Phơi thóc lúa trên đường gây tai nạn: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh hai nữ sinh tại Nông Cống bị tai nạn thương vong do đi vào bãi thóc người dân phơi. Ảnh cắt từ clip |
Mới đây, vào khoảng 13h50 chiều ngày 19/9, khi đang lưu thông trên tuyến QL 45, đoạn qua thôn Thổ Trung, xã Tế Thắng (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), 2 học sinh là L.P.C và V.T.N (cùng SN 2008; trú tại huyện Nông Cống) đèo nhau trên 1 chiếc xe đạp điện bất ngờ trượt ngã do đi vào bãi thóc người dân phơi bên đường.
Theo camera nhà dân ghi lại, cú tông mạnh đến mức hất văng các em đi xa thêm khoảng 5 mét và lộn nhiều vòng sau đó nằm bất động. Do vết thương quá nặng, nữ sinh C đã tử vong, còn em N hiện đang được theo dõi, điều trị. Vụ tai nạn nghiêm trọng này khiến mọi người ngán ngẩm, xót xa.
Đồng thời “vấn nạn” lấn chiếm đường giao thông để phơi rơm rạ, thóc lúa tiếp tục khiến nhiều người bức xúc. Đáng nói, việc lấn chiếm toàn bộ lòng đường để phơi nông sản ở QL thường xuyên, cứ “đến hẹn lại lên” mỗi vụ mùa. Nhiều đoạn đường, người dân phơi thóc tràn ra đến giữa lòng đường.
Là lái xe chuyên tuyến Bắc Giang - Hà Nội, thường xuyên đi trên tuyến QL 1A cũ, ông Nguyễn Văn Hởi, phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang cho biết, đây là tuyến giao thông quan trọng, lưu lượng xe tham gia giao thông lớn. Tuy nhiên, cứ vào mùa thu hoạch thì lái xe qua tuyến đường này phải hết sức cẩn thận bởi nông dân thường xuyên phơi thóc ngay trên đường.
Nguy hiểm hơn, có những hộ còn dùng cả gạch, đá, bàn ghế, cây khô… để che chắn khu vực phơi thóc, không cho các phương tiện giao thông đi vào, gây ra những mối nguy hại khó lường. Các phương tiện khi lưu thông qua những đoạn đường này đều phải giảm tốc độ hoặc lấn sang cả làn đường ngược chiều nên rất dễ xảy ra tai nạn.
Tình trạng người dân tận dụng đường giao thông làm nơi phơi thóc, phơi rơm là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, hành vi phơi lúa ngoài đường là một trong những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông được quy định tại khoản 1b Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ… sẽ bị phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng với cá nhân, từ 200 - 400 nghìn đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, cá nhân hoặc tổ chức có hành vi đó còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc phải đỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn rác, vật tư, vật liệu, chất phế thải, hàng hóa, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Trong trường hợp vi phạm mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 261, Bộ luật Hình sự 2017 có khung hình phạt là phạt tiền từ thì bị phạt tiền ít nhất là 30.000.000 đồng và cao nhất là 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù đến 10 năm tùy theo mức độ vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, người có hành vi phơi lúa trên đường nếu để xảy ra tai nạn, phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người khác thì phải bồi thường thiệt hai theo quy định tại Chương XX. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ Luật dân sự năm 2015.
Tuy nhiên, việc xử phạt hay xử lý hình sự thì như là câu chuyện “chờ được vạ thì má đã sưng” vậy nên, có lẽ đã đến lúc cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần có biện pháp xử lý mạnh tay tình trạng đáng báo động trên. Nhằm đề phòng các tai nạn đáng tiếc và góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua lại trên các tuyến đường
Đồng thời, để có thể dứt điểm được “vấn nạn” phơi nông sản chiếm đường, đầu tiên các cơ quan chức năng cần xử lý kịp thời, dứt khoát. Tăng cường giám sát, kiến nghị tăng chế tài xử phạt hành chính kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để tránh lặp lại những vi phạm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại