Hành trình lần tìm manh mối những “cú lừa” của Mr.Pips
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Phó Đức Nam tại CQCA. Ảnh: CQCA |
Từ du học sinh đến siêu lừa Mr.Pips
Theo thông tin từ Ban chuyên án, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Nam nhận được học bổng toàn phần tại một trường đại học ở Singapore, đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin.
Sau khi học xong, Nam về nước làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực chứng khoán. Nhờ kinh nghiệm du học nhiều năm tại nước ngoài cùng chứng chỉ IELTS 8.5, Nam dễ dàng giao tiếp với người nước ngoài không cần phiên dịch.
Được đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin, am hiểu về tài chính, chứng khoán, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ rất tốt, nhưng thay vì làm ăn chân chính, Phó Đức Nam đã liên kết với nhiều đối tượng khác để hình thành nên một tổ chức sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia.
Đường dây này hoạt động tinh vi trong một thời gian dài và có sự tham gia của nhóm đối tượng người nước ngoài. Các đối tượng trong đường dây đã thành lập nhiều công ty “ma” để tổ chức lừa đảo trên nền tảng hệ thống các trang web, đường link sàn chứng khoán quốc tế do nhóm người nước ngoài cung cấp.
Có học thức, thành thạo ngoại ngữ, được đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin, biết tận dụng các nền tảng mạng xã hội, Phó Đức Nam đã xây dựng được hình ảnh một chuyên gia tài chính uy tín trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán và dạy làm giàu để đánh bóng tên tuổi của bản thân. Cũng nhờ khả năng phân tích kiến thức tài chính, tài ăn nói lưu loát, những video do Nam xây dựng, hướng dẫn các lĩnh vực đầu tư chứng khoán, quan điểm làm giàu thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
Nam tự giới thiệu là một trader “bất bại” với 10 năm kinh nghiệm trên thị trường đầu tư vàng và chứng khoán quốc tế. Từ đó, cái tên Mr Pips trở nên “nổi như cồn” trên mạng xã hội. Bằng những mánh khóe, chiêu trò tinh vi, Nam đã lồng ghép và sử dụng hình ảnh của những người thành danh trong ngành tài chính để thực hiện các buổi livestream tư vấn đầu tư.
Nhiều video đăng tải về cuộc sống xa hoa với hàng loạt siêu xe, tiền, vàng và đồng hồ hàng hiệu cùng những bí quyết làm giàu thường xuyên xuất hiện có hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên TikTok và YouTube.
Đánh vào tâm lý hám lợi và và muốn làm giàu nhanh chóng, Nam “bật đèn xanh” và dẫn dụ các nhà đầu tư phải đầu tư nhiều tiền để có thể thắng nhiều tiền, “có tiền mới mua được hạnh phúc và sống sung sướng”. Sự thật đằng những “vỏ bọc” hoàn hảo đó lại là một đường dây lừa đảo tài chính vô cùng tinh vi.
Lời tố của các bị hại
Một trong những người "sập bẫy" lừa đảo là bà T. Người phụ nữ này đã nạp khoảng 500 triệu đồng. Theo lời bà T, được mời tham gia một nhóm đầu tư trên Telegram, các thành viên trong này "đua nhau" khoe hình ảnh, clip về việc nhận được khoản tiền lãi lớn. Có thành viên còn gửi hàng loạt giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính, nên bà rất tin tưởng.
Như lời bị hại này, khi “vào rồi” bị hút ghê gớm, các đối tượng nói gì cũng tin. Sau này, bà mới biết, những người trên đều nằm trong "kịch bản".
Bà T nói, ban đầu bà thử đầu tư gói giao dịch vài trăm ngàn đồng thì dễ dàng nhận được cả gốc lẫn lãi. Sau đó, gói đầu tư được nâng dần, lên 30 triệu đồng rồi 60 triệu đồng, với hứa hẹn lợi nhuận gấp hàng chục lần. Khi số tiền nạp đã kha khá, tài khoản của bà T lập tức báo "cháy". Đang hoang mang, bà T được thành viên nhóm động viên tìm cách gỡ gạc, nên nạp thêm 70 triệu đồng.
Sau đó, tài khoản của bà T bị "treo" và được hướng dẫn nạp thêm tiền để khắc phục lỗi. Bà T đã bán cả số vàng chuẩn bị cưới cho con trai, nạp thêm hơn 100 triệu đồng. Tài khoản tiếp tục "cháy". Bà T cố gắng lần cuối bằng việc vay mượn bạn bè 170 triệu đồng, mong cứu vãn tình thế nhưng tiền vẫn “bay".
Một bị hại khác là chị N. Chị N bị nhóm Mr Pips lừa đảo nhiều lần, với tổng số tiền bị lừa lên đến 35 tỷ đồng. Mỗi lần chị N có ý định “dừng cuộc chơi”, nhóm Mr Pips lại cử người chăm sóc, thăm hỏi tận tình và hứa hẹn giúp chị gỡ gạc, khiến người phụ nữ này nuôi hi vọng và lại tiếp tục đổ tiền vào cho nhóm lừa đảo.
