Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý... “từ xa”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Đoạn chat của kẻ lừa đảo với chị P.T.T. Ảnh chụp màn hình |
Chuyển khoản đặt cọc phòng từ 6,5 triệu thành 1 tỉ đồng
Đó là vụ việc một người phụ nữ ở Hải Phòng vừa bị chiếm đoạt trên 1 tỉ đồng khi đặt phòng nghỉ dịp cận Tết Nguyên đán 2025 gây xôn xao dư luận gần đây. Vụ việc xảy ra vào ngày 26/1/2025, chị P.T.T (quận Hải An, TP Hải Phòng) tìm kiếm và đặt phòng cho chuyến du xuân của cả gia đình qua fanpage tích xanh mang tên Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Bình. Sau khi nhắn tin qua lại, đối tượng bảo chị chuyển khoản trước số tiền 6.570.000 đồng để đặt phòng. Do tin tưởng, nên chị P.T.T không mảy may nghi ngờ, đồng ý chuyển khoản.
Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản thành công, đối tượng nói là “chưa ghi nội dung chuyển khoản” và đề nghị chị chuyển khoản lại với nội dung chuyển khoản như đối tượng gửi. Sau hai lần chuyển khoản, kẻ lừa đảo bắt đầu vin vào tâm lý khách hàng đã chuyển khoản hai lần, muốn lấy lại tiền, từ đó đã giăng bẫy, yêu cầu khách hàng cung cấp số tài khoản ngân hàng kèm tên và số điện thoại để nhận lại tiền.
Đối tượng gửi cho chị T một bức ảnh chụp nội dung “giao dịch không thành công” và yêu cầu nhập mã xác thực VNpay để nhận lại tiền từ DN. Nóng lòng muốn nhận lại tiền, đồng thời đối tượng liên tục thúc ép nhập mã xác thực, chị T đã vào ứng dụng ngân hàng của mình nhập mã xác thực VNpay với các con số do các đối tượng lừa đảo gửi cho. Sau đó xác thực khuôn mặt, mã OTP và đến bước “xác nhận”.
Lúc này đối tượng gọi điện liên tục thúc ép chị nhấn vào “xác nhận”, do vậy chị đã nhấn vào. Tuy nhiên, chị T đâu biết mã xác thực VNpay mà bọn chúng gửi chính là số tiền mà chúng muốn chuyển ra khỏi tài khoản của chị.
Chỉ khi tài khoản của chị hết tiền các đối tượng mới dừng lại. Lúc này, chị T bừng tỉnh, vào website tìm số điện thoại của khách sạn thì được biết, phòng khách sạn đã ngừng bán một tháng nay, lúc này chị T mới ý thức được đã bị các đối tượng lừa đảo. Sau đó, chị liên hệ lại thì bọn chúng đã tắt máy, thoát ứng dụng, đóng tài khoản Facebook… Tổng số tiền mà chị T đã chuyển cho kẻ lừa đảo lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Fanpage tích xanh cũng có thể là lừa đảo
Đầu năm là khoảng thời gian cao điểm khi nhu cầu đi du xuân của người dân tăng cao. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để các đối tượng lừa đảo du lịch, bán vé máy bay, vé tàu và phòng khách sạn giả mạo tiếp diễn những chiêu trò của chúng. Sau khi du khách chuyển khoản tiền đặt cọc lần đầu tiên, kẻ lừa đảo thông báo, khách đã chuyển sai nội dung và yêu cầu chuyển lại tiền để bộ phận kế toán xác nhận và hoàn lại số tiền thừa.
Trên thực tế, nhiều nhóm đối tượng lừa đảo lựa chọn hình thức lập fanpage giả mạo rồi thực hiện thủ thuật để xin tích xanh từ facebook. Các đối tượng lừa đảo sẽ cho chạy quảng cáo fanpage giả để tạo độ uy tín, thậm chí mua các bình luận ảo về việc đặt phòng hay khen ngợi homestay, khách sạn để tạo lòng tin với du khách. Chuyên gia công nghệ cho biết, theo thuật toán của facebook, các fanpage, hội nhóm có lượt theo dõi cao hơn thường sẽ hiển thị trước nên du khách dễ bị nhầm lẫn.
Đối với vấn nạn fanpage facebook du lịch giả mạo tràn lan, các nạn nhân, đại diện một số homestay bị mạo danh và chuyên gia cho rằng, cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giữa Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh và CQCA để kiểm soát tình hình. Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng trước các fanpage giả mạo thông tin khách sạn, phòng nghỉ du lịch. Thực hiện kiểm tra, xác minh thông tin kỹ về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp. Tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc khi chưa xác minh được độ uy tín của đối tượng.
Người dân được khuyến cáo nên kiểm tra kỹ nguồn gốc của tài khoản; tính xác thực của đối tượng trước khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo ngay với CQCA để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có công văn đề nghị, Sở quản lý du lịch các địa phương: tăng cường tuyên truyền tới các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, người dân để hiểu biết về các hình thức, thủ đoạn lừa đảo mới trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin của cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nói chung và cơ sở lưu trú du lịch nói riêng trước khi đặt dịch vụ, thực hiện giao dịch thanh toán. Chỉ nên đặt dịch vụ tại các website, fanpage chính thức của đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch do cơ quan quản lý du lịch địa phương cung cấp hoặc qua các nền tảng đặt dịch vụ có uy tín.
Đề nghị các Sở quản lý du lịch trên toàn quốc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật; tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đơn thư, phản ánh liên quan của công dân theo thẩm quyền.
Phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, ngăn chặn các website, fanpage giả mạo, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo. Cung cấp thông tin các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có đăng ký kinh doanh trên địa bàn để người dân, du khách biết và đặt dịch vụ. Đồng thời, phối hợp cập nhật đầy đủ thông tin các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương lên hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để công bố rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần cung cấp thông tin các website, fanpage, nền tảng mạng xã hội chính thức gửi Sở quản lý du lịch địa phương để tăng cường thông tin nhận diện fanpage, website chính thức. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ khách hàng; thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời các nền tảng thông tin, trang mạng xã hội giả mạo cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của mình.
Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời xử lý các vụ việc liên quan; không lan truyền hoặc lợi dụng các thông tin sai lệch về cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để gây sự chú ý của du khách. Tăng cường áp dụng các biện pháp bảo mật, ngăn chặn các hành vi xâm nhập, giả mạo; cung cấp thông tin các website, fanpage, nền tảng mạng xã hội chính thức gửi Sở quản lý du lịch địa phương để tăng cường thông tin nhận diện fanpage, website chính thức và tránh tình trạng bị giả mạo.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có Công văn số 53/CDLQGVN-QLLT gửi các Sở VH,TT&DL, Sở Du lịch các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong lĩnh vực du lịch. |
Triệt xóa đường dây lừa đảo, rửa tiền bằng hình thức đầu tư chứng khoán | |
Cảnh báo lừa đảo dịp Lễ Tình nhân: chiêu trò tinh vi cần cảnh giác |
![Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại](/modules/frontend/themes/plxh/images/pc/qr-code.jpg?v=2.620250217092548)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại