Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Còn theo quy định hiện hành, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập. Như vậy, từ năm học 2021-2022, việc lựa chọn sách giáo khoa sẽ do UBND cấp tỉnh thực hiện.
Mỗi môn học của một cấp học thành lập một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó. Người đã tham gia biên soạn, chỉ đạo biên soạn, thẩm định, xuất bản, in sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt không được tham gia hội đồng.
Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT nêu rõ quy trình lựa chọn sách giáo khoa được triển khai theo bốn bước: Cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa; phòng giáo dục và đào tạo tổng hợp, báo cáo sở giáo dục và đào tạo danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp; sở giáo dục và đào tạo tổng hợp, chuyển cho hội đồng danh mục sách giáo khoa; hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Sách giáo khoa được lựa chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn.
UBND cấp tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục sách giáo khoa được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo thông báo danh mục sách giáo khoa được phê duyệt đến các cơ sở giáo dục phổ thông chậm nhất 5 tháng trước thời điểm bắt đầu năm học mới.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11-10-2020 và thay thế Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30-1-2020.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại