Điều ít biết về “cô gái vàng” trong làng đua thuyền rowing Việt Nam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐinh Thị Hảo là VĐV đội tuyển rowing quốc gia tham gia tập luyện từ tháng 10/2012. Ảnh: NVCC |
Nhiều hơn một chữ duyên
VĐV Đinh Thị Hảo (SN 1997 tại Tuyên Quang), tuổi thơ của cô gắn với những ngày theo bố mẹ phụ việc hái chè, sao chè. Sinh sống ở vùng trồng chè nổi tiếng nhất nhì xứ Tuyên, địa hình chủ yếu đồi núi thế nên đối với Đinh Thị Hảo bộ môn đua thuyền rowing là một cái tên hoàn xa lạ.
Theo lời kể của VĐV Đinh Thị Hảo, năm 2012, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Tuyên Quang và bộ môn đua thuyền Hà Nội về trường THPT Sông Lô tổ chức tuyển trạch vận động viên. Ngày tuyển trạch, cô gái xứ Tuyên Đinh Thị Hảo nổi bật với chiều cao và sải tay ấn tượng đã lọt vào mắt xanh của HLV Lâm Văn Hưng, Phó trưởng phòng Huấn luyện, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Tuyên Quang.
“Ban đầu, tôi không biết đua thuyền như thế nào. Ngoài những môn thể thao nổi bật như: bóng đá, bóng chuyền,… được phát sóng nhiều trên tivi, rowing là khái niệm quá xa lạ. Với mong muốn được “thử sức”, tôi đã quyết định tạm dừng việc học tập tại trường THPT Chuyên Tuyên Quang – ngôi trường ước mơ của nhiều thế hệ học sinh để theo đuổi thể thao chuyên nghiệp” – Đinh Thị Thảo cho biết.
Trước quyết định bất ngờ của cô con gái nhỏ, gia đình phản đối kịch liệt. Nhiều giả định mơ hồ về cuộc sống của con gái khi xa nhà đã chạm sâu vào nỗi lo của những bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng bằng khát khao khẳng định mình, Đinh Thị Hảo đã thuyết phục được gia đình cho phép theo đuổi ước mơ.
VĐV Đinh Thị Hảo (áo đỏ, ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội nhận HCV tại SEA Games 31. Ảnh: NVCC |
Bắt đầu với môn đua thuyền rowing từ con số 0 khi bản thân chưa từng biết bơi, Đinh Thị Hảo mất nhiều thời gian để tập bơi và làm quen với bộ môn được đánh giá “khó nhằn” nhất trong số các bộ môn thể thao thi đấu chuyên nghiệp. Không kể nắng, mưa, Đinh Thị Thảo nỗ lực với các bài tập gập, ngả lưng liên tục trong nhiều năm liền. Mỗi bài tập luyện đòi hỏi phải có “tinh thần thép”, đôi lúc Đinh Thị Hảo đối diện với suy nghĩ buông xuôi, từ bỏ. Nhờ có sự động viên của các huấn luyện viên và đồng đội thi đấu đã tiếp lửa đam mê và cống hiến.
Năm 2016, sau bốn năm bén duyên rowing, Đinh Thị Hảo đã xuất sắc giành huy chương Vàng Giải Vô địch Rowing châu Á. Đây cũng là giải đấu để lại nhiều ấn tượng với cô nhất. “Lần đầu tiên, tôi thi đấu ở nước ngoài với quy mô lớn, tâm lý vô cùng hồi hộp, lo lắng. Sau tất cả, tôi cảm thấy tự hào và xúc động vì bản thân đã được gặt hái trái ngọt. Gia đình cũng thêm yên tâm và tin tưởng vào quyết định của tôi” – Đinh Thị Hảo chia sẻ.
Thừa thắng xông lên, Đinh Thị Hảo không ngừng khẳng định mình khi liên tiếp đạt được nhiều huy chương danh giá. Cô xuất sắc giành được 7 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng các giải trong nước và quốc tế như: ASIAD 2018, SEA Games 2021,..., đặc biệt giành vé chính thức tham dự Olympic Tokyo năm 2020. Tháng 10/2024, Đinh Thị Hảo cùng đồng đội đoạt huy chương Vàng tại Giải vô địch Rowing Châu Á 2024 tổ chức ở Uzbekistan, đóng góp chung thành tích vào bảng xếp hạng thứ 4 toàn đoàn.
Thể thao không của riêng một ai
“Yêu nghề, nghề không phụ”, bằng nỗ lực, kiên trì và nghiêm chỉnh theo sát giáo án, không ngừng tiến bộ đã giúp Đinh Thị Hảo trở thành một trong “tay chèo” cốt cán của rowing Việt Nam.
Khi hỏi về những biến đổi cuộc sống khi trở thành vận động viên thể thao chuyên nghiệp, Đinh Thị Hảo cười: “Ai cũng nói nữ giới chơi thể thao trông già hơn tuổi”.
Chính Đinh Thị Hảo thừa nhận, phụ nữ theo đuổi thể thao khá vất vả, trong đó môn đua thuyền rowing phải hi sinh nhiều thứ đặc biệt là nhan sắc. Tuy nhiên, ở góc độ khác, Đinh Thị Hảo cho rằng, “da đen trũi”, “tóc khô cháy”, “đôi bàn tay thô ráp, chai sần” là minh chứng của thời gian cho những cống hiến hết mình. Nói đến đây, ánh mắt biết cười của Đinh Thị Hảo như thể hiện sự tự hào, niềm tin yêu vào nét đẹp khác biệt.
Bên cạnh điểm tựa gia đình, Đinh Thị Hảo nhận thấy, điều cốt lõi để theo đuổi ước mơ chính là niềm tin vào quyết định của mình. Cô chia sẻ: “Mọi người hay cho rằng con gái chơi thể thao là phát triển không đúng hướng. Các bạn nữ hãy có niềm tin vào bản thân. Bất kể là điều gì, chỉ cần là điều các bạn muốn làm, hãy cố gắng mỗi ngày một chút”.
Mục đích của chơi thể thao giúp phát triển sức khỏe toàn diện. Xuất phát từ mong muốn bản thân phát triển, khỏe mạnh, Đinh Thị Hảo mong rằng bạn trẻ sẽ quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động thể thao.
Thời gian qua, môn đua thuyền rowing ngày càng được chú ý, quan tâm. Nhiều phụ huynh cũng cho con tập chèo thuyền để rèn luyện thể chất. VĐV Đinh Thị Hảo chia sẻ, bản thân đã nhận bằng cử nhân huấn luyện viên (Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh) và mong muốn theo đuổi sự nghiệp huấn luyện viên, lan tỏa rowing đến với đông đảo mọi người.
27 tuổi đời, 12 năm tuổi nghề, Đinh Thị Hảo gặt hái nhiều thành tích huy chương. Đằng sau những tấm huy chương là hình ảnh phụ nữ hiện đại, tự chủ và tinh thần cống hiến cho thể thao nước nhà.
Dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, VĐV Đinh Thị Hảo vinh dự nhận danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2024 do Hội LHPN TP Hà Nội trao tặng.
Hiện VĐV Đinh Thị Hảo - đại diện Hà Nội đang tập trung chuẩn bị các nội dung thi đấu Giải Vô địch Rowing quốc gia tại Hải Phòng tổ chức cuối tháng 10/2024. Đinh Thị Hảo bày tỏ quyết tâm thi đấu hết mình để giành huy chương, đóng góp thành tích cho thể thao Hà Nội.
Với những thành tích ấn tượng, VĐV Đinh Thị Hảo vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng 3 năm 2018, năm 2022; Bằng khen của Chủ tịch nước năm 2018, 2019, 2022, 2023; Bằng khen Chủ tịch UBND TP Hà Nội năm 2018, 2019, 2021, 2022, 2023; danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2024. |
Thể thao Việt Nam có thêm 2 suất tham dự Olympic Paris 2024 | |
Phạm Thị Huệ giành vé vào tứ kết môn rowing tại Olympic Paris 2024 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại