Thứ năm 18/04/2024 10:36

Quấy rối tại nơi làm việc chính là phân biệt đối xử, vi phạm quyền con người

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhận thức hạn chế, lại mang nặng tư tưởng Á Đông nên có nhiều nữ công nhân khi bị quấy rối tình dục đã chọn giải pháp im lặng. Họ lý giải rằng, chuyện bị quấy rối cũng không hay ho gì, thế nên im lặng để tránh khỏi việc bị trêu ghẹo hay khiến mình trở thành tâm điểm của những câu chuyện tán gẫu của cánh đàn ông.
Quấy rối  tại nơi làm việc chính là phân biệt đối xử, vi phạm quyền con người
Năm 2015, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã công bố Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Chọn cách im lặng trước nguy cơ bị quấy rối

Cũng có trường hợp, những “đụng chạm” tưởng chừng như vô tình của những đồng nghiệp nam lại không thực sự khiến những nữ công nhân cho rằng đấy là việc quấy rối. Với họ, đơn giản đấy chỉ là việc họ bị “trêu đùa”, hay đơn giản hơn nữa là người ta chỉ “vô tình” đụng chạm, không có gì to tát.

Kể về câu chuyện của mình, chị N.T.H (Bắc Giang) công nhân tại một khu công nghiệp tại Hà Nội đến giờ vẫn thấy ấm ức. Vốn gái một con nên chị vẫn còn thon thả, nhỏ nhắn. Đã vậy lại sở hữu nước da trắng bóc cùng đôi mắt lúng liếng có duyên cùng giọng nói êm mượt của con gái Kinh Bắc nên chị luôn là tâm điểm của những lời trêu ghẹo, những tỏ ý ong bướm của nhiều đàn ông cùng khu trọ cũng như ở nơi làm việc. “Do trong công ty thì bọn em ít va chạm ai vì việc ai người ấy làm, thế nhưng đến giờ ăn em thường bị va hay bị tốp công nhân nam xô đẩy để chạm vào ai đó trong họ. Những lúc như thế họ thường nhìn em cười rất khả ố.” – chị H. kể.

Nhưng có lẽ các câu chuyện tưởng như “thường ngày ở huyện” ấy cũng không khiến chị để tâm nhiều. Cho đến một hôm, đợt ấy do Hà Nội giãn cách xã hội, công nhân khu CN được yêu cầu 3 tại chỗ, lúc ấy mới xảy ra vấn đề. “Ban ngày làm việc không sao, nhưng buổi tối nhộn nhạo bởi khi mà tất cả công nhân tập trung ăn – ngủ - sinh hoạt tại chỗ thì sẽ dẫn đến việc quá tải. Chờ nhau tắm, chờ nhau đi vệ sinh… rất hay xảy ra. Và thế là em cũng hay va vấp với các công nhân nam nhiều hơn.” – chị H. nói. Và có buổi tối chị đi vệ sinh trước khi đi ngủ, vừa bước ra khỏi phòng thì bất ngờ bị một nam công nhân ôm chầm lấy rồi có hành vi khiếm nhã với chị.

“Nghĩ lại em vừa thấy xấu hổ, vừa thấy bực. Nhưng bởi trời tối không nhìn rõ là ai nên cũng đành chịu. Sau đó em có kể cho một bạn cùng tổ, nhưng kể thế thôi chứ cũng không có ý định báo lên quản đốc hay cấp trên.” – chị cho biết.

Còn với chị N.T.T (Long Biên) công nhân của một bếp ăn của một công ty ở Long Biên, việc va chạm với đàn ông thường xảy ra với chị. “Cùng ca kíp, lại cùng một công việc, nên đôi khi cánh đàn ông cứ hay cợt nhả những khi rỗi việc. Thậm chí có người bạo gan còn thấy chúng tôi đang làm lại ra phát bốp cái vào mông… Có bực mình thì cũng nói vài câu lúc đó rồi thôi.” – chị T. kể. Nhưng khi được hỏi chị có ý thức đó là hành vi quấy rối tình dục hay không thì chị lại trả lời một cách rất vô tư: “Tôi nghĩ đơn giản đó chỉ là cái cách họ trêu thôi chứ không hẳn có ý đồ xấu.”

Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Thực tế trong cuộc sống, suy nghĩ như chị T. rất nhiều. Có những người không ý thức được rằng, quấy rối tình dục không chỉ là việc dùng những lời lẽ hoặc hành vi có liên quan đến tình dục mà nó còn thực hiện thông qua lời nói. Những người quấy rối tình dục cũng có thể sử dụng công nghệ hiện đại để quấy rối đối phương. Chẳng hạn như gửi tin nhắn bằng, hình ảnh hoặc video có nội dung không lành mạnh.

Về vấn đề này, theo Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định: hạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với những người có: Hành vi, cử chỉ, lời nói thô bạo. Hoặc trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Ngoài ra, theo theo điểm c khoản 1 Điều 37 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định, người lao động trong quá trình làm việc mà bị quấy rối tình dục thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Ngày 25-5-2015, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã công bố Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Bộ Quy tắc nêu rõ quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính làm ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc và sự bình đẳng giữa lao động nam và nữ. Hành vi này gây tâm lý lo lắng, căng thẳng cho nạn nhân, dẫn đến môi trường làm việc không an toàn, hiệu suất làm việc và năng suất lao động bị giảm sút.

Đặc biệt việc người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý hay đồng nghiệp có hành vi gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, đào tạo, kỷ luật, sa thải, tăng lương hay các lợi ích khác của người lao động để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục đều bị quy là “quấy rối tình dục”.

Đánh giá về bộ quy tắc cũng như quan điểm về quấy rối tình dục nơi làm việc, bà Lisa Wong, chuyên gia nghiên cứu về giới của Tổ chức lao động thế giới cho rằng, doanh nghiệp nếu không áp dụng bộ quy tắc ứng xử quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và cơ hội mở rộng thị trường.

Theo bà, khó khăn lớn nhất để bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục đi vào cuộc sống là các doanh nghiệp không sẵn lòng thực hiện khi đây không phải văn bản pháp luật, không có chế tài xử phạt.

Tác động của việc bị quấy rối tình dục đến người lao động rất lớn, gây tâm lý khó chịu hoặc lo lắng, ảnh hưởng đến công việc, giảm năng suất. Trong trường hợp này, người bị thiệt là chủ sử dụng lao động. Chưa kể đến việc người lao động có thể xin nghỉ việc khiến doanh nghiệp mất phí đào tạo và mất công tuyển dụng.

Những doanh nghiệp muốn xuất khẩu muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài đặc biệt có lợi khi áp dụng bộ quy tắc này. Ngoài hàng hóa thì bên đặt hàng còn muốn chắc chắn quyền con người ở nơi sản xuất không bị vi phạm. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc chính là phân biệt đối xử, vi pham quyền con người. Những quy tắc này trong giao dịch thương mại ngày càng phổ biến và được thắt chặt hơn - bà Wong phân tích.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động