Phát triển các sản phẩm văn hoá, du lịch có thương hiệu mang tầm quốc tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2023 do UBND TP Hà Nội tổ chức sáng 29/10/2023. Ảnh: Khánh Huy |
- Theo Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Việt Nam đặt mục tiêu “xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”. Bà có thể chia sẻ về việc phát triển văn hoá, thể thao và giáo dục được đề cập trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)?
- Bà Dương Minh Ánh: Một trong các nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hoá (CNVH) là “có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển”. Do đó, chính sách về phát triển văn hoá, thể thao và giáo dục được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có tính đặc thù như sau:
Thứ nhất, về bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa, phát triển không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa (Điều 23). Quy định bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hoá, phát triển không gian sáng tạo, trung tâm văn hoá của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cơ bản kế thừa các nội dung tại Điều 11 Luật Thủ đô 2012, đồng thời nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW về việc ưu tiên phát triển công nghiệp văn hoá, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hoá; đồng thời, cụ thể hóa các mục tiêu về thành phố sáng tạo.
Hiện nay, các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực văn hoá chứa những ưu đãi đặc thù, vượt trội để có thể thu hút đầu tư từ nguồn vốn tư nhân, ví dụ như đầu tư hình thành phim trường, khu vui chơi, giải trí quy mô lớn. Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có quy định tạo điều kiện để Hà Nội có thể hình thành một hoặc nhiều Trung tâm công nghiệp văn hoá với những điều kiện thuận lợi về tiếp cận đất đai, ưu đãi đầu tư để thu hút nguồn vốn tư nhân.
Những Trung tâm công nghiệp văn hoá này không chỉ sẽ tạo cơ hội để người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ, sản phẩm văn hóa chất lượng cao mà còn là những “vườn ươm” về văn hoá, sáng tạo nghệ thuật, gìn giữ văn hoá truyền thống để có tác động lan toả tới công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hoá của các nước.
- Tại Điều 38 và 41 Dự thảo Luật có nêu về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) lĩnh vực văn hóa, thể thao; thử nghiệm mô hình khu phát triển thương mại, văn hóa, bà có ý kiến gì về 2 Điều luật này?
- Bà Dương Minh Ánh: Về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) lĩnh vực văn hóa, thể thao; thử nghiệm mô hình khu phát triển thương mại, văn hóa (Điều 38 và Điều 41), theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Đặc biệt hiệu ứng lan tỏa này sẽ được xúc tác mạnh mẽ nếu như các biện pháp nhằm thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo là không thấp hơn 100 tỷ đồng và không bao gồm lĩnh vực văn hoá, thể thao. Thực tiễn này hạn chế việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào trong việc xây dựng nhà hát, sân vận động, nhà thi đấu đa năng, bể bơi tiêu chuẩn thi đấu…
Theo Báo cáo đánh giá tác động chính sách bổ sung, nguồn vốn ngân sách của Nhà nước dành cho việc xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao ở Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, Điều 38 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định theo hướng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo pháp luật về PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo.
Bên cạnh việc cho phép PPP trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, Điều 41 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định về mô hình “Khu phát triển thương mại, văn hoá hay còn gọi là “Khu thúc đẩy thương mại văn hoá”. Mô hình này được hình thành ở nhiều thành phố trên thế giới trong hơn 50 năm qua. Theo mô hình này, các chủ thể kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp, người dân/hộ kinh doanh cá thể) hợp tác với nhau hoặc hợp tác thông qua chính quyền sở tại để tạo ra một khu vực đặc biệt về an ninh, vệ sinh và cảnh quan đường phố và thuận tiện cho khách bộ hành và cùng quảng bá, tổ chức các sự kiện để thu hút du khách tới mua sắm, sử dụng dịch vụ…
Mô hình này được thử nghiệm có kiểm soát tại Hà Nội để tạo cơ sở pháp lý để đầu tư, xây dựng, quản lý hiệu quả các khu phố đi bộ, phố “nghề”, phố “hàng”, qua đó gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá đặc trưng của Thủ đô.
Đại biểu Dương Minh Ánh đặt câu hỏi chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vn |
Tuy nhiên, kiến nghị Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nên sử dụng thuật ngữ “Khu thúc đẩy thương mại văn hoá” thống nhất, thay cho thuật ngữ “Khu phát triển thương mại văn hoá” để không lẫn với “Trung tâm công nghiệp văn hoá”.
- Vấn đề hợp tác công tư trong khai thác tài sản công lĩnh vực văn hóa, thể thao là nội dung được nhiều người quan tâm. Bà có quan điểm như thế nào về quy định này trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)?
- Bà Dương Minh Ánh: hợp tác công tư trong khai thác tài sản công lĩnh vực văn hóa, thể thao được quy định tại Điều 24, 42. Bên cạnh việc cho phép các dự án PPP trong lĩnh vực văn hoá, thể thao ở các dự án có quy mô lớn, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cụ thể hoá phương thức O&M của Luật PPP với công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao.
Biện pháp này giúp huy động nguồn lực xã hội tham gia, hợp tác với Nhà nước khai thác, vận hành và bảo trì có hiệu quả, đúng công năng của công trình văn hóa, thể thao; tổ chức nhiều hơn, rộng rãi hơn các hoạt động văn hóa, thể thao; giúp Nhà nước, nhà đầu tư thu được lợi ích kinh tế cao hơn từ việc hợp tác và giúp cho người dân có cơ hội được tiếp cận, sử dụng các công trình văn hoá, thể thao, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô.
- Điều 24 Dự thảo Luật nêu về liên kết giáo dục; việc bổ sung chương trình giáo dục; cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, một vấn đề được đông đảo người dân quan tâm. Bà có thể cho biết, quan điểm của bà về nội dung này?
- Bà Dương Minh Ánh: quy định tại Điều 24 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép các trường công lập của Thủ đô được liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục của nước ngoài theo điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục do Chính phủ quy định. Quy định này vượt trội hơn so với quy định tại Luật Giáo dục và Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (chỉ quy định cho phép cơ sở giáo dục ngoài công lập được liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài). Quy định này được đúc kết dựa trên kinh nghiệm thí điểm thành công một số trường công lập liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài trên địa bàn Thủ đô.
Ngoài ra, quy định của Dự thảo Luật cho phép TP Hà Nội được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đặc thù của Thủ đô sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu nâng cao hiểu biết và lưu truyền những kiến thức, giá trị, nét đẹp văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa xứ Đoài đặc trưng riêng có của Thủ đô; góp phần đưa chương trình giáo dục của Thủ đô tiệm cận gần hơn với nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới.
Cơ sở giáo dục chất lượng cao là nội dung đã được quy định tại Luật Thủ đô 2012, trên địa bàn Thủ đô đã có quy định cụ thể về trường chất lượng cao áp dụng ổn định từ năm 2013 đến nay. Việc quy định cơ sở giáo dục có nhiều cấp học là nội dung đặc thù khác với quy định của Luật Giáo dục (theo quy định hiện hành thì chỉ có mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học (từ cấp tiểu học đến cấp THPT) nhằm tiếp cận với xu thế trên quốc tế hiện nay là khép kín mô hình cơ sở giáo dục có nhiều cấp học (từ cấp mầm non đến cấp THPT).
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định riêng về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học nên việc quản lý tài chính đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô tương đối khó khăn. Do đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề cập HĐND TP Hà Nội quy định vấn đề này.
Cơ chế đặc thù quy định tại khoản 4 Điều 24 dự thảo Luật góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, trẻ em được tiếp cận với giáo dục chất lượng cao, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư mở rộng hệ thống các trường tư thục, từng bước giảm tải cho hệ thống trường công.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Bài 2: Huy động trí tuệ Nhân dân với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) | |
Bài 3: Cần những chính sách đặc thù, “vượt trước” về văn hóa! |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại