Tăng cường các biện pháp xử lý tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLực lượng chức năng đang kiểm tra hàng hoá. Ảnh: P.V |
Theo Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm, hàng hóa buôn lậu qua đường hàng không chủ yếu là hàng gọn nhẹ, trị giá cao với các mặt hàng vi phạm đa dạng, nhiều chủng loại bao gồm hàng cấm, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện, hàng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, sản phẩm động vật hoang dã và hàng giả mạo xuất xứ...
Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua đường hàng không, chuyển phát nhanh ngày càng tinh vi, phức tạp và liên tục thay đổi. Nổi bật trong đó là các hành vi như: Lợi dụng việc phân luồng kiểm tra khai báo thành các mặt hàng khác để được phân luồng xanh, vàng tránh bị phân luồng đỏ; lợi dụng chính sách nhập khẩu quà tặng, quà biếu, xé nhỏ hàng hóa gửi cho nhiều tên người nhận khác nhau sau đó thu gom lại; khai báo sai thông tin về hàng hóa...
Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng còn sử dụng một vận đơn nhưng mở nhiều tờ khai; tờ khai phân luồng đỏ thì thực hiện hủy tờ khai, thay đổi thông tin người nhận hàng, khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì từ chối nhận hàng hoặc bỏ lại hàng. Nhiều doanh nghiệp không có thật cũng đã được thành lập để làm thủ tục hải quan.
Không những vậy, các đối tượng còn cất giấu, trà trộn, đóng lẫn các mặt hàng cấm là ma túy, sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm (thuộc danh mục Công ước CITES)… vào những mặt hàng khác để khai báo. Sau đó, mua tiêu chuẩn hành lý ký gửi của hành khách nhập cảnh như Việt kiều, người xuất khẩu lao động về nước, du học sinh, người đi công tác nước ngoài..., lợi dụng hành khách không am hiểu pháp luật để nhờ mang hộ, mang thuê về Việt Nam.
Đặc biệt, hoạt động vận chuyển ma túy qua đường hàng không tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng dưới dạng "quà biếu" qua chuyển phát nhanh hoặc hàng "xách tay", thông qua việc lợi dụng người làm dịch vụ giao và chuyển hàng, du học sinh, tiếp viên hàng không; trà trộn cất giấu, đóng lẫn ma túy vào trong các hộp, bao bì hàng hóa khác.
Ngay từ đầu năm 2024, Cục Hải quan Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và phòng chống ma túy. Kết quả, Cục Hải quan Hà Nội đã phát hiện, xử lý 622 vụ vi phạm pháp luật hải quan, với số tiền phạt gần 44 tỷ đồng; bắt giữ 8 vụ buôn lậu, tang vật là thuốc lá điện tử, ngoại tệ, vàng miếng, các bộ phận của súng... cùng với đó, khởi tố 4 vụ án, chuyển cơ quan công an khởi tố 2 vụ.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Hoàng Quốc Quang cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường, nhất là tại các tuyến đường, địa bàn trọng điểm, trong đó có tuyến đường hàng không, bưu chính.
Do vậy, trong những tháng cuối năm, để đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm trên tuyến đường hàng không, bưu chính, cùng với công tác kiểm tra, rà soát, giám sát thị trường, lực lượng cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Theo đó, lực lượng Hải quan sẽ triển khai, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm; tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát chặt chẽ các loại hình kinh doanh, dịch vụ dễ dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả; trao đổi thông tin, phối hợp bắt giữ, xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh.
Liên quan đến công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không, bưu chính, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, những tháng cuối năm, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục công tác dự báo, nắm bắt tình hình theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; Tăng cường kiểm tra, giám sát các địa bàn trọng điểm, các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa lớn, các điểm giao nhận chuyển phát hàng hóa; chú trọng đấu tranh, phát hiện, xử lý vi phạm với các mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng chức năng; vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại