Thứ hai 25/11/2024 09:02
Vụ việc tiêu hủy đàn chó, mèo khi chủ nhiễm Covid-19

Phải chứng minh và thực hiện đúng trình tự, thủ tục

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong những ngày qua, vụ việc tiêu hủy 16 con chó, mèo của người dân chở xe máy từ Long An về Cà Mau tránh dịch đang được dư luận quan tâm và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Vậy theo quy định, hành động tự ý tiêu hủy vật nuôi của bệnh nhân có đúng quy định?
UBND huyện Trần Văn Thời thông tin về vụ tiêu hủy 15 con chó
UBND huyện Trần Văn Thời thông tin về vụ tiêu hủy 15 con chó

Việc tiêu huỷ chó mèo là vội vã?

Ngày 9-10, dư luận bức xúc trước thông tin 16 con chó, mèo được vợ chồng ông Phạm Văn Hùng, SN 1972, đưa từ Long An về xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã bị tiêu hủy. Vợ chồng ông Hùng cùng gia đình được xác định mắc Covid-19 nên Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã Khánh Hưng đã quyết định tiêu hủy toàn bộ đàn chó, mèo. Phía huyện đang yêu cầu xã Khánh Hưng có báo cáo chi tiết về sự việc.

Trước đó, hình ảnh vợ chồng ông Hùng đưa đàn chó cùng về quê bằng xe máy trên quãng đường hơn 300km được lan tỏa khắp mạng xã hội khiến nhiều người xúc động. Ông Hùng cho biết những chú chó như thành viên trong gia đình nên khi về quê tránh dịch đã đưa chúng theo cùng.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu , nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, nhận định, hiện chưa có bằng chứng thật rõ ràng về việc chó mèo, vật nuôi… là vật chủ trung gian truyền bệnh Covid-19 cho người, song đã có những công bố xét nghiệm thấy virus SARS-CoV-2 trong chó mèo và nguy cơ lây lan theo cơ chế qua đường hô hấp của vật nuôi là thấp.

Tuy nhiên, ông Phu cho rằng, việc lây nhiễm Covid-19 từ chó mèo là có nếu như người mắc Covid-19 ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc chó mèo. Khi đó, người nhiễm có thể ho, hắt hơi, lây dính nước bọt mang virus SARS-CoV-2 lên lông, da của vật nuôi. Từ đó, người không mắc bệnh nếu ôm ấp chó mèo thì có thể lây dính virus lên tay, đưa lên mũi, miệng và lây nhiễm Covid-19 hoặc lông chó mèo mang virus có thể lây dính lên các đồ vật khác và có nguy cơ lây sang người khác.

“Chó mèo, vật nuôi khác có thể giống như “vật dụng” lây dính virus khác và lây nhiễm qua người khác khi sờ, nắm phải. Do vậy, giống như các biện pháp phòng chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khác, mọi người, đặc biệt là F0 không nên ôm ấp chó mèo, tránh dùng chung các đồ vật khác với người nhà nếu cách ly tại nhà”, ông Phu khuyến cáo và cho rằng trong vụ việc này chỉ cần tắm rửa cho vật nuôi sạch sẽ và cách ly chúng với mọi người chứ không cần phải đem tiêu hủy.

Hình ảnh đàn chó được chủ nhân đưa về quê tránh dịch nhưng đã bị tiêu hủy
Hình ảnh đàn chó được chủ nhân đưa về quê tránh dịch nhưng đã bị tiêu hủy

Nếu tiêu huỷ sai sẽ phải bồi thường

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo thông tin từ Bộ Y tế, chó và mèo nằm trong số những động vật từng được ghi nhận nhiễm SARS-CoV-2 sau khi tiếp xúc với người mắc Covid-19. Vì vậy, hai vật nuôi này thuộc nhóm động vật mẫn cảm với dịch bệnh.

Tại Điều 6, Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển động vật mẫn cảm với dịch bệnh đã công bố và sản phẩm của chúng qua vùng có dịch bệnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền nơi có dịch.

Trong khi đó, Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định, phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng với hành vi đưa ra khỏi vùng dịch thuộc nhóm A những hàng hóa có khả năng lây truyền dịch bệnh. Nghị định này cũng quy định buộc tiêu hủy các động vật có khả năng lây truyền dịch bệnh được đưa ra khỏi vùng dịch trái phép.

Như vậy, dưới góc độ pháp lý, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính những người chở chó, mèo ra khỏi vùng dịch. Còn đối với vật nuôi, chỉ được phép tiêu hủy nếu xác định chúng mang mầm bệnh trong cơ thể.

Về nguyên tắc, các tang vật vi phạm hành chính không có giá trị sử dụng hoặc có thể gây nguy hiểm cho con người sẽ tiến hành tiêu hủy. Trong sự việc này, nếu không xác định được số con chó, mèo trên dương tính với nCoV hay mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào khác thì việc tiêu hủy là không có căn cứ, chủ đàn chó có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.

Theo luật sư Thái trong sự việc này, việc xử lý vi phạm, thu giữ vật nuôi phải đảm bảo có căn cứ, đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục luật định. Nếu cá nhân thu giữ, tiêu hủy tài sản của công dân trái quy định pháp luật thì người vi phạm tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Người có thẩm quyền phải chứng minh được chó mèo là động vật có khả năng lây truyền bệnh. Nếu không chứng minh được thì không thể thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đối với chủ của 16 con chó, mèo. Khi đó, việc tiêu huỷ chó mèo là vội vã, gây tổn thất cho chủ sở hữu. Nếu cơ quan chức năng cân nhắc nhiều giải pháp như: lựa chọn phương án phun khử khuẩn; test Covid-19 đàn chó, mèo và tiến hành cách ly nếu cần thiết thì sẽ không gây nhiều ý kiến trái chiều như mấy ngày qua”, luật sư Thái nói.

Luật sư Thái cũng bày tỏ sự đồng cảm với chủ của 16 chú chó, mèo, dù hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh phải về quê nhưng gia đình vẫn dành tình thương cho đàn chó như thành viên trong gia đình. Vì vậy, việc đàn chó, mèo bị tiêu hủy đã gây nên nhiều tổn thất về tinh thần cho gia đình chủ nuôi cũng nhưng dễ gây bức xúc cho người dân khác, nhất là cộng đồng mạng biết về câu chuyện đàn chó. “Dù vật bị tiêu hủy là động vật nhưng nếu có giải pháp tốt hơn dung hòa giữa tình và lý thì chúng ta nên xem xét kỹ, đừng áp dụng pháp luật quá khắt khe với người dân”, luật sư Thái nêu quan điểm.

Ngày 10-10, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời chủ trì họp báo để thông tin vụ tiêu hủy bầy chó của dân. Theo đó, ông Công cho biết, ban đầu chính quyền xã Khánh Hưng xác định toàn bộ số chó, mèo trên của một chủ nên chỉ liên hệ một người trong nhóm tên Khanh để bàn phương án tiêu hủy. Ông Công khẳng định, tiêu hủy đàn chó là đáp ứng yêu cầu chống dịch Covid-19. Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho rằng, về quy trình xử lý tiêu hủy sẽ làm rõ thêm và thông tin cho báo chí sau. Nếu có sai sẽ xử lý nghiên khắc đúng quy định.

Cùng trong ngày 10-10, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cả Mau đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND huyện Trần Văn Thời và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát việc tiêu huỷ trên và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

Liên quan đến vụ việc trên, diễn viên Hồng Ánh, thành viên của Tổ chức FOUR PAWS - Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu cho biết: “Tôi rất phẫn nộ khi biết thông tin chính quyền tỉnh Cà Mau tiến hành tiêu hủy đàn chó, mèo của gia đình anh Hùng. Ở đây, tôi chỉ nói về góc độ đạo đức, chưa nói về chuyên môn, vì chó không phải là chủ thể gây nhiễm bệnh Covid-19. Tôi đang chờ thông tin báo cáo chi tiết của việc này và sẽ gửi đơn kiến nghị cho Tổ chức FOUR PAWS”.
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động