Thứ hai 25/11/2024 08:47

Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2027”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Nhà trường nói chung và trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân. Phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với học viên, học sinh, sinh viên, học viên, nhà giáo, viên chức, cán bộ quản lý và người lao động trong quá trình học tập, công tác, sinh hoạt trong đời sống xã hội.

Giúp cho học viên, học sinh, sinh viên, học viên, nhà giáo, viên chức, cán bộ quản lý và người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, có ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Đặc biệt là đối với học viên, học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường am hiểu được các quy định của pháp luật phục vụ cho công việc và cuộc sống, hình thành kỹ năng sống, kỹ năng làm việc góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về chất lượng nguồn nhân lực trong tình hình mới.

Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, đồng thuận của xã hội, sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề; hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ quản lý, nhà giáo, người học, viên chức, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trong những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng nhóm đối tượng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có một chương trình, đề án chính thức, chuyên sâu nào về phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các địa phương phải lồng ghép nội dung này vào các chương trình, hoạt động khác.

Vì vậy, việc triển khai công tác này tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các địa phương còn rất hạn chế và gặp nhiều khó khăn (manh mún, không định kỳ, không thường xuyên; phạm vi hẹp, nội dung không được đổi mới, cập nhật; hình thức cứng nhắc, không phong phú, đa dạng; không có bộ chương trình, tài liệu thống nhất; thiếu đội ngũ cán bộ, nhà giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên am hiểu pháp luật để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thiếu nguồn lực thực hiện...).

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2027” sẽ tạo bước đột phá mạnh mẽ về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xây dựng nền móng vững chắc để giúp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào nề nếp, có chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tạo môi trường giáo dục ổn định, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động trong thời kỳ mới, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo dự thảo, mục tiêu giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2024, sẽ xây dựng bộ chương trình, giáo trình, tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dành cho từng nhóm đối tượng cụ thể tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp (cán bộ quản lý, viên chức, người lao động, nhà giáo, người học theo từng trình độ đào tạo). Định kỳ ít nhất 2 năm/1 lần, tổ chức cập nhật, bổ sung chính sách, quy định pháp luật mới ban hành trong các bộ chương trình, giáo trình, tài liệu này.

Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển được 2.000 giáo viên, giảng viên giảng dạy môn học pháp luật, tuyên truyền viên, báo cáo viên để trở thành đội ngũ nòng cốt hạt nhân thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Xây dựng thư viện điện tử, tủ sách điện tử và các sản phẩm có nội dung số hóa (bài giảng điện tử, các loại tài liệu, sách tham khảo), các phần mềm chuyên dụng và các diễn đàn trao đổi trực tuyến về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để kết nối, chia sẻ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phục vụ việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu của cán bộ quản lý, viên chức, người lao động, người học, nhà giáo và phục vụ công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Xây dựng và phát triển Cổng hoặc Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật ngành lao động nói chung và lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng để cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; liên kết, chia sẻ với Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành tư pháp.

Xây dựng ứng dụng, phần mềm phổ biến giáo dục pháp luật trên điện thoại thông minh; tận dụng ưu thế của mạng xã hội, thiết lập các kênh thông tin đa phương tiện như Youtube, Facebook, Twitter.. nhằm gia tăng sự tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin đa chiều giữa người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước.

50% học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong các trường trung cấp, trường cao đẳng được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình của Đề án.

70% nhà giáo, người học ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các đối tượng đào tạo đặc thù được phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình của Đề án phù hợp với điều kiện, đối tượng theo quy định của pháp luật.

TQ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động