Thứ bảy 27/04/2024 06:56

Nữ trưởng thôn luôn nỗ lực trong công tác hòa giải cơ sở

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Về thôn Thụy Phiêu, xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội khi hỏi đến chị Phùng Thị Thanh Nhung, người dân nơi đây hết lời khen ngợi, bởi chị Nhung không chỉ là một người trưởng thôn năng nổ, nhiệt huyết, làm việc hết mình vì bà con, mà chị còn là người làm cầu nối, gắn kết tình làng nghĩa xóm với công tác hòa giải.
Nữ trưởng thôn luôn nỗ lực trong công tác hòa giải 	Ảnh: Hồng Đạt
Nữ trưởng thôn luôn nỗ lực trong công tác hòa giải. Ảnh: Hồng Đạt

Người hòa giải phải công tâm

Được biết, Thụy Phiêu là thôn cổ ở xã Thụy An, có hơn 200 hộ dân với gần 900 nhân khẩu, những năm qua, đời sống của người dân ngoài việc phát triển mạnh chăn nuôi, trồng trọt thì rất nhiều lao động đi làm ăn xa, kinh tế phát triển tốt nên đời sống Nhân dân cũng khấm khá.

Thế nhưng, ở miền quê hay phố thị thì chuyện xích mích, mâu thuẫn trong gia đình, nội tộc, hàng xóm… là điều không thể tránh khỏi và ở Thụy Phiêu cũng vậy. Do đó, những người làm công tác hòa giải như chị Nhung luôn là người làm cầu nối để gắn kết mọi người lại với nhau, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong đời sống cho Nhân dân.

Chị Nhung chia sẻ, hòa giải ở thôn quê là cả một quá trình trăn trở, nhất là có liên quan đến anh em, họ hàng, mối quan hệ chằng chịt, nhưng quan trọng nhất là mình hòa giải thì mình phải công tâm. Vì vậy, chị luôn cố gắng, nỗ lực để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Để làm tốt công tác hòa giải, theo chị Nhung người làm công tác hòa giải phải luôn hòa mình vào quần chúng; phải có uy tín trong cộng đồng dân cư; phải am hiểu pháp luật, nhất là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thừa kế… gần gũi với Nhân dân. Quan trọng nữa là gia đình mình phải nỗ lực xây dựng gia đình gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

“Quá trình hòa giải, hòa giải viên phải biết lắng nghe, hiểu rõ nội dung sự việc, nhiều việc phải hòa giải từng phần, phần nào cần làm trước thì làm trước, phần nào cần làm sau thì làm sau. Bên cạnh đó, phải tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín trong dòng họ để họ có thêm tiếng nói trong những vụ mâu thuẫn lớn của gia đình.

Đồng thời, hòa giải viên luôn phải tính đến lợi ích chính của việc hòa giải để làm sao mỗi bên đều hiểu và có hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, huy động trí tuệ tập thể, để vụ việc khó mình kết hợp hòa giải thành…”, chị Nhung cho biết thêm.

Gắn kết tình cảm trong cộng đồng dân cư

Với những cách áp dụng cụ thể như vậy, chị Nhung đã hòa giải thành rất nhiều vụ việc trong thôn, trong đó phải kể đến vụ việc tranh chấp giữa gia đình ông Hiển và bà Loan (tên các nhân vật đã thay đổi) về vấn đề mương rạch. Sau khi nắm bắt được sự việc, chị Nhung đã đến gặp gỡ hai bên, giải thích cho cả hai bên, phân chia rõ ranh giới giữa hai nhà. Bằng những lời phân tích nhẹ nhàng nhưng đủ tình, đủ lý của chị Nhung, hai gia đình đã hiểu ra vấn đề và giải quyết được khúc mắc bấy lâu nay.

Một vụ việc khác là gia đình ông Ninh định xây nhà trên đất nông nghiệp. Biết được sự tình, chị Nhung đã đến gặp gỡ, chia sẻ với gia đình về việc xây dựng trên đất nông nghiệp là sai quy định của pháp luật. Nếu ông Ninh mà cố tình vi phạm thì các cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế, từ đó gia đình vừa mất công, mất của, vi phạm quy định, ảnh hưởng đến chính gia đình của mình... Sau khi nghe chị Nhung giải thích gia đình ông Ninh đã đồng thuận và thực hiện theo đúng quy định.

Đặc biệt, vụ việc liên quan đến mâu thuẫn tình cảm vợ chồng anh Thỏa và chị Hương (tên nhân vật đã thay đổi) đã được chị Nhung giúp đỡ, hàn gắn. Số là anh Thỏa tính tình cởi mở nên đi làm thường trêu những người làm cùng mình, chị Hương thì hay ghen tuông. Vì vậy mà giữa hai vợ chồng thường xuyên lời qua, tiếng lại, tình cảm gia đình cũng từ đó mà đi xuống.

Trước tình cảnh đó, chị Nhung đã chọn thời điểm thích hợp gặp gỡ vợ chồng anh Thỏa, chị Hương ân cần động viên, chia sẻ từng khía cạnh của cuộc sống gia đình. Đồng thời, phân tích những điều luật trong Luật Hôn nhân và gia đình để hai vợ chồng hiểu…

“Vợ chồng sống với nhau không tránh khỏi bất đồng nhưng hãy nhìn những ưu điểm của nhau để cố gắng, còn khuyến điểm thì hãy chia sẻ với nhau để tiến bộ hơn, ai sai thì phải biết sửa chữa. Vì hạnh phúc của gia đình thì cả hai phải cùng đồng lòng, sống với nhau vì tình, vì nghĩa và vì con cái sau này nữa”, nhờ những lời nói của chị Nhung, hai vợ chồng đã thấu hiểu và vui vẻ trở lại, cùng nhau lao động, cùng nhau vun vén cho mái ấm của mình.

Trên đây chỉ là số ít vụ việc mà chị Nhung đã hòa giải thành, những đóng góp của chị Nhung trong công tác hòa giải cơ sở không chỉ giúp gắn kết tình cảm trong cộng đồng dân cư mà còn góp phần đảm bảo ANTT, mang lại bình yên cho Thụy Phiêu. Năm 2021, Thụy Phiêu không có khiếu kiện đông người vượt cấp và thôn đã được UBND huyện Ba Vì công nhận là làng văn hóa.

Nâng cao kỹ năng, kiến thức pháp luật về hòa giải cơ sở
Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và nghiệp vụ hòa giải cơ sở
Nâng cao kỹ năng hòa giải cơ sở cho hòa giải viên
Trưởng thôn chia sẻ kĩ năng hoà giải
4 số Pháp luật & Xã hội mỗi tuần thực sự là kênh thông tin pháp luật hữu hiệu đối với chúng tôi
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động