Những kỷ niệm ít người biết trong sự nghiệp của nhà báo lão thành Vương Thu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênXông pha tác nghiệp trong trận đánh “12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Được gặp nhà báo lão thành Vương Đức Thu (SN 1938), bút danh Vương Thu, Vũ Thư,… – Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Hà Tây (cũ) là một niềm may mắn và vinh dự đối với tôi, bởi mỗi câu chuyện về nghề của ông càng giúp tôi nhận ra những giá trị đích thực của nghề báo. Đó là tôn trọng sự thật và chân thành.
Nhà báo lão thành Vương Thu đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển báo chí Thủ đô |
Nhà báo Vương Thu từng công tác tại báo Hà Tây, báo Hà Sơn Bình và được nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam,…
Hành trình nghề báo của nhà báo Vương Thu được đánh dấu bằng nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Thủ đô và đất nước. Trong ký ức của ông, kỷ niệm sâu sắc nhất với nghề báo chính là lần tác nghiệp trong trận đánh "12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Khi đó, ông đang công tác tại báo Hà Tây, bộ phận tuyên truyền xây dựng Đảng, an ninh, quốc phòng. PV ở bộ phận này thường hay đến những nơi xảy ra chiến sự.
Năm 1972, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt Hà Nội, Hà Tây,… Nhà báo Vương Thu và một số PV báo Hà Tây được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cấp giấy giới thiệu đặc biệt xuống các trận địa tác nghiệp. Tối ngày 18-12-1972, máy bay B52 đánh Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây,… Suốt 12 ngày đêm từ ngày 18 đến 30-12-1972, bom rơi, đạn nổ, nhà báo Vương Thu và các đồng nghiệp vẫn hăng hái lên đường công tác, bám sát cơ sở.
Sáng sớm ngày 19-12-1972, ông sang Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây (địa điểm sơ tán) nắm tình hình máy bay địch hoạt động đêm 18 và kết quả chiến đấu của quân dân tỉnh nhà. 2g chiều ngày 23, máy bay Mỹ ném bom hủy diệt thôn Yên Bệ (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) thì sáng sớm ngày 24, ông có mặt tại hiện trường, khẩn trương lấy tài liệu viết bài tố cáo tội ác của địch, đặt tiêu đề là “Yên Bệ kêu gọi trả thù”.
Sáng ngày 26, ông xuống huyện Ứng Hòa. Trên đường đi, cứ vài km, ông lại phải dừng lại tìm nơi trú ẩn vì máy bay địch hoạt động. Đêm ở Huyện ủy Ứng Hòa (nơi sơ tán), nhà báo Vương Thu cố gắng viết bài dưới ngọn đèn dầu nhưng bật tắt liên tục vì chốc chốc lại nghe báo động phải xuống hầm trú ẩn.
Khi về xã Vạn Thái làm việc với cán bộ địa phương để viết bài về thành tích bắt sống giặc lái máy bay B52, công việc của ông bị gián đoạn liên tiếp. Cứ phỏng vấn một vài câu lại phải chui xuống hầm trú ẩn. Nhưng cuối cùng, ông vẫn cố gắng thu thập được nhiều tài liệu sinh động cho bài viết.
Sáng 28, nhà báo Vương Thu xuống xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa). Giữa trưa, đứng ở trạm tuyển quân Đồng Tân, ông nghe thấy tiếng reo hò, nhìn lên bầu trời thì thấy một chiếc máy bay địch bốc cháy rồi đâm đầu xuống phía ven sông Đáy, còn giặc lái nhảy dù.
Sáng sớm ngày 29, ông đến xã Hòa Phú tìm hiểu chiến công bắt giặc lái. Sáng 30, ông sang thôn Đanh Xuyên (xã Hòa Nam) quan sát chiếc máy bay địch bị bắn rơi. Đó là chiếc may bay trinh sát điện tử Ra 5c thuộc lực lượng hải quân Mỹ.
7g sáng ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc từ vỹ tuyến 20 trở ra và đề nghị Chính phủ ta họp lại Hội nghị Paris. Đồng nghĩa, cuộc tập trận chiến lược đường không bằng máy bay B52- nỗ lực cao nhất và cuối cùng của đế quốc Mỹ bị thất bại trên bầu trời Hà Nội, Hà Tây.
Mấy ngày sau, báo Hà Tây ra chuyên đề ca ngợi chiến công bắt sống giặc lái Mỹ, trong đó có một số bài viết của nhà báo Vương Thu. “Tác nghiệp trong 12 ngày đêm rực lửa của trận đánh Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, được chứng kiến tận mắt tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, tôi càng cảm thấy căm thù giặc, chỉ muốn về thật nhanh để viết bài tố cáo tội ác của giặc. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy may mắn vì được làm báo trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước bởi với tôi, những năm tháng ấy tuy có gian khó nhưng rất đỗi hào hùng và tự hào”, nhà báo Vương Thu chia sẻ.
Sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng
Đầu quý IV năm 1982, nhà báo Vương Thu xuống huyện Ứng Hòa công tác. Ông đặc biệt chú ý đến một phong trào do Công an huyện phát động là xây dựng gia đình 3 an toàn, xã 3 an toàn bước đầu tác động tốt đến tình hình chính trị của địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn có mặt hạn chế chưa đáp ứng nhiệm vụ an ninh trong tình hình mới. Đó là xã nào biết xã ấy, thiếu sự phối hợp gắn kết với nhau, ngay cả cơ quan, xí nghiệp đóng quân trên địa bàn xã cũng ít gắn bó với xã. Chỉ khi nào cần thiết hoặc có nhiệm vụ thì mới đến gặp nhau. Nơi giáp ranh giữa các xã (ranh giới hành chính) thường không ai quan tâm, bỏ ngỏ.
Nhận thức được điều đó, nhà báo Vương Thu cho rằng muốn giành thắng lợi trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội, chống kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, ngoài phối hợp với các lực lượng, phát động phong trào quần chúng còn phải liên kết cả địa bàn bởi điều này sẽ khép kín được nơi giáp ranh, khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, sự hoạt động không đồng đều giữa các cơ sở, đơn vị. Chất keo liên kết địa bàn là những quy ước, quy chế hoạt động, phương án tác chiến, bảo vệ.
Với quan điểm của mình, nhà báo Vương Thu đã gợi ý đồng chí Trưởng Công an huyện Ứng Hòa khi đó tổ chức liên kết giữa xã với xã, giữa xã với cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn xã, hình thành các cụm an toàn.
Được sự đồng ý của Huyện ủy, UBND huyện, lãnh đạo Công an huyện Ứng Hòa tiến hành xây dựng cụm an toàn. Nhà báo Vương Thu liền thông tin ngay về chương trình này trong bài báo: “Ứng Hòa qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 92”, đăng trên báo Hà Sơn Bình số ra ngày 17-11-1982.
Buổi đầu xây dựng mô hình cụm an toàn, nhà báo Vương Thu nhiều lần đi cùng cán bộ Công an huyện Ứng Hòa xuống tác nghiệp tại một số xã để thăm dò dư luận. Hơn 1 năm dòng dã, cứ cách 1 tuần ông lại đạp xe xuống huyện Ứng Hòa để nắm bắt tình hình. Trong đó có những lần tác nghiệp từ chập tối hôm trước cho đến rạng sáng hôm sau.
Lăn lộn với phong trào, tự coi mình là người trong cuộc, nhà báo Vương Thu đã có hơn 20 bài báo phản ánh kịp thời từng bước phát triển của cụm an toàn đăng trên báo Nhân dân, báo Hà Sơn Bình. “Kết thúc đợt tuyên truyền xây dựng cụm an toàn, tôi rất phấn khởi vì việc xây dựng cụm an toàn của huyện Ứng Hòa thành công, được tỉnh, Trung ương công nhận và trở thành chủ trương của Đảng, nêu tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI của Đảng (ngày 18-12-1986)”, nhà báo Vương Thu kể lại.
Đầu tháng 2-1990, nhà báo Vương Thu nhận được một số tiền kèm theo một tờ giấy có đóng dấu của Ban Tổ chức Trung ương với những dòng chữ: Hà Nội, 2-1990. Kính gửi đồng chí Vương Thu (báo Hà Sơn Bình). Phòng hành chính - Ban Tổ chức Trung ương xin gửi đến đồng chí số tiền 30.000 đồng bồi dưỡng tham gia chuẩn bị đề án trình Hội nghị Trung ương 8 - Phòng hành chính”.
Sẵn sàng lăn xả trong mọi hoàn cảnh khó khăn, đi sâu đi sát vào cuộc sống của Nhân dân nên nhà báo Vương Thu có rất nhiều bài viết chất lượng, được độc giả yêu thích. Năm 1990, ông nhận được lá thư khen ngợi của đồng chí Nguyễn Mạnh Can – Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương về bài viết “Đảng bộ xã Vạn Phúc lo cho dân ăn đủ, ngủ ngon”, đăng trên báo Hà Sơn Bình ngày 13-12-1989, nêu được nhiều kinh nghiệm hay về công tác xây dựng Đảng, có tác động cổ vũ rất lớn trong việc thực hiện các chính sách đổi mới của Đảng. Bài báo đã đươc Ban tổ chức Trung ương in thành nhiều bản tham khảo để gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng,…
Chia sẻ về bài báo “Đảng bộ xã Vạn Phúc lo cho dân ăn đủ, ngủ ngon”, nhà báo Vương Thu cho biết: “Đây là bài báo mang tính tổng kết, đề cập trúng một trong những vấn đề mà Ban Tổ chức Trung ương trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa VI mà tôi theo đuổi trong suốt 4 năm trời. Đó là hình thức cán bộ Đảng kiêm nhiệm các chức vụ, các cương vị công tác trong bộ máy Nhà nước, bộ máy quản lý kinh tế - xã hội, chuyên môn nghiệp vụ ở cơ sở,…Ví dụ như Bí thư Đảng ủy xã kiêm nhiệm Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch HĐND xã hoặc Chủ nhiệm hợp tác xã. Tôi vẫn luôn trân trọng giữ gìn bức thư của đồng chí Nguyễn Mạnh Can để làm kỷ niệm về một thời viết báo, thời kỳ đất nước đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Kỷ niệm về những năm tháng viết báo trong thời chiến lắng đọng mãi trong tim nhà báo Vương Thu, trở thành động lực để ông miệt mài theo đuổi đam mê viết báo cho đến tận bây giờ. Sau vụ tai nạn gần đây, sức khỏe của ông bị giảm sút nhưng tình yêu với những trang viết vẫn luôn đong đầy. Ông hy vọng các PV trẻ hãy luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản lĩnh làm nghề để vượt qua mọi thách thức, có những bài viết hay, đi đến tận cùng vấn đề.
Còn với tôi, được gặp và trò chuyện với ông cũng chính là một kỷ niệm khó phai trong đời làm báo của mình. Sự xông pha, dũng cảm trong quá trình làm nghề của nhà báo Vương Thu giúp tôi nhận ra muốn có những bài viết chân thực, thấm đẫm hơi thở cuộc sống, nhà báo cần phải xông xáo, dũng cảm để thâm nhập thực tế, đi sâu vào vấn đề.
Và tôi cũng sẽ không bao giờ quên lời nhắn nhủ của ông: Làm báo trong thời chiến hay thời bình thì vẫn luôn phải tôn trọng sự thật và viết với một trái tim chân thành.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại