Thứ ba 11/02/2025 13:59

“Chất” Tràng An trong góc phố xưa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trái ngược với dòng xe cộ ngược xuôi ngoài phố, góc Hà Nội xưa được tái hiện qua hình ảnh quen thuộc từ mô hình tàu điện leng keng di sản, tổ phục vụ nước sôi thời bao cấp 5 xu 1 lít nước, gánh hàng rong… đã “đánh thức” không gian sáng tạo đường phố, thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng.
Người dân thích thú chụp ảnh khu phố bao cấp tại điểm du lịch Đảo Ngọc – Ngũ Xã. Ảnh: Mộc Miên
Người dân thích thú chụp ảnh khu phố bao cấp tại điểm du lịch Đảo Ngọc – Ngũ Xã. Ảnh: Mộc Miên

Những ngày Xuân, góc phố xưa điểm du lịch Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) trở thành điểm đến yêu thích của người dân và du khách. Trên chiếc tàu điện leng keng di sản được sắp đặt mô hình toa xe bao cấp “Bếp - Chạn - Mâm”, du khách như bước vào một “bảo tàng thu nhỏ” với đầy đủ các vật dụng gia đình quen thuộc một thời bao cấp. Từ chiếc tem phiếu, bếp dầu hỏa, bộ ấm chén men xanh, chiếc radio cũ kỹ, phích nước nhôm,… đến mâm cơm bình dị gồm các món ăn đồng quê như dưa cà muối, đậu tẩm hành, cơm độn khoai, bo bo, cơm trộn nước phở…

Phía ngoài tàu điện sắp đặt cửa hàng bách hóa nhỏ, sạp báo cùng mô hình nhà máy nước công cộng, tổ phục vụ nước sôi thời bao cấp 5 xu 1 lít nước, bảng tin tổ dân phố, loa truyền thanh trên các cột điện cổ, các hiện vật từ chiếc ô tô cũ, xe đạp cũ… Điểm nhấn là cửa hàng may áo dài tân thời Cát Tường, hiệu chụp ảnh Thăng Long và khu vực check-in mặt nạ giấy bồi. Trước đây, do thời bao cấp điều kiện kinh tế hạn chế, việc chụp ảnh thường chỉ diễn ra vào dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, lễ cưới hỏi… vì vậy, nhiều gia đình Hà Nội coi việc chụp bức ảnh sum vầy như một món quà ý nghĩa đón Xuân. Cũng giống trang phục của người Hà Nội, cách ăn mặc cũng khó vượt ra khỏi cốt cách điềm đạm, kín đáo. Ký ức các tiệm may ngày xưa, ngoài dịp lễ, Tết may bộ quần áo mới thì người Hà Nội sinh ra nhu cầu làm mới lại trang phục cũ. Đó cũng là hoạt động làm ăn chính của những cửa tiệm may thời đó.

Bức tượng đồng người đàn ông gánh phở tại phố ẩm thực Tống Duy Tân. Ảnh: Khánh Huy
Bức tượng đồng người đàn ông gánh phở tại phố ẩm thực Tống Duy Tân. Ảnh: Khánh Huy

Triển khai từ đầu năm 2024, cụm tác phẩm sáng tạo “phố hàng” tại vườn hoa Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với biểu tượng sắp đặt về hình ảnh phụ nữ Hà thành mặc áo dài tứ thân, áo dài ngũ thân bằng chất liệu inox gương trên gánh hàng rong tạo sự tương tác cho người dân và du khách. Trong ánh nắng đầu Xuân, cụm tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tái hiện hình ảnh phụ nữ Hà thành bên gánh hàng rong nổi bật tại không gian khu vực đảo giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Thái Học - Hàng Bông - Cửa Nam.

Tiếp nối hình ảnh “phố hàng”, tại phố ẩm thực Tống Duy Tân, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và các cộng sự tiếp tục thực hiện bức tượng bằng đồng tái hiện người đàn ông gánh phở với đôi quang gánh, một bên là nồi nước dùng, một bên đựng các loại nguyên liệu làm nên bát phở tạo thêm điểm nhấn cho tuyến phố ẩm thực đầu tiên ở Hà Nội.

Giữa nhịp sống hiện đại, các mô hình sản phẩm sáng tạo từ cải tạo vườn hoa, phố ẩm thực đã trở thành không gian kết nối cộng đồng, tạo diện mạo mới cho khu vực đô thị, thúc đẩy hoạt động sáng tạo về du lịch, ẩm thực.

Cận cảnh tượng người đàn ông gánh phở trên phố cổ Hà Nội
Dấu gạch nối giữa hiện tại và quá khứ trong nghề xưa của Hà Nội
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động