Những Luật mới đảm bảo hơn nữa quyền công dân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChánh án Nguyễn Sinh Thành. |
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được bảo đảm quyền lợi
Chánh án TAND quận Ba Đình, Nguyễn Sinh Thành: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 69/2020/QH14 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, thay thế cho Luật số 72/2006/QH11.
Tôi đánh giá cao vì Luật quy định rất nhiều nội dung thay đổi về thể chế hành lang pháp lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài so với Luật trước đây, nhất là việc bổ sung quyền của người lao động là có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, nhằm góp phần bảo vệ tốt hơn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2197/QĐ-TTg ngày 22/12/2020 giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng một Nghị định của Chính phủ, một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hai Thông tư của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội. Ngày 10/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Nghị định số 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật.
Theo quy định của Nghị định số 112/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp trong nước hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại ngân hàng, tăng gấp đôi so với mức mức tiền ký quỹ đang áp dụng là 1 tỷ đồng.
Nghị định cũng quy định mức trần tiền ký quỹ, quản lý, sử dụng và hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động. Theo đó, quy định doanh nghiệp dịch vụ và người lao động thỏa thuận về ngân hàng nhận ký quỹ, việc ký quỹ, trong đó tiền ký quỹ không vượt quá mức trần quy định. Đồng thời, phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Một điểm đáng chú ý, việc ký quỹ chỉ được thực hiện sau khi doanh nghiệp dịch vụ và người lao động ký hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, và người lao động đã được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh nước hoặc vùng lãnh thổ làm việc. Tiền ký quỹ của người lao động được sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra đối với doanh nghiệp dịch vụ.
Nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường
Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội Nguyễn Văn Hà: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 Chương, 171 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, thay thế Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 là một bước tiến mới về các quy định trong lĩnh vực này.
Thiết nghĩ, Luật mới có mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và thay đổi phương thức quản lý, cắt giảm thủ tục hành chính... và lần đầu tiên xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, phát huy vai trò giám sát, phản biện và bảo đảm quyền, lợi ích của cộng đồng dân cư.
Luật sư Nguyễn Văn Hà. |
Luật cũng đã được bổ sung các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường khác.
Đồng thời, Luật mới đã đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án, bao gồm: Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường và đăng ký môi trường.
Luật mới cũng lần đầu tiên thiết kế khung chính sách hướng tới việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội, đồng thời cải cách mạnh mẽ, cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 đến 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của DN.
Tôi cho rằng, Luật mới có cách tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái cạn kiệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn.
Theo đó, dự án đầu tư được phân thành bốn nhóm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp.
8 nhóm chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, gồm 75 sửa đổi, bổ sung của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022.
Đáng nói, Luật mới đã bổ sung thêm 8 nhóm chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện. Các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.
Đại biểu Dương Minh Ánh. |
Điểm mới của Luật là, để bảo đảm tính đầy đủ, khắc phục bất cập trong thực tế hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có thẩm quyền trong thực hiện pháp luật, bên cạnh trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác, khoản 61 điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 đã bổ sung 4 trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính như: cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy...
Theo tôi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là luật có phạm vi tác động rộng lớn tới đời sống – xã hội, liên quan tới nhiều ngành, nghề.
6 luật gồm: Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Phòng, chống ma túy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. |
Thực hiện hiệu quả quyền thông tin pháp luật của công dân | |
Bảo đảm tối đa quyền lợi của người tiêu dùng | |
Đóng góp sâu sắc và thực chất hơn nữa vào công cuộc phát triển Thủ đô |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại