Thứ năm 21/11/2024 22:45

Nỗi ân hận của nữ phạm nhân phạm tội buôn người

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chồng qua đời khiến cho gánh nặng gia đình càng thêm đè nặng trên vai Dương Thị Duyên, SN 1977, ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Lăn ra kiếm tiền nuôi con, Duyên theo những chủ buôn vải quả lên Lạng Sơn bốc hàng rồi chẳng hiểu thế nào lại tham gia vào một đường dây buôn người mà không nghĩ rằng, khi tội lỗi bị phát hiện thì sự trả giá không chỉ là một mình gánh chịu.
noi an han cua nu pham nhan pham toi buon nguoi
Lớp học xóa mù cho các phạm nhân không biết chữ và tái mù chữ ở trại giam Thanh Phong.

Đi bốc vác, tranh thủ buôn người

Tâm sự với chúng tôi, người đàn bà phạm tội buôn người có dáng người thô và nước da bánh mật ôm mặt khóc nức nở. Duyên bảo, không nghĩ rằng sẽ có ngày phải vào trại giam, nhưng điều đau đớn nhất chính là hai đứa con đang phải chịu hậu quả cho tội lỗi mà chị ta đã gây ra. “Tôi ngàn lần có lỗi với các con. Chính tôi chứ không phải ai khác đã tự tay bóp nghẹt tuổi thơ bình yên và tương lai tươi sáng của các con”, Duyên tâm sự.

Nói về tội lỗi của mình, Dương Thị Duyên không một chút giấu giếm. Dường như thời gian gần 10 năm sống trong trại giam, tiếp xúc với nhiều cảnh đời đã khiến Duyên vơi đi những mặc cảm, tự ti của ngày mới vào trại. Nhớ ngày nào ôm quần áo vào trại giam Thanh Phong cải tạo, nhìn bốn bề chỉ thấy nắng và gió, Duyên thầm nhủ không thể sống được ở đất này. “Trong trại hay ăn cá biển mà tôi thì dân miền núi, có ăn đồ biển bao giờ đâu nên cứ thấy nó nặng mùi, ăn vào nôn nao cả người. Giờ thì quen rồi, thấy cá biển vừa bùi vừa đậm đà”, Duyên kể.

Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo, từ nhỏ Duyên đã quen với cuộc sống thanh bần và ít học. Học hết lớp 9 thì Duyên phải nghỉ học, vì bố mẹ cho rằng con gái chỉ học để lấy chồng, đẻ con nên không cần nhiều chữ. Vậy là sau khi buông bút sách, Duyên bắt đầu làm quen với những công việc của một người phụ nữ. Cô được mẹ cho đi chợ, học mua bán và đó chính là bài học vỡ lòng để sau này Duyên thành thạo hơn trong nghề buôn bán hoa quả.

18 tuổi lấy chồng, ba năm sau, Duyên trở thành người đàn bà hai con. Công việc của cô là ngày ngày ra chợ, mua đầu này, bán đầu kia, nhì nhằng kiếm thêm đồng về cải thiện bữa cơm gia đình. Những khi mùa vụ, Duyên cũng ra đồng cấy hái. Chồng cô là người hiền lành, chăm chỉ. Anh đỡ cô rất nhiều công việc nặng nhọc. Năm 26 tuổi, chồng Duyên qua đời trong một tai nạn lao động khi đi làm xây dựng. Mọi gánh nặng dồn cả lên vai cô. Duyên bảo ngày đó tưởng chết theo chồng, nhưng nhìn hai đứa con thơ dại, cô lại gắng gượng. Lại những ngày chạy chợ kiếm tiền đắp đổi cuộc sống của ba mẹ con, lắm lúc Duyên cũng thấy chán nản. Cô không biết cuộc sống lầm lũi một mình đến bao giờ kết thúc.

Cuộc đời Duyên rẽ sang hướng mới khi cô đi làm thuê cho những người thu mua vải quả. Những lần theo xe của họ lên Lạng Sơn để vận chuyển, Duyên có điều kiện gặp gỡ nhiều người hơn. Chính trong khoảng thời gian đó, cô bị lôi kéo vào một đường dây tội phạm. “Cũng chỉ vì khó khăn quá nên thấy được cho nhiều tiền là ham. Cứ tưởng được, ai ngờ mất tất”, Duyên kể.

Theo lời Duyên kể thì trong một lần ở lại Lạng Sơn, cô lang thang vào chợ đêm, tính mua vài thứ vật dụng cho gia đình thì được một người đàn bà rỉ tai chuyện buôn người. Nghe nói đến tiền, mà những vài triệu đồng trong khi công việc chỉ là dẫn người qua biên giới, Duyên thấy đây là cơ hội kiếm tiền không thể bỏ lỡ.

Trong thâm tâm của mình, Duyên nghĩ rằng, mình không thường xuyên ở Lạng Sơn, mỗi năm cũng chỉ đi về vài lần trên này thì làm gì có ai nhớ mặt. Cô đâu ngờ tội lỗi của mình không bị phát giác ngay nhưng 3 năm sau thì vẫn còn đó. Khi các nạn nhân trốn thoát về nước và những kẻ buôn người bị bắt giữ thì một kẻ dù chỉ là thứ yếu như Duyên trong đường dây cũng không thoát tội.

Những ngày trả giá day dứt

Vì tham gia vào một đường dây buôn người lớn với số bị hại lên đến gần chục người nên Dương Thị Duyên phải trả giá bằng bản án 20 năm tù. Gần chục đối tượng trong đường dây, mỗi người về một trại cải tạo. Riêng Duyên về trại giam Thanh Phong, cách nhà gần trăm cây số. Ngày mới vào trại cải tạo, hai con còn nhỏ nên Duyên ít được người thân thăm gặp. Nhưng bây giờ hai con đã lớn nên mỗi năm cô cũng được các con vào thăm một lần. “Tôi lên trại thấm thoát cũng gần chục năm nên mọi sinh hoạt, giờ giấc lao động cũng quen rồi, không còn như ngày mới vào, lúc nào cũng cảm thấy ruột gan cồn cào vì lo nghĩ”, Duyên kể.

Theo lời Duyên kể thì trong hai đứa con, cậu con trai lớn là thông minh hơn cả. Ngày Duyên ở nhà, mỗi khi mẹ con nằm chơi với nhau, cậu bé lại rủ rỉ rằng sau này lớn lên sẽ làm CA để bắt hết tội phạm. Ước mơ ấy cứ theo chân cậu bé cho đến hết cấp tiểu học rồi vào cấp THCS, trở thành động lực để cậu bé chăm chỉ học hành.

Vậy mà đang học lớp 10 thì cậu bỏ học. Duyên biết tin, khóc lên khóc xuống nhưng lần nào gọi điện về hỏi con, cậu bé cũng lảng tránh. Cho đến khi hiểu ra nguyên nhân là lỗi từ mình thì nỗi xót xa trong lòng người mẹ tội lỗi này càng thêm trĩu nặng. Duyên đau khổ vì biết tại mình mà con trai bỏ học. “Tôi nhiều lần khuyên nó rằng không làm CA thì đi làm nghề khác, thiếu gì đâu. Cố mà học cho xong nhưng nó chỉ cười trừ. Nó bảo sẽ đi làm kinh tế để sống và lo cho mẹ và em. Nó bảo tôi đừng lo nghĩ gì cả. Tôi biết nó động viên thế thôi chứ trong lòng cũng buồn lắm”, Duyên bộc bạch.

Rồi con gái Duyên cũng nghỉ học. Thư vào cho mẹ, cô bé bảo rằng không muốn làm gánh nặng cho anh trai và muốn cùng anh đi làm kiếm tiền. May cho Duyên là cả hai đứa con đều ngoan, đều làm những công việc chân chính cho dù đó là những việc rất nhọc nhằn. Vài ba tháng một lần, hai anh em lại đèo nhau vào Thanh Phong thăm mẹ, còn chủ yếu là mẹ con thăm hỏi, động viên nhau qua thư từ, điện thoại. “Cả đời này tôi mắc nợ các con. Tôi sẽ cố gắng cải tạo để sớm trở về bù đắp cho chúng nó”, Duyên tâm sự, nước mắt lăn dài trên má. Cô bảo đó là may mắn lớn nhất trong đời mình phải biết trân trọng và nâng niu.

Cải tạo bản án 20 năm tù từ năm 2010, Duyên đã vài lần được giảm án và nếu đã xác định và có quyết tâm thì ngày trở về của nữ phạm nhân này đã gần trước mặt. Chúng tôi tin là người đàn bà này đang nỗ lực để cái ngày đoàn tụ cùng các con đến sớm hơn.

Ước mơ nhỏ nhoi của nam phạm nhân
Hà Nội: Quan tâm, chăm lo hỗ trợ phạm nhân nữ
Hải Phòng: Công bố quyết định giảm án, tha tù trước thời hạn cho phạm nhân dịp 2/9
Nguyễn Vũ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động