Tất cả tài khoản phải được mở bằng tài khoản chính chủ, có thể định danh khi thực hiện giao dịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội |
Thiếu tướng Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết: Tội phạm trên không gian mạng hiện nay diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn. Đây là loại tội phạm không biên giới, có gắn kết nước ngoài. Hiện nay, lực lượng Công an đã có nhiều buổi làm việc và phối hợp với các nước bạn, phối hợp điều tra chung để bắt giữ các loại đối tượng này. Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội cũng đã có nhiều cuộc họp, mời các ngân hàng, hội sở, điểm giao dịch để đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Tại điểm giao dịch ngân hàng, Công an TP còn gắn biển cảnh báo đối với hành vi lừa đảo.
Qua đây, đề nghị các cơ quan báo chí thường xuyên thông báo về các hình thức thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng, lan tỏa thông tin để người dân cảnh giác. Đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Trung tá Triệu Mạnh Hùng cho biết thêm, về thủ đoạn sử dụng công nghệ giả hình ảnh, giọng nói của người quen của bị hại nhằm chiếm được lòng tin để vay tiền, chuyển tiền, Cục A05 đã báo cáo lãnh đạo Bộ và đã có điện chỉ đạo đến Công an các đơn vị, địa phương tập trung nắm tình hình, tuyên truyền, phổ biến phương thức thủ đoạn phạm tội này đến đông đảo quần chúng nhân dân.
Trung tá Triệu Mạnh Hùng, đại diện A05 phát biểu tại cuộc họp |
Bên cạnh đó, Cục A05 cũng đã tổ chức làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng về định danh tài khoản điện thoại, định danh tài khoản ngân hàng để làm sạch toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về tài khoản ngân hàng, tiến tới tất cả tài khoản được mở bằng tài khoản chính chủ, xa hơn nữa là nhắm tới việc định danh khi thực hiện giao dịch, đảm bảo có thể kiểm soát tốt dòng tiền, có thể phong tỏa dòng tiền khi tội phạm lừa đảo xảy ra. Đại diện A05 cũng khuyến nghị người dân phải thường xuyên cập nhật thêm những thông tin về các phương thức thủ đoạn lừa đảo mới trên các phương tiện truyền thông, phải bảo mật các thông tin liên quan đến tài khoản mạng xã hội, đồng thời phải cảnh giác cao khi người quen tương tác với mình qua mạng xã hội có các yêu cầu giao dịch về mặt tài chính có dấu hiệu bất thường thì cần liên hệ trực tiếp với người đó để tránh thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Trước tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân đang trở nên đáng báo động, tuy nhiên công tác xử lý, điều tra vô cùng khó khăn vì thiếu các vấn đề pháp lý hoặc cơ chế pháp lý của chúng ta chưa đủ mạnh, đại diện Cục A05 cho biết Bộ Công an đang tham mưu cho Chính phủ để ban hành nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nghị định này đến nay đã đi đến những giai đoạn cuối cùng để chuẩn bị ban hành. Sau khi có Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ nghiên cứu xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời gian tới.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại