Thứ hai 06/05/2024 06:29

Tát con có thể khiến trẻ bị mù mắt, giảm thị lực

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thói quen rung lắc mạnh trẻ nhỏ, hành vi tát con… có thể khiến trẻ bị tổn thương mắt, giảm thị lực, thậm chí mù lòa.

Đó là cảnh báo của bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, GĐ chuyên môn BV Mắt Hà Nội 2 chia sẻ tại hội thảo “Bạo hành trẻ em- Hỗ trợ, chăm sóc và điều trị tổn thương mắt”.

Theo bác sỹ Nguyên, tổ chức của mắt gồm các mô mềm nên rất dễ bị tổn thương. Thế nhưng ở nước ta, ngoài hình thức bạo hành rung lắc mạnh trẻ (bế trẻ lên 2 tay rồi rung mạnh), nhiều ông bố bà mẹ vẫn có thói quen tát vào má trẻ; thậm chí khi vui còn tung trẻ lên cao… Các hành vi này có thể dẫn đến tổn thương giác mạc, kết mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh, xuất huyết võng mạc, giảm thị lực.

TS-BS Hoàng Văn Tiến, GĐ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ và chăm sóc trẻ em cho biết: Bạo hành và bỏ mặc trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng và rất phổ biến ở mọi quốc gia. Riêng tại Việt Nam, bạo hành trẻ em diễn ra khá phổ biến.

tat con co the khien tre bi mu mat giam thi luc
GS-TS Bruce Moore, chuyên gia khúc xạ nhãn nhi, ĐH Nhãn khoa New England (Hoa Kỳ) đang khám cho bệnh nhi tại BV Mắt Hà Nội 2. Ảnh: T.A

Theo thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Còn theo nghiên cứu của Bộ CA với 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy, khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ. Trong đó, số em bị bố đánh chiếm 23%-gấp 5 lần tỉ lệ bị mẹ đánh.

“Ở nước ngoài người ta nghiêm cấm xâm phạm thân thể trẻ em nhưng ở Việt Nam mình nhiều nơi vẫn còn quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, thế nên tình trạng bố mẹ đánh, tát con vẫn còn phổ biến. Điều đáng nói là rất khó để làm rõ được hành động này là bạo hành trẻ em hay dạy dỗ trẻ em”, TS Hoàng Văn Tiến chia sẻ.

Tất cả các hình thức bạo hành trẻ em, tinh thần hay thể chất đều gây ra những hiệu ứng tiêu cực lên tinh thần của trẻ. Trong một số trường hợp, sức khỏe thể chất và trí nhớ của trẻ cũng bị ảnh hưởng.

Đáng chú ý, ngoài các vụ bạo hành trẻ em gây tổn thương ngoại khoa cho trẻ có thể nhìn thấy ngay như xây xước xa, chảy máu, sẹo… thì rất nhiều trường hợp bị bạo hành có tổn thương ở mắt nhưng không phát hiện ra được.

GS-TS Bruce Moore, chuyên gia khúc xạ nhãn nhi, ĐH Nhãn khoa New England (Hoa Kỳ) nhấn mạnh, một số hình thức bạo hành trẻ em như xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em, hội chứng rung lắc mạnh trẻ… có thể tác động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến mắt và thị giác của trẻ nhỏ khiến trẻ bị giảm thị lực và mù loà. Ngoài ra, với những chấn thương ở mắt do bạo hành có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng như rách giác mạc, kết mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh mù vĩnh viên. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể dẫn tới tử vong.

GS-TS Bruce Moore đưa ra một con số giật mình: Một nghiên cứu y tế cho thấy trong số các vụ bạo hành trẻ em có đến 40% trẻ bị tổn thương ở mắt, trong đó 20% trẻ bị tổn thương trực tiếp vào mắt, có đến 5%-10% trẻ được đưa đến khám chuyên khoa mắt ngay sau khi bị bạo hành.

Bác sĩ Nguyên cảnh báo, các tổn thương mắt ở trẻ do bị bạo hành thường kín đáo, ban đầu có thể chỉ là mờ mắt, trẻ thường không ý thức được để nói với người lớn đưa đi viện khám nên khi vào viện thường đã muộn, khó phục hồi thị lực. Trong khi đó, thị lực mắt ở trẻ trong những năm đầu đời rất quan trọng, nếu thị lực bị suy giảm từ nhỏ thì về sau không thể phục hồi được.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người lớn cần từ bỏ các hành vi (có thể là vô tình hoặc hữu ý) nhưng có thể gây tổn hại đến mắt của trẻ nhỏ như những cảnh báo nêu trên. Đồng thời khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường hay chấn thương vùng mắt thì cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa sớm để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Thịnh An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động