Ông Đỗ Việt Hùng đắc cử Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam nhiệm kỳ mới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) nhiệm kỳ IV (2024-2029). Ảnh: VIRESA |
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) nhiệm kỳ IV (2024-2029) vừa tổ chức ở Hà Nội, ông Đỗ Việt Hùng đắc cử vị trí Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam. Đại hội đã bầu ra 41 thành viên trong Ban Chấp hành và 3 thành viên Ban Kiểm tra nhiệm kỳ IV (2024-2029).
Những năm qua, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) hoạt động ở 3 mảng chính gồm: Thể thao điện tử; Thể thao thể chất số và Vũ đạo thể thao giải trí.
Các mảng này đều đang được thực hiện ổn định, tổ chức được nhiều giải phong trào cũng như gặt hái nhiều thành công tại các đấu trường lớn, điển hình là SEA Games 31 (năm 2022), SEA Games 32 (năm 2023), ASIAD 19 (năm 2023) và Thế vận hội của tương lai - Games of the Future (năm 2024).
Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ III tại Đại hội, ông Đỗ Việt Hùng - Tổng thư ký VIRESA cho biết, sau một nhiệm kỳ hoạt động, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam đã thực hiện vai trò đầu mối trong việc thúc đẩy phong trào chơi và tập luyện môn thể thao điện tử, vũ đạo thể thao giải trí phát triển rộng khắp, tổ chức thi đấu trong và ngoài nước, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên, trọng tài, huấn luyện viên và một số công tác chuyên môn khác; thành tích thi đấu quốc tế đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ông Đỗ Việt Hùng đắc cử vị trí Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam nhiệm kỳ IV (2024-2029). Ảnh: VIRESA |
Sự phát triển của thể thao điện tử trong những năm gần đây là thành quả từ những nỗ lực của các tuyển thủ, tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước trong việc nâng tầm vị thế của môn thể thao này với các môn thể thao phổ biến khác.
Hiện, các câu lạc bộ thể thao điện tử chuyên nghiệp, phong trào đang được tổ chức và phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước. Các giải thể thao điện tử phong trào cũng đã được tổ chức rất thường xuyên và đang dần hoàn thiện cả về quy mô và chất lượng, hướng tới giải đấu chuyên nghiệp.
Tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 10 bộ môn thể thao điện tử phổ biến, có hệ thống giải đấu ở đủ các cấp độ từ giải cộng đồng, phong trào, giải sinh viên, chuyên nghiệp và bán chuyên với tổng cộng khoảng 40 câu lạc bộ (đội tuyển) chuyên nghiệp đã và đang hoạt động, tham gia thi đấu tại các giải đấu trong nước và quốc tế.
Hàng năm, các vận động viên thể thao điện tử ở một số nội dung tham dự các giải thi đấu quốc tế trung bình khoảng 4 lần/năm/bộ môn đã giúp cho trình độ và đẳng cấp của các vận động viên được nâng lên, góp phần tạo dấu ấn Việt Nam ngày càng tích cực hơn trên đấu trường quốc tế.
Cùng với thể thao điện tử, Hội cũng chủ động kết nối các nguồn lực, tập trung phát triển vũ đạo thể thao giải trí (Breaking, Hip hop, các bộ môn vũ đạo khác….), tại một số tỉnh thành, giới học sinh, sinh viên; xây dựng sách hướng dẫn tập luyện và nghiên cứu cơ bản về kỹ thuật.
Là đơn vị tiên phong triển khai thi đấu thể thao thể chất số (Phygital sports), VIRESA hướng tới nhiệm kỳ IV với mục tiêu phát triển phong trào thể thao điện tử rộng khắp, đưa vào sự kiện lớn quy mô toàn quốc và nâng cao thành tích thi đấu của vận động viên Việt Nam tại đấu trường quốc tế.
Trong đó, củng cố và nâng cao vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp quản lý thể thao điện tử và thể thao giải trí tại Việt Nam, đẩy mạnh công tác xã hội hóa và thu hút nhiều hơn nguồn lực tham gia, tạo thành sức mạnh tổng thể, hiện thực hóa các tiềm năng lớn và khả thi tại Việt Nam, tiên phong và đi đầu trong các phong trào thể thao thế hệ mới trên thế giới.
Tập trung đào tạo, phát triển đội ngũ trọng tài, huấn luyện viên, tìm kiếm các vận động viên tài năng cho đội tuyển quốc gia.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức thể thao điện tử, vũ đạo thể thao giải trí thế giới, châu lục và hợp tác song phương với các nước phát triển mạnh. Tiên phong, chủ động đăng cai để Việt Nam trở thành Trung tâm tổ chức các sự kiện quốc tế về thể thao điện tử của khu vực xhâu Á và thế giới.
Trước sự phát triển vượt bậc của thể thao điện tử, ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Cục trưởng Cục TDTT khẳng định, Thể thao điện tử (E-Sports) đã và đang phát triển rất mạnh mẽ và trở thành một ngành nghề, một nền công nghiệp. Hiện tại, E-Sport phổ biến đến rất nhiều người chơi. Quan niệm về tuyển thủ chơi E-Sports cũng đã cởi mở hơn với hầu hết mọi người. Những cộng đồng E-Sports được xây dựng bài bản, văn minh. Nhiều giải đấu được tổ chức thường xuyên, có tính chuyên môn cao, có sự đầu tư kỹ lưỡng và chuyên nghiệp ở khâu tổ chức, được truyền hình trực tiếp và có bình luận viên. Sự phát triển bùng nổ của E-Sports kéo theo sự tăng trưởng của hàng loạt lĩnh vực khác, đặc biệt tác động tới ngành công nghiệp game trong nước.
Các câu lạc bộ chạy sẵn sàng chinh phục VPIM 2024 | |
Điều ít biết về “cô gái vàng” trong làng đua thuyền rowing Việt Nam |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại