Thứ sáu 22/11/2024 08:36
Câu chuyện hoà giải

Những mâu thuẫn “nan giải” trong gia đình

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Làm công tác hoà giải đã lâu, nhưng chị Trần Thị Chung (SN 1971) - Tổ trưởng tổ dân phố số 2, Miêu Nha, phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mỗi khi nhắc lại từng vụ việc hòa giải vẫn là những nỗi niềm khó tả. Bởi có những vụ việc, những mâu thuẫn gia đình không dễ gì giải quyết dù cho tổ hoà giải đã cố gắng hết sức để thuyết phục.
Những mâu thuẫn “nan giải” trong gia đình
Chị Trần Thị Chung - Tổ trưởng tổ dân phố số 2, Miêu Nha, phường Tây Mỗ. Ảnh: Duy Linh

Dù bận rộn với công việc kinh doanh, việc nhà cũng bộn bề, nhưng bởi yêu thích công việc hoà giải cho nên chị Chung vẫn cố gắng vun vén, sắp xếp thời gian. Bước chân vào công việc này từ năm 2011, từ một hòa giải viên, sau thời gian dài công tác, với những kinh nghiệm tích luỹ được và quá trình nhiệt huyết cống hiến, chị được bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố số 2, Miêu Nha. Với chị, dù là tổ trưởng hay hòa giải viên, mỗi khi có vụ việc cần hòa giải, chị vẫn hết mình và vận dụng mọi kinh nghiệm để giúp mọi người thông suốt, hóa giải những mâu thuẫn.

Trải qua nhiều vụ hoà giải lớn nhỏ khác nhau, tưởng chừng như hiếm có loại mâu thuẫn nào có thể làm khó được chị. Thế nhưng, theo chị, có những mâu thuẫn liên quan đến đời sống hôn nhân, gia đình lại thường kéo dài và rất khó giải quyết. Bởi, trong cuộc sống hôn nhân, nguyên nhân gây ra mâu thuẫn gồm cả những điều khó nói, khó chia sẻ cho người ngoài. Cho nên, nếu người cần được hoà giải không mở lòng, không nói ra, thì hòa giải viên khó có thể tiếp cận căn nguyên câu chuyện để có hướng giải quyết.

Chị Chung còn nhớ cuộc hòa giải giữa một cặp vợ chồng đã ở tuổi lên ông, lên bà. Người vợ làm lao công cho một khu chung cư gần đó còn người chồng ở nhà phụ giúp cơm nước, trông cháu. Công việc lao công làm ca kíp, đi sớm về muộn cũng là chuyện thường, thế nhưng bởi ở nhà nên ông lại chẳng thông cảm cho vợ. Lâu dần, mâu thuẫn phát sinh, người chồng cáu bẳn, gằn hỏi vợ, người vợ sẵn mệt mỏi lại cho rằng câu chuyện chồng hỏi là vớ vẩn nên cũng chẳng thèm thanh minh. Thế rồi câu qua câu lại, mâu thuẫn càng sâu hơn. Cho đến 1 ngày, người chồng cho rằng vợ mình có nhân tình, thế là xảy ra xô xát.

“Khi nhận được thông tin, tổ hòa giải đã xuống gặp cả hai vợ chồng. Ban đầu sẽ qua nói chuyện với người vợ để tìm hiểu công việc, thời gian làm việc. Sau đó gặp người chồng để tìm hiểu về tâm tư, nguyện vọng. Ra là thấy vợ đi sớm về khuya lại không chịu chiều nên người chồng mới được thể suy diễn. Lúc ấy tôi cùng tổ hòa giải phải trực tiếp gọi điện xuống chỗ cô làm để cho chú nghe và nắm bắt được thời gian làm của vợ. Đồng thời phân tích một số lý lẽ cộng với cảm quan thực tế để chú thêm hiểu và thông cảm với vợ mình. Sau đó lại gặp cô, thủ thỉ với cô về câu chuyện làm vợ. Bởi tôi cho rằng, chuyện vợ chồng cho dù có thế nào, mâu thuẫn đến đâu nhưng khi hai vợ chồng có sự gắn kết khăng khít về tình cảm sẽ dễ giải quyết hơn là cả hai kiên quyết và dứt nhau ra ngủ riêng”, chị Chung kể.

Một vụ việc khác liên quan đến một cặp vợ chồng đã ngoài 70 tuổi. Ông bà đều là những người có tri thức, con dâu con rể cháu chắt đã đầy đủ. Nhưng ông bà mâu thuẫn ngày một căng thẳng, khi tìm hiểu ra mới biết rằng, lý do chính là bởi bấy lâu nay, bà không còn cho ông ngủ chung nữa. Vốn tuổi không còn trẻ, lại muốn yên giấc mỗi đêm nên bà tách ra ngủ phòng riêng. Câu chuyện chỉ có vậy nhưng kẻ đông người tây khiến mâu thuẫn bùng lên.

“Cũng khó giải quyết trong tình huống này. Ông và bà đều là những người có tri thức, ông cũng am hiểu luật pháp, bà cũng là người hiểu lý lẽ đúng sai. Chỉ vì cái chuyện riêng tư không thống nhất được mà to chuyện. Khi tổ hòa giải đến chúng tôi cũng rất cẩn thận vì thứ nhất ông lớn tuổi, thứ hai ông cũng từng làm công tác giảng dạy nên khi dùng câu chữ không thể xuề xòa, dễ dãi như những cặp đôi trẻ. Hơn nữa, căn nguyên của vấn đề cũng không dễ để phân tích rạch ròi…”, chị Chung nói.

Chị cũng cho biết, đây là một trong những câu chuyện hi hữu trong khi thực hiện công tác hòa giải chị gặp phải. Cũng buồn, bởi sau khi tổ hòa giải đã cố gắng hết sức, ông cũng đã xuôi và lựa ý theo bà, nhưng bà vẫn kiên quyết li hôn mặc dù hai vợ chồng đã ở tuổi 70.

“Câu chuyện hòa giải đó trở thành kinh nghiệm cuộc sống để khi đi hòa giải các cặp vợ chồng trẻ, chúng tôi khéo léo truyền đạt với các cháu. Vợ chồng, dù có căng thẳng hay nặng nhẹ thế nào, điều tiên quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình là nên yêu thương, quan tâm và lắng nghe suy nghĩ của đối phương”, chị Chung bày tỏ quan điểm.

Xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật góp phần nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân
Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính
Tổ trưởng tổ hoà giải chia sẻ những câu chuyện “khó quên”
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động