngành trung ương, một số tỉnh, thành phố nghiên cứu, học tập vận dụng để triển khai thực hiện có kết quả. Với phương châm đổi mới, hiệu quả, bằng nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, thành phố đã phát động cuộc thi “Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt”, và được thể chế hóa bằng Quyết định 36/QĐ-UBND ngày 7-12-2015, ban hành Quy chế cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và viết sách “Những bông hoa đẹp”.

Đầu năm 2018, thành phố ban hành Quyết định số 02/2018 về xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, với tiêu chí rõ ràng cụ thể, rút ngắn quy trình, thủ tục xét khen thưởng “người tốt, việc tốt”, không gây trùng lắp giữa người tốt, việc tốt với việc bình xét thành tích về thực hiện chức năng nhiệm vụ; yêu cầu thành lập tổ công tác phát hiện điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt từ thành phố đến các đơn vị; kịp thời phát hiện, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Giải pháp đột phá này đã hướng người dân cùng chính quyền các cấp tham gia phát hiện người tốt, việc tốt, đề xuất khen thưởng tôn vinh kịp thời, nhằm lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu.

Qua triển khai thực hiện phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, đã xuất hiện nhiều gương lao động sáng tạo, nhiều mô hình, giải pháp hay trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới, những việc làm thiện nguyện, nghĩa cử cao đẹp. Thành phố đã có hơn 24.000 “người tốt, việc tốt” tiêu biểu được UBND thành phố biểu dương khen thưởng; hơn 32 vạn “người tốt, việc tốt” ở cơ sở được các quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc thành phố khen thưởng, trong đó hầu hết là người lao động trực tiếp, như công nhân, nông dân, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người dân lao động trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2010, thành phố đã ban hành quy chế xét tặng danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô”, tặng các cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho Thủ đô.

Từ đó đến nay, vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10) hằng năm, thành phố tổ chức tổng kết phong trào “Người tốt, việc tốt” và tôn vinh “Công dân Thủ đô ưu tú”. Hai là, phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo”, được phát động với nội dung phù hợp, hình thức phong phú, thu hút đông đảo các cấp, các ngành tham gia và có bước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng đến hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hằng năm, UBND thành phố đều có kế hoạch chỉ đạo triển khai và tổ chức phát động phong trào ngay từ đầu năm, với những nội dung tiêu chí cụ thể, đồng thời đưa ra biện pháp chỉ đạo thực hiện, gắn phong trào với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, ngành, địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, khuyến khích công nhân viên chức lao động ở mỗi vị trí công tác phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến lề lối làm việc.

Thường xuyên kiện toàn Hội đồng sáng kiến thành phố và các cấp; đổi mới quy chế hoạt động của hội đồng và tổ chức bình xét công bằng, minh bạch, chính xác để phát hiện, tôn vinh và nhân rộng nhiều điển hình tiên tiến. Sau hơn 10 năm phát động phong trào, đã có 125.358 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 10.052 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở; qua đó, Hội đồng tư vấn đã tham mưu, xét chọn, đề nghị thành phố tặng Bằng công nhận Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô cho 959 cá nhân, trong đó có 650 sáng kiến, với tổng giá trị làm lợi 1.390 tỷ đồng.

Từ thực tiễn, kết quả và kinh nghiệm tổ chức phong trào thi đua yêu nước ở Thủ đô trong những năm qua; tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, trong thời gian tới, TP Hà Nội quán triệt và thực hiện tốt 5 nội dung trong bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư bằng những giải pháp cụ thể, xác định biện pháp đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua; lấy kết quả việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ là một trong các tiêu chí để đánh giá các phong trào thi đua.

Tiếp tục thực hiện tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến; hoàn thiện quy trình bình xét, tiêu chuẩn, tiêu chí các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nâng cao tỷ lệ khen thưởng người lao động trực tiếp. Tổ chức các ngày kỷ niệm, trao tặng, đón nhận các danh hiệu thi đua… bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng... 70 năm đã qua, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự.

Với Thủ đô Hà Nội, qua từng thời kỳ cách mạng, phong trào thi đua yêu nước luôn được giữ vững và phát huy, là một trong những địa phương tiêu biểu, đi đầu trong thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước. Đó là động lực và sức mạnh tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thi đua quyết thắng, xây dựng đất nước và Thủ đô “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Chung Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động