Thứ ba 26/11/2024 00:30

Ảnh

Những người "ghép cầu" đưa các liệt sỹ trở về bên gia đình

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hơn 200 bức ảnh được phục dựng miễn phí giống như những cây cầu nối liền, đưa những Anh hùng liệt sỹ trở về với người thân.
Những người
Những ngày qua, trên mạng xã hội truyền nhau câu chuyện về nhóm người trẻ đang ngày đêm thực hiện dự án phục dựng miễn phí ảnh giúp các gia đình có liệt sỹ hi sinh tại chiến tranh Việt Nam. Những mẩu chuyện, những mong muốn, những chia sẻ đầy xúc động của các gia đình đã là động lực để nhóm "chạy" dự án ý nghĩa này từ ngày 20/6 cho tới nay. Từ Facebook tới TikTok, nhóm Lee Photoshop đã nhận được hàng chục nghìn lời nhờ để phục chế ảnh liệt sỹ, đặc biệt đúng vào dịp 27/7.
Những người

Anh Lê Quyết Thắng (SN 1991, quê Nghệ An), hiện đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội chính là người khởi xướng ý tưởng phục chế ảnh liệt sỹ miễn phí nhằm tưởng nhớ, tri ân các liệt sỹ đã hi sinh vì Tổ quốc. Anh Thắng kể, cách đây gần 3 tháng, anh nhận được tin nhắn của một người con bày tỏ nguyện vọng được phục dựng bức ảnh của bố mình là liệt sỹ hi sinh năm 1972. Anh Thắng nhận lời và bắt tay thực hiện từ 20h tới 4h sáng thì hoàn thành. Bức ảnh nhận được sự cảm kích từ người thân của liệt sỹ và lòng cảm phục, khen ngợi từ cộng đồng mạng bởi việc làm ý nghĩa.

Những người

"Sự hi sinh của các Anh hùng liệt sỹ để đổi lấy hoà bình, độc lập cho dân tộc khiến lớp trẻ chúng tôi luôn cảm thấy trân trọng, biết ơn. Việc phục dựng miễn phí các bức ảnh như một cách tri ân đến các Anh hùng liệt sỹ, an ủi người thân vơi bớt nỗi buồn" - anh Lê Quyết Thắng tâm sự.

Những người
Theo anh Thắng, việc khó khăn của phục chế ảnh đó là hầu hết các bức ảnh đều chụp cách đây mấy chục năm, nước ảnh ố mờ, bay màu. Có nhiều bức ảnh được vẽ lại theo trí nhớ người thân nên để phục chế lại phải mất nhiều thời gian, phải cẩn thận chỉnh sửa từng chi tiết. Vì thế, anh Thắng cùng các cộng sự của mình phải vừa kết hợp giữa chỉnh sửa và vẽ lại những đường nét quan trọng.
Những người
“Trung bình việc phục dựng mỗi bức ảnh mất khoảng 4-6 tiếng để hoàn thành, nhưng có những bức ảnh khó, có thể mất 2- 3 ngày mới xong. Đó là những bức ảnh mà đã ố mốc quá, thậm chí mất hết đường nét, chi tiết, gần như chỉ còn đôi mắt là 2 chấm rất mờ. Khó nhất của phục chế chính là đôi mắt. Bởi đôi mắt là nơi thể hiện nhất cái thần của mỗi người. Mỗi bức ảnh là công sức của của cả nhóm, chúng tôi cùng ngồi lại với nhau để trao đổi, góp ý, chỉnh sửa” - anh Thắng cho hay.
Những người
Phùng Quang Trung (thành viên nhóm) chia sẻ, công việc này hoàn toàn xuất phát từ tâm mỗi người. Bởi lẽ, để có được cuộc sống ngày nay đó là kết quả của sự đấu tranh và ngã xuống của các thế hệ đi trước. "Có những liệt sỹ họ ra đi khi rất trẻ, thậm chí bức ảnh cũ đã ố mờ là di vật duy nhất mà các anh, các bác để lại cho người thân. Hơn ai hết, những người ở lại là người đau nhất, có những liệt sỹ mãi không thể trở về khi chưa thể tìm thấy hài cốt. Những thân nhân chỉ còn biết cố gắng để có được bức ảnh thật đẹp, thật trang trọng để lên ban thờ. Hiểu được sự mất mát đó, nhóm chúng tôi luôn dồn hết tâm sức để hoàn thành các bức ảnh thật tốt. Đây cũng là sự tri ân của thế hệ người trẻ như chúng tôi tới những anh hùng liệt sỹ" - Quang Trung chia sẻ thêm.
Những người
"Lần tôi nhớ nhất đó là một người con xin nhờ phục chế lại bức ảnh duy nhất mà cha để lại trước khi đi chiến trường miền Nam. Bức ảnh đã làm tôi nổi da gà khi những chi tiết đã mất hết, đến đôi mắt cũng không còn, độ tuổi còn rất trẻ. Lần đó, nhóm đã phải nói chuyện với gia đình nhiều lần, nghe họ tả về đôi mắt, tính cách rồi vẽ lại đôi mắt, làm lão hoá khuôn mặt. Khi bức ảnh hoàn thành, chúng tôi đưa tới tận nhà để trao tặng thì một người cháu nhìn bức ảnh và bật khóc nói: "Bác ơi, đúng là bác đây rồi, bác đã về nhà rồi". Cảm xúc, niềm hạnh phúc và cả những giọt nước mắt của gia đình liệt sỹ ấy là động lực để nhóm chúng tôi hoàn thành các bức ảnh" - Quang Trung chia sẻ.
Những người
Theo anh Lê Quyết Thắng, dự án phục chế ảnh miễn phí giúp các gia đình thân nhân liệt sỹ khởi chạy từ ngày 20/6. Ban đầu, dự án chỉ định thực hiện 75 bức ảnh cũng để nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ. Tuy nhiên, những lời đề nghị, lời nhờ phục chế ảnh tới tấp gửi tới nhóm ở bài đăng trên mạng xã hội. Từ 75 bức dự định ban đầu, tới nay nhóm đã thực hiện hơn 200 bức ảnh liệt sỹ phục chế và vẫn đang tiếp tục nhận những lời nhờ phục dựng ảnh.
Những người
"Động lực để nhóm tiếp tục thực hiện dù đã đủ định mức đó là "Sự thật". Sự thật của chiến tranh thật quá đau lòng. Sinh ra ở thời bình, chúng tôi không thể tưởng tượng được sự đau thương của chiến tranh mang lại. Có những liệt sỹ mãi mãi để lại tuổi thanh xuân của mình, có người chưa tìm được hài cốt, những bức ảnh là chiếc cầu duy nhất nối liền các liệt sỹ với nhân thân hiện tại. Công việc của chúng tôi chỉ là một sự tri ân tới các liệt sỹ, chúng tôi trân trọng cuộc sống mà các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ" - anh Lê Quyết Thắng chia sẻ thêm.
Những người

Anh Thắng cũng cho biết, hiện nay số lượng tin nhắn nhờ phục chế ảnh liệt sĩ mà nhóm nhận được mỗi ngày rất nhiều, nhưng do nhân lực có hạn nên vẫn chưa thể đáp ứng được hết. Vì thế, anh hi vọng những người làm nghề ảnh trên cả nước cùng bắt tay vào tham gia, chia sẻ với nhóm, một công việc tuy nhỏ nhưng ý nghĩa.

Những người
"Ban ngày, chúng tôi vẫn là những người đi làm. Vẫn phải chăm lo cho cuộc sống. Đến khoảng 20h hàng ngày, nhóm lại tụ tập lại cùng bàn bạc và bắt tay vào làm những tấm hình. Công việc này sẽ thường kéo dài từ 20h tối đến khoảng 3-4h sáng ngày hôm sau. Mặc dù mỗi người trong nhóm còn có công việc chính nhưng hằng ngày nhóm vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian để tập hợp, cùng nhau thực hiện việc phục chế ảnh" - anh Thắng chia sẻ thêm.
Những người
Những ngày cuối tháng 7, anh Thắng cùng nhóm của mình lại rong ruổi trên các cung đường miền Bắc để gửi trao tận tay gia đình các liệt sỹ. Sau khi làm xong các bức ảnh, nhóm sẽ tự tay đóng gói, tự vận chuyển tới các gia đình, nhân thân không thể tự đến để lấy ảnh.
Những người

“Nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của người thân liệt sỹ khi cầm bức ảnh, tôi chỉ mong giúp đỡ được nhiều hơn các gia đình liệt sĩ, giúp họ được ngắm nhìn, lưu giữ được hình ảnh người thân, để luôn cảm thấy người thân của mình vẫn kề bên” – anh Thắng chia sẻ thêm.

Những người
Anh Đặng Sỹ Được (Thái Bình, thành viên nhóm) cho biết: "Cảm xúc của những người thân khi nhận bức ảnh liệt sỹ về, đó là cảm xúc rất khó tả, có sự đau buồn, có những giọt nước mắt, có cả sự hạnh phúc. Bởi lẽ, sau khi các liệt sỹ ra đi, người thân chỉ có mong mỏi duy nhất đó là có được bức ảnh để trên ban thờ. Nhưng có khi, mong mỏi đó khiến họ đau đáu vài chục năm khi không thể hoàn thành. Chúng tôi chỉ muốn góp một chút sức nhỏ để giúp những nhân thân liệt sỹ hoàn thành mong mỏi của mình, cũng là sự tri ân dành tới các liệt sỹ đã ngã xuống vì dáng hình của xứ sở".
Những người

Chị Hoàng Thanh (Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị đã đưa ảnh của ba đến hiệu ảnh phục dựng để làm ảnh thờ nhưng do tấm ảnh chụp từ năm 1959 trước khi vào miền Nam chiến đấu, hình in trên giấy lụa phóng to ra, có nét kẻ ca rô trên gương mặt nên thợ ảnh bảo không phục chế được. Nhận được bức ảnh phục chế, chị Thanh nghẹn ngào xúc động: "Bức ảnh thật và rất giống, như ba tôi hiện về vậy. Tấm ảnh thờ là món quà vô giá cho ngày giỗ chung 27/7 và các gia đình liệt sĩ cùng cảnh ngộ. Thay mặt gia đình, tôi xin cảm ơn rất nhiều tới nhóm với hành động đầy ý nghĩa này"

Những người
Cho đến nay, những lời nhờ phục chế ảnh liệt sỹ vẫn tiếp tục được gửi tới nhóm của anh Thắng. "Đằng sau mỗi tấm ảnh là một câu chuyện xúc động. Đó có thể là mong mỏi của người con, người cháu được nhìn thấy cha, ông của mình mà theo kí ức chỉ còn phảng phất lại. Chúng tôi thực sự muốn được hiểu về câu chuyện ấy, điều ấy thôi thúc chúng tôi phải bằng hết sức, phục chế lại những bức ảnh về các liệt sỹ sao cho thật giống, giống như họ vẫn đang ở đó bên cạnh gia đình" - anh Lê Quyết Thắng chia sẻ.
Những người
"Con số 200 ảnh trên hàng nghìn lời nhờ khiến chúng tôi thực sự xúc động. Con số 200 đó vẫn còn quá nhỏ bé. Chính vì thế, nhóm sẽ vẫn tiếp tục thực hiện dự án này. Nếu vẫn còn lời nhờ, chúng tôi vẫn sẽ phục chế những bức ảnh liệt sỹ, đưa họ trở về bên gia đình" - anh Thắng tâm sự.
Khánh Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động