Cơ sở thu mua phế liệu ở Hà Nội - nguy cơ cháy nổ khôn lường
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác cơ sở thu mua phế liệu ở địa bàn Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Ảnh: Đạt Lê |
Những cái chết thương tâm do cháy nổ
Trên địa bàn TP Hà Nội lâu nay nhiều cơ sở thu mua phế liệu “mọc” lên nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Hầu hết các cơ sở kinh doanh này đều không đảm bảo điều kiện kinh doanh, không tuân thủ các quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ… Và chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến cháy, nổ gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Thực tế đã xảy ra không ít vụ cháy, nổ từ các cơ sở thu mua phế liệu gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đồng thời gây hoang mang đối với người dân sinh sống gần cở sở thu gom. Vừa qua, vào ngày 20/8, vụ cháy xảy ra tại xưởng thu mua phế liệu ở địa chỉ khu gốc Gạo, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai. Đám cháy được xác định tại khu nhà xưởng rộng khoảng 240m2. Đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng khiến người dân hoang mang lo lắng.
Tiếp đó, một vụ cháy nghiêm trọng khác xảy ra ngày 28/9 tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã khiến một nam thanh niên 26 tuổi tử vong. Tại hiện trường, cơ quan chức năng xác định vị trí, khu vực phát sinh điểm cháy là nơi tập kết phế liệu và sau đó cháy lan sang lán chứa phế liệu nhựa tái sinh, rồi tiếp tục cháy lan sang một phần nhà xưởng. Hậu quả của vụ hỏa hoạn khiến anh Bùi Văn X, trú tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, là công nhân của một xưởng đã tử vong. Ngoài ra vụ hỏa hoạn đã làm cháy một phần nhà xưởng tái chế nhựa với diện tích khoảng 500m2 và một phần xưởng giặt là với diện tích khoảng 100m2.
Vụ cháy cơ sở thu gom phế liệu ở xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì khiến 3 người tử vong. Ảnh: Đạt Lê |
Trước đó, một vụ cháy cơ sở thu gom phế liệu ở xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) xảy ra vào ngày 26/10/2023 đã làm 3 mẹ con tử vong và người chồng bị bỏng nặng. Đây là căn nhà tạm quây bằng tôn của gia đình anh Y, vừa là nơi thu mua phế liệu vừa là chỗ ở của gia đình 4 người. Cơ quan chức năng xác định, thời điểm xảy ra cháy, anh Y kịp thời chạy thoát nhưng bị thương, được đưa đi cấp cứu, còn 3 người gồm vợ và 2 con bị ngạt khói nên tử vong. Gia đình anh Y làm nghề thu gom phế liệu, thời điểm trước khi cháy, anh Y dùng máy chuyên dụng ép phế liệu thì ép phải bình xịt tóc làm phát nổ, bén lửa ra khu vực bình để khí gas dẫn đến cháy, nổ…
Nhiều chủ cơ sở vẫn thờ ơ với “bà hoả”
Trong khi cháy nổ liên tiếp xảy ra với những hậu quả khôn lường thì trên thực tế nhiều cơ sở thu mua phế liệu vẫn thờ ơ với việc đảm bảo an toàn cháy nổ. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, trên phố Vũ Quỳnh, phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), nằm san sát các nhà xưởng lụp sụp, cơ sở thu mua phế liệu chất ngổn ngang các loại nilon, giấy vụn, bao tải… lối thoát hiểm duy nhất là cửa ra vào đã bị bịt kín. Hơn thế, theo quan sát không hề thấy phương tiện, bình chữa cháy nào hiện hữu. Còn tại một cơ sở thu mua phế liệu nằm trong khu dân cư thuộc phố La Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông. Nơi ở cũng là nơi chất đống đủ loại phế liệu như: chai nhựa, bình gas…
Có thể thấy rằng, thực trạng cơ sở thu gom phế liệu hiện nay vẫn đang len lỏi khắp các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội. Điều đáng nói, nhiều chủ cơ sở phế liệu vẫn chủ quan trong công tác PCCC, hệ thống PCCC không được trang bị, thiếu kỹ năng…
Một cơ sở thu mua phế liệu ở Dương Nội, quận Hà Đông. Ảnh: Đạt Lê |
Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (chuyên gia trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ) cho biết, nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở thu mua phế liệu là rất cao. Vì vậy cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên thực hiện các nội quy bảo đảm an toàn PCCC trong cơ quan, doanh nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC trong hoạt động kinh doanh; khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót về PCCC.
