Thanh niên áp dụng khoa học công nghệ làm nông nghiệp sạch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênAnh Nhất đang chăm sóc dưa lưới. Ảnh: NVCC |
Thất bại cũng không lùi bước
Gia đình làm nông nên từ nhỏ, anh Nhất đã theo cha mẹ ra đồng trồng trọt. Tình yêu với nông nghiệp vì thế cũng nhen nhóm trong anh. Lớn lên, anh luôn mong muốn được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Thấy người dân quê mình bỏ đất ruộng ngày càng nhiều, anh Nhất đã thuê lại, quyết tâm thực hiện ước mơ từ thủa nhỏ: Làm nông nghiệp sạch. Thời gian đầu, anh Nhất trồng rất nhiều cây ăn quả như ổi, táo,... nhưng do không có kinh nghiệm, kỹ thuật còn hạn chế nên sản lượng thấp, bị lỗ. Anh Nhất nhận ra phải học hỏi thêm kiến thức, làm nông nghiệp theo hướng hiện đại thì năng suất, lợi nhuận mới cao, còn nếu chỉ làm theo phương pháp truyền thống thì lợi nhuận sẽ rất thấp, không biết bao giờ mới khá lên được.
Cuối năm 2017, anh Nhất tình cờ gặp lại một người bạn đang làm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Anh vui sướng, nhờ người bạn của mình giúp. Được bạn chia sẻ, cộng với lên mạng tìm hiểu, anh Nhất nhận thấy dưa lưới là loại quả được nhiều người dân ưa chuộng nhưng thị trường chưa đáp ứng được về số lượng cũng như chất lượng, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm.
Để học hỏi kinh nghiệm trồng dưa lưới sạch, anh Nhất không quản ngại lặn lội vào tận Hà Tĩnh. Về quê, anh mạnh dạn đầu tư thuê hơn 1.000m2 đất ruộng tại địa phương để trồng dưa lưới. Tuy nhiên, khi đó anh gặp khó khăn là vốn đầu tư rất lớn, riêng kinh phí đầu tư máy móc, trang thiết bị đã hơn 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều người thân của anh can ngăn vì sợ anh làm ăn thua lỗ.
Nói là làm, đầu năm 2018, anh Nhất vay thêm bạn bè để đầu tư trồng trọt. Anh phải tự kéo đường dây điện cách đó hơn 1km. Tuy nhiên, anh không may mắn mua phải hệ thống tưới cây không bảo đảm kỹ thuật khiến bị tổn thất một khoản tiền lớn. Không nản lòng, anh làm lại, càng có ý chí quyết tâm hơn.
Lấy khoa học công nghệ làm trọng tâm
Anh Nhất đã đầu tư xây dựng nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt, trang thiết bị đo các chỉ tiêu nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng đúng tiêu chuẩn Israel. Thay vì sử dụng phân bón vô cơ, anh Nhất tận dụng thu mua phân hữu cơ từ người dân địa phương để bón cho cây trồng. Giống cây cũng được anh mua từ nơi uy tín, được chọn lựa cẩn thận. Dưa lưới trồng trong nhà kính không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh nên sản lượng cao, chất lượng tốt, đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm.
Không chỉ trồng dưa lưới, anh Nhất còn trồng thêm dưa chuột, cà chua. Đây cũng là 3 sản phẩm chủ lực trong mô hình sản xuất nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao mà anh Nhất kỳ công gây dựng trong 4 năm qua.
Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, anh Nhất tiết kiệm được chi phí nhân công, sản lượng lại cao. Chất lượng dưa lưới của anh Nhất được đảm bảo nên có giá thành cao gấp 3 lần so với dưa trồng ngoài trời. Anh trồng 2 vụ dưa mỗi năm, giá bán dao động từ 40.000 đồng/kg - 60.000 đồng/kg. Dưa của anh thu hoạch được đến đâu, bán sạch đến đó. Trừ chi phí, mỗi năm, anh thu lãi hàng trăm triệu đồng, gấp 5 lần so với trồng ổi, táo,… trước đây. Hiện tại, anh Nhất đã mở rộng mô hình sản xuất lên đến 3.000m2 nhà kính để trồng dưa lưới. Anh vẫn xen canh cà chua, dưa leo để tăng năng suất, đồng thời tận dụng đất.
Anh Nhất luôn tâm niệm rằng: Làm nông nghiệp an toàn chính là bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và những người xung quanh. Thế nên, anh không ngừng học hỏi, trau dồi và áp dụng những phương pháp khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Dự định của anh thời gian tới là trồng thêm các loại rau ăn lá bán thủy canh để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch.
Tấm gương làm kinh tế giỏi của anh Nhất đã lan tỏa những thông điệp tích cực đến nhiều người có mong muốn làm giàu trên chính quê hương mình. Đó cũng là cách mỗi người đang đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp xanh, công nghệ cao | |
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập | |
Hà Nội sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại