Ảnh
Nón làng Chuông rộn ràng vào vụ Tết
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trải qua 6 thế kỷ, làng Chuông vẫn rộn ràng giữ lửa nghề, những chiếc nón lá vẫn ra lò và đi tới khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt khi Tết đến Xuân về...
|
Theo tư liệu "Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường phát triển" của Nhà xuất bản Hà Nội, làng Chuông có nghề làm nón truyền thống từ thế kỷ XV. Hiện nay, nón làng Chuông vẫn là một sản phẩm kì công và nhận được sự ủng hộ của người dùng trong cả nước và đã xuất khẩu sang các nước khác. |
|
Trong giai đoạn hình thành và phát triển, làng Chuông Hà Nội là nơi cung ứng các sản phẩm nón cổ truyền như nón quai thao, nón lá giá ghép sống. Trong đó, quai thao sử dụng cho người lớn tuổi đội đi chùa. Còn nón lá già ghép sống phục vụ cho người nông dân làm công việc đồng áng. |
|
Nghệ nhân Lê Văn Tuy (thôn Mã Kiều, làng Chuông, Thanh Oai, Hà Nội) đã có kinh nghiệm hơn 50 năm làm nón lá. Đến nay, nghệ nhân Tuy là một trong những hộ hiếm hoi vẫn còn giữ lửa nghề làm nón lá truyền thống. |
|
“Đặc trưng của sản xuất nón làng Chuông là làm theo hộ gia đình. Tuy nhiên, theo thời gian thì không còn nhiều người làm nón do thu nhập thấp. Chủ yếu chỉ còn một vài người tiếp tục giữ nghề, đứng ra nhận đơn rồi đưa số lượng về từng hộ để làm. Hiện nay, nón làng Chuông vẫn được làm thủ công, nhà tôi làm việc với khoảng 20 hộ” - nghệ nhân Lê Văn Tuy chia sẻ. |
|
Theo nghệ nhân Tuy, trước đây, trẻ em làng Chuông ai cũng biết làm nón. Một đứa trẻ làng Chuông từ 5,6 tuổi đã có thể học cách làm nón thành thạo. Đến nay, trẻ em của làng có khi học từ nhỏ cho đến hết cấp 3 mới có thể tự hoàn thiện được một chiếc nón. |
|
Nguyên liệu làm nón gồm có: Lá với 2 loại chính là lá lụi và lá cọ; mo nang với 2 loại mo tre và mo nứa (đặt giữa hai lớp lá, có tác dụng làm cho nón chắc, kín và bền hơn); móc, dứa và cước (dùng để khâu nón); liếc (làm từ cây liếc hay còn gọi cây lồng bông, được tách riêng vỏ và guột, có tác dụng làm cho cạp nón cứng hơn); sợi luồn nhôi (sợi khâu hình đuôi cá hay hình nơ để buộc quai nón); vòng nón (16 vòng được làm từ tre hoặc nứa, kích thước nhỏ dần từ vành lên đỉnh nón); giấy vẽ trang trí trên nón… |
|
Để chuẩn bị cho việc làm nón thì công đoạn sơ chế lá rất quan trọng. Lá mới được mua về phải qua nhiều công đoạn mới có được màu trắng, gồm: Phơi lá (phơi nắng lần 1, ngâm nước 3 giờ, phơi nắng lần 2 rồi cho lá phơi sương buổi đêm cho mềm); vò lá (vò lá tươi qua cát để hút bớt nước cho lá khô khỏi thối và có màu trắng); hun lá (lá phơi xong được đem hun trong lò hun, sau đó thả ra ngoài không khí cho hả hơi rồi phơi sương cho mềm, mịn, dễ lợp). |
|
Nón làng Chuông có 16 vòng, vòng ngoài cùng to nhất, rộng nhất, các vòng sau nhỏ dần theo hình khuôn nón. Chiếc nón thành phẩm phải chứa cả ba lớp lá: Lớp lá lót, mo nứa, sau đến lớp lá ngoài, khi cầm lên vẫn phải thấy mỏng mà nhẹ thì mới là nón đẹp. Đến nay, theo nhu cầu của thị trường, người làng Chuông có thể làm được nón mọi kích cỡ, lớn nhất có thể làm đường đính 1 - 2m, hoặc nhỏ nhất chỉ có 2 vòng. |
|
“Hiện nay, nón làng Chuông vẫn sản xuất bình thường. Đặc biệt từ sau khi sản xuất kinh tế được phục hồi sau dịch Covid-19, mỗi ngày chúng tôi vẫn xuất đi khoảng 500 nón. Làm nón có những vụ là vụ Tết và khoảng tháng 9 âm lịch. Thời gian cận Tết, chúng tôi có ngày xuất đi khoảng 1.000 - 2.000 nón/ngày. Hầu hết là những hộ kinh doanh mua để chuẩn bị cho vụ tháng Giêng” - nghệ nhân Lê Văn Tuy chia sẻ thêm. |
|
Ngày nay, cùng với xu thế cách tân nữ phục truyền thống, chiếc nón cũng được đa dạng hóa thêm, thị trường nón cũng được mở ra một hướng khác. Du khách tới Việt Nam thường rất thích thú và yêu mến chiếc nón. Chính vì vậy, người làng Chuông làm những chiếc nón đủ kích cỡ, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của khắp mọi miền. |
|
Cả làng Chuông có gần 4.000 hộ thì từng ấy hộ làm nón. Sự phong phú và đa dạng về mẫu mã chủng loại, cùng với chất lượng đã có uy tín từ lâu khiến nón Chuông không chỉ đến được với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, mà còn xuất sang tận phương Tây, có mặt trong những siêu thị lớn với giá cao. |
|
Do được làm thủ công, dù là vào vụ Tết, người làng Chuông vẫn làm cẩn thận, tỷ mỉ nên số lượng nón mỗi người làm được trong ngày là không nhiều. Người làm nhanh mỗi ngày cũng chỉ được khoảng 5 nón, làm từ từ thong nhàn thì khoảng 2 nón/ngày. Có những chiếc nón đẹp, cần kỹ thuật tay nghề cao, giá trị cao có thể mất tới hơn 1 ngày. |
|
“Phần lớn người làm nón hiện nay là các bà, các cô ở nhà nội chợ chăm chồng con thì nhận thêm làm nón tính công. Đây là công việc làm trong lúc nhàn nhã như trông nhà, nấu cơm… nên công xá không cao. Có người chỉ làm được khoảng 20.000 - 80.000/ngày công, thỉnh thoảng mới có người có thể làm lên tới 200.000/ngày công” - nghệ nhân Lê Văn Tuy nói thêm. |
|
Nguyên liệu chính của nón lá làng Chuông là lá cọ. Hiện nay, có các hộ chỉ chuyên làm lá cọ nguyên liệu để cung cấp cho các hộ làm nón. |
|
Những ngày cận Tết, khắp triền đê làng Chuông phơi ngập những tàu lá cọ, lá cỏ giáp làm nón. |
|
Những tàu lá được phơi nắng theo đúng tiêu chuẩn. Ngày hè nắng to phơi ba nắng, nắng bình thường thì phơi 4 nắng, còn mùa đông thì phải phơi đủ 7 nắng, ngoài ra lá cọ phải còn được 1 lần thả sương. |
|
Đến phiên chợ, lá được bán đầy khắp trong ngoài chợ từ ngoài cổng làng cho đến sân đình. Lá được bán theo cân với giá 10.000/kg. |
|
Những ngày gần Tết, người làng Chuông lại hối hả hoàn thiện những chiếc nón lá mang đậm bản sắc dân tộc và chứa đựng bao điều bình dị của làng quê Việt Nam. Làng Chuông với nghề làm nón giờ đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Ngôi làng nhỏ bé luôn tấp nập khách ra vào. Nhiều hộ trong làng cũng tận dụng nghề để làm sản phẩm du lịch. Làng Chuông cũng là một điểm đến lý tưởng để khám phá và trải nghiệm không khí Tết đậm đà dư vị xưa. |
Khánh Huy