Thứ bảy 21/12/2024 20:09

Sửa bill chuyển tiền ủng hộ từ thiện rồi đăng lên mạng xã hội "làm màu" có bị xử phạt?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, sửa bill chuyển tiền từ thiện rồi đăng lên mạng xã hội ''làm màu'' không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây khó khăn cho cơ quan chức năng mà còn là còn hành vi vi phạm pháp luật.
Sửa bill chuyển tiền ủng hộ từ thiện rồi đăng lên mạng xã hội
Một Tiktoker đã phải xin lỗi vì chiêu trò "làm màu" của mình khi "khoe" số tiền ủng hộ lên đến hàng chục triệu đồng nhưng thực chất ủng hộ 1 triệu đồng

Ngay sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai hơn 12.000 trang sao kê các tài khoản chuyển tiền ủng hộ Nhân dân các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, cộng đồng mạng phát hiện nhiều người, trong đó có không ít người nổi tiếng ủng hộ ít nhưng nói “khống” lên một con số lớn. Số tiền ủng hộ bà con đang gặp thiên tai dù là bao nhiêu cũng đều rất đáng quý và trân trọng. Tuy nhiên, việc ''làm màu'', ''phông bạt'' khi chuyển khoản từ thiện là điều rất đáng lên án.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: từ thiện, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn, thiên tai bão lũ là truyền thống tốt đẹp bao đời của người Việt Nam. Tấm lòng với bà con vùng lũ ít hay nhiều phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người, không ai chê trách từ thiện nhiều hay ít, miễn là từ tâm. Nếu sửa biên lai chuyển tiền, photoshop biên lai để thể hiện tăng số tiền từ thiện thì không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

“Thời gian qua xuất hiện một số hiện tượng đóng góp từ thiện thì ít nhưng lại chỉnh sửa biên lai chuyển tiền theo hình thức sửa ảnh (photoshop) để thêm các số không (0) thể hiện tăng giá trị số tiền đóng góp thiện nguyện. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thống kê, phân phát, có thể gây ra những nghi ngờ lẫn nhau giữa những người đóng góp và người tiếp nhận quản lý tiền, gây ra dư luận xấu nên hành vi này rất đáng trách, rất đáng lên án.

Hành vi sửa bill chuyển tiền của người đóng góp từ thiện không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Đó là hành vi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật. Tuỳ thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tuỳ thuộc vào hậu quả xảy ra mà người sửa bill chuyển tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa bill chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt động thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi làm bill giả, đưa tin sai sự thật lên không gian mạng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Còn trường hợp hành vi làm giả bill chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội mà chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10-20 triệu đồng với tổ chức và phạt từ 5-10 triệu đồng với cá nhân” - tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Cũng theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, theo quy định của Nghị định 93/2021/NĐ-CP của Chính Phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng đóng góp các khoản đóng góp tự nguyện thì đơn vị tiếp nhận, quản lý, phân phối tiền từ thiện phải công khai minh bạch về thu chi tài chính. Việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai sao kê, thông tin tài khoản chuyển tiền và chi tiết số tiền từ thiện của các tổ chức cá nhân là cần thiết, thể hiện công khai minh bạch và phù hợp với quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính Phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng đóng góp các khoản đóng góp tự nguyện…

Tối 13/9, MTTQ Việt Nam tiếp tục công khai 2.009 trang sao kê tài khoản ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi bão, lụt. 2.009 trang sao kê tài khoản ủng hộ đồng bào sau cơn bão số 3 (bão Yagi) lần này được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thống kê qua tài khoản ngân hàng Vietinbank tính từ ngày 10/9 đến ngày 12/9.

Tính đến 17h ngày 13/9, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 775,5 tỷ đồng. Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã có quyết định phân bổ và làm thủ tục chuyển tiền đến Ban Cứu trợ các địa phương đợt một 388,5 tỷ đồng. Số kinh phí còn lại sẽ tiếp tục rà soát để phân bổ sớm nhất đến với các địa phương vùng thiệt hại do bão lũ.

Trước đó, MTTQ Việt Nam đã công khai 12.028 trang thông tin sao kê danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt gửi qua ngân hàng Vietcombank từ ngày 1/9 đến ngày 10/9. Từ đây, hàng loạt câu chuyện "sống ảo", "làm màu", chiêu trò "phông bạt" bị lật tẩy. Những trường hợp này ủng hộ rất ít nhưng khoe trên Facebook số tiền rất nhiều hoặc có dấu hiệu trục lợi tiền ủng hộ.

Công khai để người dân yên tâm khi sự đóng góp của mình đã đến đúng địa chỉ và sẽ về được với người dân bị thiệt hại Công khai để người dân yên tâm khi sự đóng góp của mình đã đến đúng địa chỉ và sẽ về được với người dân bị thiệt hại
Hà Nội: Cô trò trường Tiểu học Khương Thượng chung tay góp sức ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng của bão lụt Hà Nội: Cô trò trường Tiểu học Khương Thượng chung tay góp sức ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng của bão lụt
Dư luận phẫn nộ vì chiêu trò “phông bạt” chuyển khoản ủng hộ lũ lụt Dư luận phẫn nộ vì chiêu trò “phông bạt” chuyển khoản ủng hộ lũ lụt
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động