Chị N cho hay, khoảng năm 2020, giai đoạn dịch Covid-19 nên ở nhà nhiều. Lúc đó, chị có một khoản tiền từ việc bán nhà. Có một người tên Yến liên hệ, chào mời và nói về chứng khoán quốc tế. Người này nói trong nhóm có chuyên gia quốc tế, dày dặn kinh nghiệm sẽ hướng dẫn “một kèm một”. Sau một thời gian họ chia sẻ, thuyết phục thì tôi đã quyết định đầu tư tiền vào thử.
![]() |
Xe Rolls-Royce của Phó Đức Nam thường xuyên khoe khoang trên mạng xã hội. |
Thấy chị N nạp tiền nhiều lần, nhóm Mr Pips nâng cấp chị lên thành “hội viên VIP”. Một mình chị N. có đến 3-4 “chuyên gia chứng khoán quốc tế” hỗ trợ để chị giao dịch trên sàn lừa đảo. Tuy nhiên đối với nhóm này, hội viên càng VIP thì càng bị lừa nhiều tiền.
Mỗi lần chị N. bị “cháy tài khoản” là một lần vật vã, đau khổ với nạn nhân. Nhưng sau đó, nhóm Mr Pips lại diễn nhiều trò, lúc thì an ủi, động viên, lúc thì khóc lóc, đòi tự tử…
Từ việc phát hiện ổ nhóm nghi sử dụng công nghệ cao để lừa đảo
Đường dây lừa đảo do Phó Đức Nam cầm đầu chính thức bị phanh phui khi Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội phát hiện 1 ổ nhóm đối tượng có nghi vấn sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh theo hình thức đầu tư chứng khoán, dưới vỏ bọc là Công ty TNHH Artex Vina và các công ty "ma".
Theo kết quả điều tra, từ khoảng năm 2019, Phó Đức Nam cùng với Lê Khắc Ngọ đã cấu kết với một đối tượng người nước ngoài thành lập nhiều công ty “ma” để tổ chức lừa đảo trên nền tảng hệ thống các trang web, đường link sàn chứng khoán quốc tế do nhóm người nước ngoài cung cấp.
Trong quá trình hoạt động phạm tội, Nam và Ngọ đã thành lập 44 văn phòng tại Việt Nam. Trong đó, tại TP. Hà Nội có 24 văn phòng; 20 văn phòng tại TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và một số văn phòng tại Campuchia.
Các đối tượng thực hiện các hoạt động độc lập, bổ trợ lẫn nhau, tiếp xúc với khách hàng thông qua các mạng xã hội như xalo, telegram... để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định.
Ban đầu, các đối tượng dùng các thủ đoạn để dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, “có lãi” và rút tiền được, sau đó sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để hướng dẫn, thúc đẩy khách hàng nâng vốn giao dịch.
Khi khách hàng giao dịch thua lỗ, “cháy” tài khoản thì các đối tượng cung cấp các thông tin sai sự thật để khách hàng tiếp tục có niềm tin, chuyển thêm tiền để “gỡ”, đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển.
Sau khi nhận tiền của khách hàng, các đối tượng cầm đầu sử dụng tiền để tiêu xài cá nhân, mua siêu xe, du thuyền, bất động sản, USD, vàng, sau đó khoe trên khắp các nền tảng mạng xã hội để kích thích những bị hại khác tiếp tục tham gia vào hoạt động lừa đảo của tổ chức này.
Liên quan đến vụ án, lực lượng chức năng đã thu giữ thêm khối tài sản trị giá hơn 100 tỷ đồng. Cụ thể, CQCA đã thu giữ thêm xe Mercedes G63 và 12 tỷ đồng trong tài khoản, 18 căn nhà chung cư, biệt thự trị giá 100 tỷ đồng. Nâng tổng con số thu hồi tài sản trong vụ án là 5.300 tỷ đồng. Cơ quan công an xác định, trong các tài khoản nước ngoài 500.000 USD và nhiều tài sản hiện đang ở nước ngoài.
Từ góc độ chuyên gia, TS. Thượng tá Đào Trung Hiếu, nhà nghiên cứu tội phạm học nhìn nhận, thủ đoạn mà Phó Đức Nam cùng đồng bọn sử dụng là thành lập các công ty "ma" và tạo ra các sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán giả mạo. Sau đó, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng bá, giả danh chuyên gia đầu tư, cung cấp thông tin sai lệch và hứa hẹn lợi nhuận cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Thượng tá Đào Trung Hiếu, có thể nhận biết dấu hiệu của các đối tượng này như những lời mời gọi đầu tư với lợi nhuận cao bất thường trong thời gian ngắn; sử dụng hình ảnh, video giả mạo chuyên gia để tạo lòng tin. Đồng thời, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc qua các kênh không chính thống, và những sàn giao dịch này thường thiếu thông tin, thông tin không rõ ràng về công ty, không có giấy phép hoạt động. Trong khi đó, các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dân cần trang bị kiến thức, sử dụng các công cụ bảo mật tiên tiến và cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ thông tin trên không gian mạng. |
Đường dây lừa đảo xuyên quốc gia do Tiktoker Mr Pips điều hành bị triệt phá như thế nào? | |
Tìm bị hại trong vụ án lừa đảo do Phó Đức Nam cầm đầu | |
Truy nã quốc tế Lê Khắc Ngọ, đồng phạm của Phó Đức Nam |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại