Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cho biết, mặc dù thời gian gấp, nhưng nhờ công tác phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan, nhất là giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan TP Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Tờ trình đã được hoàn thành bảo đảm công phu, dày dặn. Ngày 9/6/2023, Bộ Tư pháp đã đăng tải hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ngày 13/7/2023, Bộ Tư pháp có công văn gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 Chương, 59 Điều; tăng 2 Chương, 32 Điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành. Các điều khoản của dự thảo Luật được xây dựng để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, chính xác nhất đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15- NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan. Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan sẽ phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, làm việc hiệu quả nhất với mục tiêu hoàn thiện dự thảo và Tờ trình để báo cáo Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/9/2023. |
Về việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Thành ủy yêu cầu Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lưu ý một số nhiệm vụ, vấn đề cần tiếp tục quan tâm thực hiện trong thời gian tới. Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh, Luật Thủ đô là chỉ có một, có ý nghĩa đặc biệt, nên các cơ quan, đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đóng góp để hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Luật bảo đảm chất lượng, nhất là phải rút kinh nghiệm từ hạn chế của Luật Thủ đô 2012, thể hiện bằng được yêu cầu mà Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra là có cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phát triển. |
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, mấu chốt là phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho Thủ đô, nhưng phải có cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện; phải nhận thức rõ rằng, phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Thủ đô mà còn là trách nhiệm của cả nước; không chỉ huy động nguồn lực trong nước mà còn phải huy động cả nguồn lực ngoài nước. Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ... |
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý một số nội dung mang tính kỹ thuật và vấn đề cần thiết để thống nhất nhận thức như: Việc sử dụng từ “Thủ đô” bảo đảm thống nhất, xuyên suốt vì đây là Luật Thủ đô; nêu khái niệm “Thành phố trực thuộc Thủ đô” ở mức vừa phải, vì việc thực hiện phải căn cứ vào quy hoạch và các điều kiện cụ thể thực tế... Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị cần nêu bật được phần nội dung về Vùng Thủ đô, nhất là vai trò, vị trí của Vùng Thủ đô và Thủ đô làm căn cứ để định hình các cơ chế đặc thù vượt trội cho Thủ đô và Vùng Thủ đô phát triển. Kịp thời triển khai việc lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), UBND TP Hà Nội cụ thể bằng Kế hoạch số 180/KH-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến góp ý Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). |
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu, việc tổ chức lấy ý kiến phải bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ; chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Lấy ý kiến dưới hình thức đa dạng, thích hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân tham gia góp ý, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức lấy ý kiến. Các hình thức cụ thể như: Tổ chức triển khai lấy ý kiến bằng văn bản và gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công; Tổ chức hội nghị, hội thảo tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; Góp ý trực tiếp thông qua Cổng Thông tin của Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử của UBND Thành phố; hoặc thông qua các hình thức phù hợp khác. Nội dung lấy ý kiến cho toàn bộ Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm: phạm vi điểu chỉnh, bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp với Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý vào Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bằng các hình thức phù hợp. (Còn nữa) |
Bài 1: Sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô? Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Sau gần 10 năm đi vào đời ... |
Thanh Tuấn