Thứ tư 19/02/2025 04:48

Nhận diện đối tượng giả danh Công an để lừa đảo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi Nguyễn Thọ Đức đến vị trí ông B đã để tiền tại Khu tái định cư thuộc phường Đông Thịnh, TP Thanh Hóa thì bị lực lượng Công an tổ chức mật phục bắt quả tang. Chuyên gia pháp lý nhận định, với số tiền chiếm đoạt được, đối tượng Đức sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc.
Đối tượng Nguyễn Thọ Đức tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an cung cấp
Đối tượng Nguyễn Thọ Đức tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an cung cấp

Giả Công an gọi điện đe dọa người dân

CA tỉnh Thanh Hóa đang tạm giữ đối tượng Nguyễn Thọ Đức (SN 2000, trú tại phố Ngọc Lậu 1, phường Đông Thịnh, TP Thanh Hóa) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng này từng bị dụ dỗ đến Campuchia tham gia đường dây giả danh Công an để lừa đảo, chiếm đoạt tiền các nạn nhân là người Việt Nam.

Theo tài liệu của CQCA, khoảng đầu năm 2024, Nguyễn Thọ Đức nghe theo bạn bè rủ rê đến tỉnh Bavet, Vương quốc Campuchia để tìm việc làm. Tại đây, Đức quen biết một đối tượng là người Việt Nam và bị dụ dỗ tham gia đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức giả danh Công an gọi điện cho người dân Việt Nam đe doạ chuyển tiền. Các đối tượng đã cung cấp kịch bản trước, đồng thời hướng dẫn Đức cách thức gọi điện thoại, thao túng tâm lý người dân để họ cảm thấy sợ hãi, chuyển tiền theo yêu cầu của Đức.

Khoảng tháng 12/2024, Đức từ Campuchia trở về Việt Nam sinh sống tại thôn Yên Bằng, xã Đông Yên, TP Thanh Hóa và vẫn giữ liên lạc với đối tượng trong đường dây lừa đảo tại Campuchia. Do về nước không có công việc làm ăn ổn định và cần tiền tiêu xài nên Đức tiếp tục liên lạc với đối tượng tại Campuchia để hoạt động lừa đảo. Qua đó, Đức được các đối tượng cung cấp thông tin cá nhân ông T.Q.B (SN 1964, ở xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá). Theo kịch bản các đối tượng cung cấp, Đức đã liên lạc với ông B để giả danh là cán bộ CATP Hà Nội, đe dọa ông B đang liên quan đến đường dây tội phạm rửa tiền và yêu cầu ông B phải hợp tác để điều tra. Sau khi thấy ông B có tâm lý sợ hãi thì Đức đã 6 lần yêu cầu ông B phải đưa tiền nếu không sẽ bị bắt giam, điều tra và hứa hẹn sau khi kết thúc điều tra ông B sẽ được nhận lại toàn bộ số tiền.

Mặc dù không phạm pháp nhưng do lo sợ ảnh hưởng đến bản thân và gia đình nên ông B đã đồng ý đưa tiền. Đức đã yêu cầu ông B mang tiền đến các địa điểm tại xã Đông Yên và phường Đông Thịnh, TP Thanh Hóa do Đức chỉ dẫn để lại đó và đi về sau đó Đức lén lút đến lấy.

Sau khi phát hiện sự việc trên, CATP Thanh Hoá phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, CA tỉnh Thanh Hoá tổ chức các hoạt động điều tra, truy xét, bắt giữ đối tượng phạm tội. Lần thứ 6, khi Nguyễn Thọ Đức đến vị trí ông B. đã để tiền tại Khu tái định cư thuộc phường Đông Thịnh, TP Thanh Hóa thì bị lực lượng CA tổ chức mật phục bắt quả tang. Bước đầu CQCA xác định, tổng số tiền Đức đã chiếm đoạt của ông B. là 455.000.000 đồng. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ đối tượng để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Như vậy, theo luật sư Đinh Thị Nguyên, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có thể bị xử phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

“Mỗi công dân cần phải hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi tương tự. Trường hợp khi phát hiện dấu hiệu vi phạm nên nhanh chóng trình báo, phối hợp với CQCA đề trấn áp, triệt phá. Không nên chỉ vì một vài phút bất cẩn, mất cảnh giác mà toàn bộ tiền, tài sản bị đánh cắp hoàn toàn, ảnh hưởng tới các hoạt động trong đời sống sinh hoạt, nhất là vấn đề liên quan đến tài sản gắn liền với bản thân” - luật sư Nguyên khuyến cáo.

Chiếm đoạt tiền từ giải hạn online phạm tội danh gì?
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động