Cũng theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, tuyệt đối không sử dụng lửa trần, như đốt hương, đèn cầy, đèn dầu, hút thuốc lá, đốt vàng mã,... trong cơ sở. Không tàng trữ, sử dụng trái phép các chất có nguy hiểm cháy nổ như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong các cửa hàng thu mua phế liệu. Khi hàn xì phải có biện pháp che chắn vẩy hàn, có phương tiện chữa cháy tại chỗ đảm bảo an toàn PCCC. Lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện và thiết bị bảo vệ phải phù hợp với công suất tiêu thụ.
Dãy lán xưởng tạm bợ thu mua phế liệu trên phố Vũ Quỳnh, phường Phú Đô. Ảnh: Đạt Lê |
Về công tác đảm bảo an toàn về PCCC, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP Hà Nội) nhấn mạnh: chính quyền các cấp quản lý trực tiếp tại địa bàn phải rà soát các cơ sở cho thuê đảm bảo đúng mục đích sử dụng; hướng dẫn giải pháp PCCC để cơ sở thực hiện như: giải pháp ngăn cháy, ngăn khói khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực để ở và lối thoát nạn; tách biệt vật liệu vật dụng dễ cháy; bố trí lối thoát nạn, thoát hiểm; ngoài thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn về PCCC, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm, kiên quyết đối với những cơ sở chây ỳ, có dấu hiệu trốn tránh…
Có thể nói, vấn đề về an toàn phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở thu mua phế liệu nằm trong khu dân cư trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn đang là thách thức lớn và đòi hỏi chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần có các biện pháp giám sát, kiểm tra thường xuyên, liên tục. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, kỹ năng về phòng, chống cháy nổ cho lao động thu gom, xử lý phế liệu, cũng như chủ cơ sở thu mua phế liệu, từng bước đẩy lùi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo: các hộ kinh doanh phế liệu cần phải được trang bị những kiến thức và điều kiện kinh doanh cơ bản, quan trọng như điểm thu mua phế liệu, kho bãi phải được xây cất tại một khu vực rộng, thoáng khí, tránh ở gần các cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm, bệnh viện, các khu dân cư đông đúc, các trại chăn nuôi. Kho, bãi phải có mái che tránh mưa, nắng bốc mùi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh bảo đảm sức khỏe cho công nhân làm việc. Khi phế liệu được thu gom phải phân loại, sắp xếp thành từng lô, mỗi lô cách nhau 1,2m và cách tường 0,5m; cách trần và cách đèn 0,5m; có biện pháp bảo quản tốt đối với các loại phế liệu nguy hiểm như vỏ bình gas cũ, thùng chứa hóa chất, phế liệu chiến tranh… Kho, bãi và các điểm thu mua phải có người thường trực 24/24 giờ, được trang bị đầy đủ ánh sáng và các trang thiết bị phòng cháy phù hợp. Đối với những gia đình vừa là nơi ở, vừa là nơi kinh doanh phế liệu cần trang bị đèn chiếu sáng sự cố, bảng chỉ dẫn thoát nạn; các đèn chiếu sáng phải có thiết bị bảo vệ tránh tia lửa điện rơi vào vật liệu gây cháy; dây dẫn điện phải đi trong ống nhựa cách điện; cầu dao, bảng điện phải đặt bên ngoài kho hàng và được ốp bảo vệ bằng vật liệu không cháy. Kiểm tra kỹ nơi đun nấu, nơi thờ cúng, nhất là trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi cơ sở. Không được hút thuốc khi vào kho phế liệu; không đem vào nơi làm việc các vật dụng bắt cháy. Không bố trí phế liệu, vật dụng, phương tiện cản trở đường đi, lối thoát nạn, đặc biệt là trước cửa ra vào. Không hàn cắt kim loại dưới mọi hình thức, đốt dây dẫn điện để lấy lõi đồng. Ngoài ra, phải tổ chức tập huấn, tuyên truyền kiến thức về PCCC cho các hộ kinh doanh phế liệu để biết cách xử lý tình huống và có kỹ năng thoát nạn khi có sự cố xảy ra. |
Cháy dữ dội tại kho đồ chơi ở Hà Nội trong đêm | |
Công an TP Hà Nội phối hợp Công an Hà Nam xử lý nhanh tình huống cháy giả tại cây xăng | |
Cháy nhà xưởng lúc chiều muộn, ít nhất 3 người tử vong |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại