Thấm đẫm tình yêu và khát khao của các nghệ sĩ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác nghệ sĩ tề tựu trong lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam. Ảnh: Quang Tấn |
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam, nhiều nghệ sĩ đã chia sẻ về những kỷ niệm sâu sắc với nghề. Đó là những năm tháng thanh xuân hồn nhiên, ngây thơ, yêu và cháy hết mình với đam mê cháy bóng là được đứng trên sân khấu cống hiến cho khán giả.
Nghệ sĩ Ngọc Thoa gắn liền với hình ảnh những bà, mẹ tảo tần trong phim ảnh và sân khấu chia sẻ, vì quá yêu thích kịch nên bà không ngại bắt xe từ quê nhà Hải Phòng lên Hà Nội thi tuyển diễn viên vào Nhà hát Kịch Trung ương. Phần thi hóa thân người mẹ ở quê ra Hà Nội thăm con nhưng bị trộm hết đồ đạc, phải ngồi bệt xuống vỉa hè, cố gạt hết nước mắt, tự nhủ: "Mình đã nghèo, người khác còn nghèo hơn. Thôi thì của đi thay người vậy!" đã được ban giám khảo đánh giá cao. Nhờ đó, nữ nghệ sĩ trúng tuyển và từng bước thực hiện ước mơ trở thành diễn viên kịch nói.
Nghệ sĩ Ngọc Thoa gắn liền với vai các bà, các mẹ hiền lành, chất phác |
Nghệ sĩ Ngọc Thoa nhớ lại, có lần bà định bỏ nghề để theo học trường ngoại ngữ nhưng vì quá yêu kịch nói nên bà vẫn "ở lại" theo nghề đến cùng. Vai diễn A Hương của bà trong vở "Người đứng gác dưới đèn ne-on" đã lấy rất nhiều nước mắt của khán giả. Tối nào khán giả cũng xếp hàng dài mua vé xem vở diễn.
Nghệ sĩ Ngọc Thoa nhớ lại hồi đi diễn, không có đồ tẩy trang như bây giờ, mỗi lần diễn xong là lấy khăn hoặc giấy nháp để chùi phấn, đến đỏ cả mặt và còn rụng hết cả lông mi. Thế nhưng, cứ bước lên sân khấu, được khán giả ủng hộ là các nghệ sĩ quên hết những vất vả. Làm nghệ thuật, chưa khi nào nghệ sĩ Ngọc Thoa phân biệt vai chính, vai phụ. Vai diễn nào dù xuất hiện nhiều hay ít, bà đều cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhất có thể.
NSND Doãn Châu - "phù thủy" của mỹ thuật sân khấu chia sẻ ông nhớ mãi về những lần đi xem kịch cùng bố mẹ đã giúp tình yêu sân khấu nảy nở trong ông. Khi ông 10 tuổi, có lần ông cùng bạn thân là cố nghệ sĩ Văn Hiệp đã "đánh liều" leo qua ống máng để vào Nhà hát xem trộm một vở kịch vì không có tiền mua vé. Cũng vì quá say sân khấu mà hai "ông bạn" đã cùng đăng ký tham gia đội kịch thiếu niên của thành phố và bắt đầu hành trình nghệ thuật của mình.
Xuất thân là một nghệ sĩ biểu diễn, trải qua mọi cung bậc cảm xúc của các nhân vật nên khi chuyển sang làm thiết kế mỹ thuật cho sân khấu, NSND Doãn Châu càng hiểu rằng phải tìm hiểu thật kỹ kịch bản để tạo điều kiện tốt nhất cho diễn xuất của diễn viên. Có những vở diễn ông mất ba tháng ròng suy tư, ngẫm nghĩ mới ra được thiết kế như “Vua Lia”,...Ở đó, nghệ sĩ Doãn Châu đưa một tác phẩm kịch kinh điển thế giới về với hình thức ước lệ đặc trưng của sân khấu truyền thống Việt Nam.
Là nghệ sĩ am hiểu "Đông Tây kim cổ", sở hữu óc sáng tạo tuyệt vời, lại có tinh thần cầu thị nên dù thiết kế mỹ thuật cho gần 300 vở diễn, nghệ sĩ Doãn Châu đều "biến hóa" khôn lường, tạo sự mới lạ, ấn tượng cho từng vở diễn.
Nghệ sĩ Doãn Châu - "phù thủy" của mỹ thuật sân khấu Việt Nam |
Nghệ sĩ Kim Cương chia sẻ bà đến với cải lương đầu tiên nhưng vẫn luôn đam mê kịch nói. Hồi đó, trong miền Nam, nghệ sĩ theo kịch nói gặp nhiều khó khăn vì chưa có đạo diễn, tác giả hay rạp diễn kịch. Nghệ sĩ Kim Cương phải đi năn nỉ một số rạp cho diễn thử, thậm chí phải mượn tiền mẹ là cố nghệ sĩ Bảy Nam để đặt cọc thuê rạp.
Lo sợ khán giả chưa quen sẽ không đến rạp hoặc có xem cũng sẽ khó đón nhận nhưng lần “chào sân” kịch nói của nghệ sĩ Kim Cương lại thành công ngoài mong đợi. Khán giả cùng cười, cùng khóc với các nhân vật. Những tràng pháo tay tán thưởng của họ chính là nguồn động lực to lớn thôi thúc nữ nghệ sĩ bám trụ với nghề cho đến tận sau này.
Nghệ sĩ Thiện Tùng (Nhà hát Kịch Hà Nội) chia sẻ cho dù phim ảnh giúp nghệ sĩ nói chung, bản thân anh nói riêng đến gần với khán giả nhưng sân khấu vẫn luôn là “thánh đường” mà anh cũng như nhiều nghệ sĩ được thỏa sức vẫy vùng, thăng hoa hết mình.
Theo Thiện Tùng, trên sân khấu, người nghệ sĩ không được “diễn lại” như phim ảnh nên phải chắt chiu từng khoảnh khắc, dùng tất cả tình yêu, năng lượng, kỹ năng diễn xuất,... cho vai diễn. Xem Thiện Tùng “lên đồng” trên sân khấu, khán giả càng cảm nhận được tình yêu tha thiết mà nam nghệ sĩ dành cho kịch nói. Đó không đơn thuần là nghề, là nơi anh khắc họa những vai diễn không phải bản thân mình mà còn là “nhà”, là nơi mà anh được thực sự trở về với bản ngã của chính mình.
"Điện ảnh có sức lan tỏa rộng hơn nhưng diễn viên sân khấu lại máu lửa hơn. Họ chỉ có khoảng thời gian ngắn khi đứng trên sân khấu, khoảnh khắc nhập vai cũng chỉ có một, không được quay đi quay lại như đóng phim nên diễn viên sân khấu phải vận động toàn năng, luôn phải tập trung cao độ để thể hiện hết được từng động tác căng cơ mặt, vận động hình thể, tiếng nói.
Trên sân khấu, cao trào được đẩy dần dần đến đỉnh điểm. Diễn viên tiếp xúc trực tiếp với khán giả, được đón nhận tràng pháo tay của khán giả sẽ giúp diễn viên “lên đồng” rất nhanh và hiệu quả. Thế nên sân khấu có một sức mê hoặc với Tùng rất lớn. Có thể coi đó là cuộc sống của mình. Và lại, khi ra trường, được vào làm việc tại Nhà hát kịch Hà Nội, Tùng học hỏi được rất nhiều từ các cô chú, anh chị đồng nghiệp. Đây là ngôi nhà thân yêu mà mình xác định sẽ gắn bó, đóng góp cả cuộc đời. Nếu trong cùng một thời điểm mà Tùng phải chọn một thì Tùng sẽ chọn sân khấu", nghệ sĩ Thiện Tùng chia sẻ.
Nghệ sĩ Thiện Tùng trong vở kịch Trương Chi - Mị Nương |
Hiện tại, sân khấu kịch nói đang rơi vào khủng hoảng "mất trắng khán giả" vì phải đóng cửa phòng dịch. Thế nhưng, những khó khăn, gian khổ không làm cho các nghệ sĩ nhụt chí, mà càng tôi luyện sự kiên trì, quyết tâm, yêu nghề đến cùng của họ. Hy vọng, "sau cơn mưa, trời lại sáng" và các nghệ sĩ sẽ được trở lại trên sân khấu, tiếp tục thăng hoa, tỏa sáng, tiếp tục gửi gắm đến khán giả thân yêu của mình những tác phẩm nhân văn, đẹp đẽ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại