Chủ nhật 28/04/2024 04:25

Nhung Spa ở Hà Nam điều trị nám bằng laser cho khách hàng dù không được cấp phép

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù chỉ đăng ký là spa, tắm trắng nhưng Nhung Spa vẫn ký hợp đồng với khách hàng để điều trị nám da và bắn laser điều trị cho khách.
Nhung Spa ở Hà Nam điều trị nám bằng laser cho khách hàng dù không được cấp phép
Hình ảnh Nhung Spa bắn laser cho khách.

Phản ánh đến Pháp luật và Xã hội, chị L.N.L cho biết, do nghe những lời quảng cáo về cơ sở Nhung Spa ở Hà Nam có thể điều trị nám da nên ngày 25/3, chị đã đến cơ sở Nhung Spa ở 444 Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam ký hợp đồng điều trị nám da với số tiền 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi bắn laser trị nám một ngày, chị L đã bị mần và ngứa ở da mặt. Khi về nhà, chị bị ngứa nhưng không dám gãi, tối hôm đấy chị còn bị sốt cao. Chị đã liên lạc, phản hồi với người tại cơ sở Nhung Spa thì nhận được phản hồi rất vô trách nhiệm.

Theo chị L, trong hợp đồng ký kết, các điều khoản trong hợp đồng cho thấy nghĩa vụ của bên A (khách hàng) dài cả 13 Điều. Trong khi đó, nghĩa vụ của bên B (cơ sở Nhung Spa) chỉ vỏn vẹn có 5 Điều. Nhung Spa còn đưa các phiếu chưa có giá trị về mặt pháp lý, khiến chị cảm thấy khó chịu và tự chán nản khi chất lượng trị nám không như lời quảng cáo là hết sạch nám 100%.

Thông tin về cơ sở Nhung Spa, ông Nguyễn Công Khương, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nam cho biết: Sở Y tế nhận được văn bản thông báo từ Nhung Spa về việc cơ sở này đăng ký spa, tắm trắng. Sau khi đối chiếu với quy định thì cơ sở này không thuộc thẩm quyền của Sở Y tế quản lý. Nếu cơ sở Nhung Spa bắn tia laser để điều trị nám da thì sai quy định của pháp luật.

Nhung Spa ở Hà Nam điều trị nám bằng laser cho khách hàng dù không được cấp phép
Cơ sở Nhung Spa ở Lào Cai bị xử phạt.

Trước đó, ngày 2/3, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Lào Cai đã ban hành quyết định số 07 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, quyết định xử phạt đối với ông Tô Hải Đăng, SN 1991, chủ hộ kinh doanh Nhung Spa đã thực hiện hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể, hộ kinh doanh Nhung Spa thực hiện kỹ thuật Laser để điều trị nám da, đồi mồi cho khách hàng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.

Phân tích về mặt pháp lý khi cơ sở không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn thực hiện dịch vụ cho khách hàng, luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc Công ty luật TAT Law Firm cho biết, căn cứ theo Điều 6 luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định các hành vi bị cấm, bao gồm Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề; Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; Quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động,….

Như vậy, với những cơ sở kinh doanh như Nhung Spa nói riêng hoặc các Spa nói chung có hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là vi phạm quy định Luật khám chữa bệnh.

Tất cả các khách hàng đã sử dụng dịch vụ laser trong điều trị nám, đồi mồi,… của các cơ sở Nhung Spa đều có quyền khiếu nại, tố cáo lên Sở Y tế nơi cơ sở hoạt động. Đồng thời, có quyền khởi kiện đòi toàn bộ tiền hoặc yêu cầu cầu bồi thường thiệt hại theo Bộ luật Dân sự 2015.

Khi có yêu cầu bồi thường, khách hàng phải chứng minh được thiệt hại thực tế, có thể cung cấp các hợp đồng dịch vụ giữa hai bên, các chứng từ nộp, chuyển tiền, hóa đơn tại cơ sở cung cấp dịch vụ,… Bên cạnh đó khách hàng có quyền đòi các chi phi liên quan đến thiệt hại về vật chất và tinh thần tùy theo từng trường hợp.

Trong đó, bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm mà các chủ thể gây ra thiệt hại bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm những tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Còn thiệt hại về tinh thần cho người khác ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai thì còn phải thực hiện việc bồi thường một khoản tiền để nhằm mục đích bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.

Luật sư Thảo khuyến cáo các chị em phụ nữ khi sử dụng dịch vụ làm đẹp nên tự trang bị cho mình những kiến thức nhất định về y tế, pháp luật... để tránh “tiền mất tật mang”.

Được biết, Nhung Spa có 19 cơ sở trải dài trên toàn quốc như ở Hà Nam, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hạ Long (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), Đắk Lắk, Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Vũng Tàu, Lào Cai.

Nhung Spa cung cấp dịch vụ không phép, khách hàng có quyền tố cáo, khởi kiện Nhung Spa cung cấp dịch vụ không phép, khách hàng có quyền tố cáo, khởi kiện

Luật sư Mai Thảo cho biết, các khách hàng đã sử dụng dịch vụ laser trong điều trị nám, đồi mồi,… của cơ sở Nhung ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động