Sẽ có hệ thống giám sát những người có ý định xâm hại trẻ em
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐây là thông tin được ông Phạm Thế Trường- Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ tại Lễ công bố Ứng dụng Bảo vệ trẻ em “Tổng đài 111” trên hai nền tảng điện thoại thông dụng IOS và Android chiều 13-12. Buổi lễ do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp ChildFun Việt Nam, Cục Trẻ em và Microsoft Việt Nam tổ chức.
Tham dự Lễ công bố có ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, ông Phạm Thế Trường- Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Liên – Giám đốc Quốc gia Chidfund Việt Nam cùng nhiều đại diện đến từ các bộ, ban, ngành có liên quan tới công tác bảo vệ trẻ em tại Việt Nam.
Khai thác tính tích cực của môi trường mạng để bảo vệ trẻ em
Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Trẻ em – ông Đặng Hoa Nam cho biết, công tác bảo vệ trẻ em hiện nay ngoài những vấn đề nóng về bạo lực, về xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động trẻ em thì còn có vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trẻ em đối diện nguy cơ rất thật, bị bạo lực, bóc lột, bị bắt nạt, bị xâm hại ngay trên môi trường mạng. Thực tế này yêu cầu chúng ta có chính sách cụ thể hơn, cập nhật hơn để bảo vệ trẻ em.
“Cần sử dụng tính tích cực của môi trường mạng, công nghệ 4.0 để bảo vệ trẻ em. Bởi vì không ở đâu hết môi trường mạng là môi trường tối đa các giao tiếp xã hội, nơi tập trung các luồng thông tin một cách nhanh nhất, một kho tri thức vô tận mọi người đều có thể sử dụng mặt tích cực”, ông Nam nói.
Các đại biểu ấn nút ra mắt Ứng dụng Ứng dụng Bảo vệ trẻ em “Tổng đài 111”. Ứng dụng sẽ cung cấp biểu mẫu thông tin nhằm hỗ trợ người dụng báo cáo các trường hợp nghi vấn xâm hại trẻ em để nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Ảnh: Anh Tuấn |
Việc công bố phần mềm Ứng dụng Tổng đài 111 hôm nay theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam chính là thực hiện cơ bản chức năng sử dụng môi trường mạng để bảo vệ trẻ em. Với yêu cầu đặt ra là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin cho Tổng đài làm đầu mối xác minh, xử lý và hỗ trợ can thiệp kịp thời thì việc xây dựng phần mềm ứng dụng trên môi trường mạng sẽ góp phần kết nối với mọi người dân, mọi trẻ em mọi nơi mọi lúc một cách thuận tiện nhất.
Việc công bố Ứng dụng Tổng đài 111 cũng chính là sự hiện thực hóa chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về trẻ em tại hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em diễn ra trước đó. Đó là phải hình thành nhanh nhất mạng lưới chăm sóc, bảo vệ trẻ em, không chỉ gồm các cơ quan Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội mà cần kết nối mạng lưới cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em.
Thông tin việc trẻ em gặp rủi ro một cách nhanh chóng, dễ dàng
Chia sẻ kết kết quả nghiên cứu và thực tiễn của ChildFun khi thực hiện Dự án “ChildFund Swipe Safe – An toàn trên mạng”, nơi trẻ em và các đối tác an toàn mạng được trang bị các kiến thức kỹ năng bảo vệ bản thân trong thời đại công nghệ số tại ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Hòa Bình trong thời gian từ năm 2017 đến hết năm 2020 - bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc Quốc gia Chidfund Việt Nam cho biết: “Khi sử dụng internet, bên cạnh những lợi ích vốn có như tiếp cận thông tin, trẻ em đang phải đối mặt với không ít nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển như bị bắt nạt, bị xâm hại”.
Dựa trên các bằng chứng về mức độ của việc sử dụng điện thoại và mạng internet tại Việt Nam, dựa trên nhu cầu về phương thức báo cáo “Nhanh gọn – Tiện lợi- Bảo mật” của cộng đồng, được ghi nhận thông qua dự án “ChildFund Swipe Safe”, ChildFun đã đề xuất ý tưởng xây dựng một ứng dụng nhằm hỗ trợ người dùng đại chúng có thể dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng báo cáo thông tin về các trường hợp trẻ em đang gặp rủi ro cần hỗ trợ. Mặt khác, cũng với ứng dụng này, nhân viên công tác xã hội tại cơ sở và nhân viên quản lý tổng đài 111 quốc gia cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc quản trị dữ liệu các ca được báo cáo.
Cục Trẻ em và ChildFun với sự hỗ trợ của Microsoft đã phát triển và hoàn thiện Ứng dụng Tổng đài 111. “Phát triển Ứng dụng “Tổng đài 111” là một trong những bước ngoặt của ChildFun trong công tác hỗ trợ chính phủ và chính quyền cấp cơ sở xây dựng xây dựng và kiện toàn hệ thống thực hành dịch vụ bảo vệ trẻ em hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Bích Liên nói.
Theo ông Phạm Thế Trường – Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam: “Chúng ta đang sống trong thế giới ngày càng phát triển, càng kết nối và cũng ngày càng đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp hơn. Ứng dụng “Tổng đài 111” là một trong những dự án chiến lược mà Microsoft đồng hành cùng các NGOs (tổ chức phi chính phủ) và chính phủ nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của công nghệ thông tin trong việc giải quyết những thách thức trong xã hội”.
“Ứng dụng góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm cộng đồng đối với trẻ em, hướng tới một Việt Nam thông minh hơn, tốt đẹp hơn. Đặc biệt là mang lại một cuộc sống an toàn và lạnh mạnh hơn cho trẻ em”, ông Phạm Thế Trường nói.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại