Cảnh báo lừa đảo dịp Lễ Tình nhân: chiêu trò tinh vi cần cảnh giác
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Cần cảnh giác với các hình thức lừa đảo tình cảm trực tuyến trong ngày Lễ Tình nhân 14/2. (Ảnh minh họa) |
Theo cảnh báo từ tập đoàn công nghệ Meta, các hình thức lừa đảo tình cảm trực tuyến có xu hướng gia tăng mạnh mẽ trong dịp này.
Lừa đảo tình cảm là hình thức mà kẻ gian tiếp cận nạn nhân thông qua tin nhắn, email lừa đảo, ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội. Chúng thường đóng giả là những người hấp dẫn, độc thân và thành đạt – điển hình là quân nhân hoặc doanh nhân. Bằng cách gửi tin nhắn hàng loạt, kẻ lừa đảo tìm kiếm người phản hồi để tạo dựng lòng tin trước khi đưa ra yêu cầu chuyển tiền hoặc đầu tư vào các dự án giả mạo.
Một số hình thức lừa đảo phổ biến có thế kể đến như:
- Giả danh quân nhân, doanh nhân: những kẻ lừa đảo thường sử dụng hình ảnh giả mạo, đăng tải nội dung về sự cô đơn và mong muốn tìm kiếm tình yêu. Khi có người phản hồi, chúng sẽ mời nạn nhân trò chuyện qua Facebook Messenger, Telegram hoặc WhatsApp, sau đó yêu cầu chuyển tiền với lý do như trả phí điện thoại quốc tế hoặc gửi quà tặng.
- Mạo danh người nổi tiếng: chúng sử dụng ảnh và video của người nổi tiếng, đăng trong các nhóm người hâm mộ để tìm kiếm nạn nhân. Sau khi tiếp cận, chúng yêu cầu chuyển tiền dưới danh nghĩa giúp đỡ tài chính hoặc mua quà tặng.
- Lừa đảo qua dịch vụ mai mối: một mạng lưới lừa đảo có liên kết với Kenya đã giả danh công ty mai mối để tiếp cận nạn nhân trên Facebook, Instagram, WhatsApp và Telegram. Chúng hứa hẹn kết nối với "quý ông độc thân" giàu có từ phương Tây hoặc phụ nữ châu Phi muốn tìm bạn đời, sau đó yêu cầu nạn nhân trả phí để nhận thông tin liên hệ.
Meta đã đưa ra một số khuyến cáo để giúp người dùng tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo trực tuyến:
- Cẩn trọng với tin nhắn lạ: hạn chế những tài khoản có thể liên hệ với mình trên Messenger, Instagram và WhatsApp bằng cách cập nhật cài đặt quyền riêng tư.
- Kiểm tra thông tin tài khoản đáng ngờ: người dùng nên tìm kiếm thông tin tài khoản trực tuyến, kiểm tra thời điểm tài khoản được tạo và sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh ngược (reverse image search) để xác minh tính xác thực.
- Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền: trước khi gửi tiền qua thẻ quà tặng, ứng dụng thanh toán hoặc chia sẻ dữ liệu cá nhân, hãy tham khảo ý kiến bạn bè hoặc người thân đáng tin cậy.
Meta cũng đang triển khai nhiều biện pháp để triệt phá các mạng lưới lừa đảo. Trong năm 2024, tập đoàn này đã gỡ bỏ hơn 15.000 đường dẫn (URL) chứa nội dung lừa đảo tại Việt Nam và hơn 9.000 URL giả mạo WhatsApp, Facebook, Instagram tại Singapore. Ngoài ra, Meta đã xóa hơn hai triệu tài khoản liên quan đến các tổ chức lừa đảo tại Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines.
Meta đang thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt để phát hiện tài khoản giả mạo người nổi tiếng. Khi hệ thống phát hiện tài khoản đáng ngờ hoặc có báo cáo từ người dùng, Meta sẽ so sánh ảnh đại diện với ảnh hồ sơ của các nhân vật công chúng. Nếu có sự trùng khớp, tài khoản giả mạo sẽ bị gỡ bỏ ngay lập tức.
Tại Việt Nam, Meta đã phối hợp với Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) triển khai chiến dịch "Nhận diện lừa đảo" nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các chiêu trò lừa đảo trực tuyến.
Người dùng nên chủ động bảo vệ bản thân bằng cách cập nhật cài đặt bảo mật, xác minh danh tính tài khoản trước khi kết bạn và tránh chia sẻ thông tin cá nhân với người lạ. Nếu phát hiện tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo cáo ngay cho nền tảng để kịp thời xử lý.
Trong bối cảnh tội phạm mạng ngày càng tinh vi, việc nâng cao nhận thức và cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo là điều cần thiết để bảo vệ tài sản và danh tính cá nhân trên không gian mạng.
Nhận diện các chiêu trò lừa đảo trực tuyến ngày đầu năm | |
Cảnh giác với thủ đoạn giả danh cài đặt 12 điểm giấy phép lái xe |
![Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại](/modules/frontend/themes/plxh/images/pc/qr-code.jpg?v=2.620250124154516)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại