Thứ năm 21/11/2024 22:52
Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam:

Phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam Bộ Giao thông vận tải cho biết, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.
Phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035
Hình ảnh về ga Hà Nội. Ảnh: Thế Anh.

Tốc độ 350km/h khả năng thu hút hành khách cao hơn

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết, mục tiêu đầu tư dự án nhằm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc-Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, TP và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh). Về công nghệ, Bộ GTVT cho biết, trên thế giới có 3 loại hình công nghệ gồm: Công nghệ chạy trên ray, tốc độ khoảng 250-350km/h, chi phí đầu tư trung bình, được đa số các quốc gia trên thế giới lựa chọn; Công nghệ chạy trên đệm từ trường, tốc độ khoảng 600km/h, chi phí đầu tư cao, chưa phổ biến; Công nghệ chạy trong ống, tốc độ lên đến khoảng 1.200km/h, chi phí đầu tư rất cao, mới đang xây dựng thử nghiệm. Căn cứ mức độ tin cậy, hiệu quả, kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray.

Về lựa chọn tốc độ thiết kế, phía Bộ GTVT cho rằng tốc độ 350km/h phù hợp với các tuyến dài từ 800km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc-Nam của nước ta. Ngoài ra, theo tính toán của tư vấn, trên chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, tốc độ 350km/h có khả năng thu hút hành khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250 km/h; chi phí đầu tư tốc độ 350km/h cao hơn tốc độ 250km/h khoảng 8-9%. Tuy nhiên, nếu đầu tư với tốc độ 250km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350km/h là khó khả thi và không hiệu quả.

Bộ GTVT đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10/2024; đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội-Vinh và Nha Trang-TP Hồ Chí Minh cuối năm 2027; khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh-Nha Trang năm 2028-2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.

Suất đầu tư dự án khoảng 43,69 triệu USD/km

Phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035
Sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 67,34 tỉ USD. Ảnh minh họa AI

Qua soát phương án đầu tư, sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 67,34 tỉ USD (khoảng 1,713 triệu tỉ đồng). Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam dự kiến đầu tư với chiều dài kết cấu 60% là cầu, 10% là hầm và 30% là nền đất nên suất đầu tư dự án khoảng 43,69 triệu USD/km. Đây là mức trung bình so với một số tuyến khác trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024.

Về phương án huy động vốn đầu tư dự án, Bộ GTVT đề xuất huy động ngân sách Trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nguồn vốn góp các địa phương, nguồn vốn huy động có chi phí thấp, ít ràng buộc, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm. Dự kiến nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân cần bố trí cho dự án khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương 24,5% vốn đầu tư công trung hạn hàng năm bố trí trong giai đoạn 2021-2025 và giảm xuống còn khoảng 16,2% trong giai đoạn 2026-2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5-5,7% GDP như hiện nay.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia chia sẻ. "Hệ thống tài chính hiện nay của Việt Nam đã lên tới trên 600 tỉ USD và mỗi một năm Chính phủ phát hành 6 tỉ USD thì chỉ là 1%, một con số rất nhỏ so với tổng tài sản của hệ thống tài chính. Chưa bao giờ chúng ta có một sức mạnh tài chính tốt như bây giờ để thực hiện những dự án này. Ngoài ra, chúng ta có thể ghi thêm các cái nguồn nhỏ lẻ khác, ví dụ như phát hành, giải quyết trái phiếu công trình ở các địa phương… Còn thì nguồn vốn chính, tôi nghĩ rằng là có thể hoàn toàn trông cậy vào nguồn trái phiếu Chính phủ".

Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành toàn bộ dự án như tiến độ dự kiến, Bộ GTVT đề xuất 5 nhóm cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu gồm: đảm bảo khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện; huy động nguồn lực đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp; phân cấp, phân quyền đầu tư.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam: xây dựng tuyến đường sắt "thẳng nhất có thể"
Ngành đường sắt có nhiều ưu đãi hấp dẫn cho vé tàu dịp Tết 2025
Phúc Nguyễn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động