Phạm nhân đặc xá và những dấu ấn khó quên
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐược lời như cởi tấm lòng
Trong bài cảm tưởng của mình trước khi dời trại giam trở về địa phương theo diện đặc xá, nữ phạm nhân Trần Huỳnh Kim Cẩm, SN 1981 ở Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn (Bình Định) viết rằng dấu ấn khó quên nhất của chị ta chính là cán bộ có tên là Nguyễn Thanh Phúc.
“Mỗi lần có dịp gặp gỡ người thân, tôi lại động viên gia đình cố gắng thu xếp để khắc phục cho xong số tiền phải bồi thường là 200 triệu đồng. Mọi người đều tán thành nhưng gia đình tôi quá khó khăn nên vẫn không lo đủ số tiền trên. Còn thiếu 10 triệu đồng nữa không thể xoay sở được, tôi im lặng chấp nhận. Tới gần ngày xét giảm mốc đầu tiên của tôi, cán bộ Nguyễn Thanh Phúc mới biết chuyện đó nên đã gặp tôi và hỏi: “Sao không nói tôi sẽ cho mượn tiền đóng cho xong để được xem xét giảm án chứ. Nếu xếp loại cải tạo tốt sẽ được sẽ được giảm thêm 1 tháng nữa đó”. Thực sự tôi không dám mượn nhưng khi nghe cán bộ nói vậy tôi rất vui và ấn tượng mãi đến giờ và về sau. Tôi cảm nhận được sự tin tưởng và gần gũi của cán bộ đối với phạm nhân như tôi. Qua đây, lần nữa tôi xin được cảm ơn cán bộ Nguyễn Thanh Phúc”, phạm nhân Cẩm viết.
Hà Nội có 205 phạm nhân được đặc xá và các phạm nhân được đặc xá đều phấn khởi, hứa sẽ quyết tâm trở thành người công dân tốt |
Theo lời Trần Huỳnh Kim Cẩm chia sẻ thì chị ta sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cả ba anh em Cẩm đều học xong THPT và thi đỗ các trường ĐH. Sau khi ra trường, Cẩm về làm thủ quỹ tại UBND xã Nhơn Phúc và chính tại nơi quê nhà này, vì những việc làm thiếu suy nghĩ mà Cẩm làm thâm thụt quĩ, phải trả giá bằng bản án 15 năm tù về tội tham ô tài sản.
“Sau khi về trại giam Kim Sơn thi hành bản án, tôi được tham gia lớp học giáo dục công dân và phổ biến kiến thức pháp luật đã giúp tôi mở mang thêm về kiến thức và hiểu biết. Và tôi hiểu rằng mình phải chấp hành án tốt, tích cực học tập, lao động và khắc phục hậu quả đã gây ra thì mới có cơ hội sớm trở về”, Cẩm chia sẻ suy nghĩ của mình.
Theo lời nữ phạm nhân này kể thì ngoài bản thân nỗ lực cải tạo, chị ta thường xuyên viết thư về cho gia đình đề nghị được giúp đỡ, hỗ trợ trong việc khắc phục hậu quả và được người thân chấp nhận.
Do cải tạo tốt và khắc phục xong số tiền phải bồi thường nên trong quãng thời gian 7 năm 8 tháng chấp hành án, nữ phạm nhân này đã 3 lần được xét giảm án tổng cộng 30 tháng tù giam. Dịp đặc xá năm nay, Cẩm đủ điều kiện để có tên trong danh sách.
Lời nhắn nhủ của cán bộ giúp tôi dễ dàng hơn trong việc cải tạo
Đó là cảm nhận của phạm nhân Đinh Thị Thu Thủy, SN 1992, trú tại Nhơn Thành, An Nhơn (Bình Định) khi nhớ lại những lời giáo dục chí tình và gần gũi của người cán bộ đã phụ trách mình. Thủy bảo lời cán bộ không chỉ giúp chị ta cảm giác việc cải tạo không khó khăn như suy nghĩ ban đầu, mà chính lời nói đó còn giúp chị ta trưởng thành lên rất nhiều.
Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thủy bị TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 7 năm tù giam. Bị bắt ngày 3-1-2018, sau hơn 1 năm giam cứu ở trại tạm giam Bình Điền chờ điều tra xét xử, đến ngày 26-2-2019, Thủy về trại giam Kim Sơn thi hành bản án.
Nói về dấu ấn khó quên trong thời gian ở trại cải tạo, Thủy bảo rằng, từ nhỏ đến lớn cô chưa bao giờ làm đồng nên cầm cuốc lóng ngóng. “Cán bộ quản giáo Võ Thị Hồng Phương thấy tôi không làm được liền đến bên chỉ cho tôi cách cầm cuốc như thế nào và làm cỏ ra sao. Quản giáo Phương bảo tôi cái gì cũng phải học để làm, không được lười lao động. Đừng nên thấy khó khăn bước đầu đã gục ngã mà phải biết chấp nhận cuộc sống hiện tại, cố gắng làm sao để cái gì cũng tự làm được. Câu nói của quản giáo Phương giúp tôi vỡ vạc ra nhiều và sau này cảm thấy việc cải tạo được dễ dàng hơn”.
Bày tỏ sự biết ơn đối với những cán bộ quản giáo đã dìu dắt mình trong những năm tháng cải tạo, những phạm nhân này cho biết đó là dấu ấn mãi không thể quên và đó không chỉ là bài học mà còn là những lời chỉ dạy chân thành, gần gũi, nhắc nhở họ thêm vững bước trên con đường tái hòa nhập cộng đồng.
Hà Nội có 205 phạm nhân được đặc xá
Hòa chung không khí phấn khởi của hơn 3000 phạm nhân thuộc diện đặc xá tha tù năm 2021 thì Hà Nội cũng tổ chức Lễ công bố quyết định đặc xá cho 59 phạm nhân đang thi hành án tại 2 trại tạm giam và nhà tạm giữ trên địa bàn. Theo đó, trong đợt đặc xá năm 2021, Hà Nội có tổng số 205 phạm nhân đang chấp hành án tại các cơ sở giam giữ trên toàn quốc được đặc xá trở về cư trú trên địa bàn. Trong đó, có 59 phạm nhân đang chấp hành án tại 2 trại tạm giam, 1 nhà tạm giữ thuộc CATP được đặc xá; còn lại là số phạm nhân chấp hành án ở các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an và CA các tỉnh, thành phố khác.Cầm Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước trong tay, anh Lê Xuân Dũng không giấu nổi sự phấn khởi bày tỏ: “Nhiều ngày qua tôi đã không ngủ được, vui vì sự cố gắng trong quá trình cải tạo đã được các giám thị, cán bộ Trại tạm giam số 1 CA TP Hà Nội cũng như các phạm nhân đang cải tạo cùng ghi nhận, để giờ đây tôi nhận được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Khi được trở về với gia đình, tôi sẽ cố gắng hơn nữa trở thành một người công dân tốt...”
Để đảm bảo yêu cầu, nguyên tắc phòng chống dịch, các trại giam số 1, số 2 và các nhà tạm giữ sau khi trao Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho các phạm nhân đã bố trí xe ô tô đưa phạm nhân được đặc xá về bàn giao cho chính quyền địa phương, nơi phạm nhân về cư trú...
Theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó GĐ CA TP Hà Nội thì việc tổ chức triển khai, thực hiện công tác đặc xá năm 2021 diễn ra trong bối cảnh TP Hà Nội đang thực hiện việc giãn cách xã hội, khi toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Tuy nhiên, CATP nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của công tác đặc xá năm 2021, sau 5 năm mới được triển khai và cũng là năm đầu tiên triển khai sau khi Luật Đặc xá năm 2018 có hiệu lực thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng đặc biệt của Đảng và Nhà nước. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại