Thứ sáu 26/04/2024 19:44

Những hậu quả khó lường của việc “nuôi con bằng mắt”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều gia đình Việt vẫn quan niệm “nuôi con bằng mắt", trẻ phải tròn trịa, đầy đặn thì mới “đạt chuẩn”. Đặc biệt trong thời kì giãn cách xã hội trẻ nghỉ học ở nhà và ít có cơ hội vận động ngoài trời, cộng thêm được bố mẹ tranh thủ tẩm bổ để tăng sức đề kháng đã dẫn đến tình trạng trẻ thừa cân, béo phì.

Nhầm tưởng của bố mẹ khi chăm sóc trẻ

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng cân thiếu kiểm soát ở trẻ, trong đó, việc cung cấp dinh dưỡng quá mức chính là nguyên nhân mấu chốt. Nhiều gia đình Việt vẫn quan niệm “nuôi con bằng mắt", trẻ phải tròn trịa, đầy đặn thì mới “đạt chuẩn”.

Chị Thu Ánh ở quận Nam Từ Liêm cho biết: Thời gian đầu con nghỉ dịch ở nhà chị đã nghĩ đủ món để tẩm bổ cho con nhằm tăng sức đề kháng, phòng dịch bệnh. Tuy nhiên, do tình hình dịch phức tạp kéo dài, con vẫn chưa đi học trở lại được, sau 2 tháng bé đã tăng thêm 5kg. “Khi thấy con tăng cân nhanh và luôn trong tình trạng thèm ăn, suốt ngày mở tủ lạnh tìm đồ ăn thì tôi bắt đầu sợ con sẽ béo phì”.

Đây chỉ là 1 trong số rất nhiều trường hợp có sự nhầm tưởng trong việc chăm sóc trẻ. Hiện có nhiều phụ huynh lầm tưởng về chế độ dinh dưỡng trong chăm sóc trẻ như: Tưởng ăn nhiều thịt, trứng, sữa là bổ và khỏe; Ở nhà nên có thể ăn bất kì lúc nào, miễn con không đói; Con có thể ngủ nghỉ thoải mái, không nghịch phá là tốt.

Trẻ cần được sinh hoạt đúng giờ, ăn uống khoa học và tăng cường vận động để hạn chế nguy cơ thừa cân, béo phì 	(ảnh V.H)
Trẻ cần được sinh hoạt đúng giờ, ăn uống khoa học và tăng cường vận động để hạn chế nguy cơ thừa cân, béo phì (ảnh V.H)

GS-TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: Thịt, trứng, sữa cung cấp chất đạm cần thiết cho trẻ. Tuy nhiên, tiêu thụ quá mức các loại thực phẩm này không mang lại sức khỏe. Đa phần các bậc phụ huynh không ước lượng được phần ăn như thế nào cho con là đủ, thường cho con ăn nhiều thịt. Điều này không chỉ gây thừa cân, béo phì mà còn gây rối loạn chuyển hoá, đặc biệt là rối loạn chuyển hóa lipit máu. Những rối loạn sớm như vậy sẽ tăng nguy cơ bệnh tim mạch, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ ở tuổi trưởng thành.

GS-TS. Lê Danh Tuyên cũng nhấn mạnh: Bữa ăn cho trẻ cần đảm bảo đầy đủ vi chất, chất khoáng để đảm bảo sự phát triển toàn diện, đồng thời, cần cân đối mức năng lượng tiêu hao để tránh thừa cân béo phì. Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội đôi khi khiến phụ huynh và trẻ bị rối loạn về giờ giấc sinh hoạt. Phụ huynh cho rằng trẻ ở nhà nên có thể ăn bất kì lúc nào, miễn con không đói. Đây cũng là cách nghĩ không đúng khiến trẻ tăng nguy cơ thừa cân, béo phì do ăn uống không điều độ, ăn bất kỳ lúc nào đói.

Phụ huynh cần lưu ý, không bao giờ bắt trẻ nhịn ăn hay bỏ bữa và vẫn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, chất đạm theo tuổi cho trẻ. Đồng thời, cho trẻ ăn đủ bữa, ngày 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ, tuyệt đối không được cho trẻ thừa cân, béo phì nhịn đói. Nếu trẻ đã ăn đủ bữa mà còn đói thì hãy cho bé ăn thêm các loại thức ăn ít năng lượng như củ sắn, trái cây ít ngọt. Không cho trẻ ăn sau 20g. Tập cho trẻ hoạt động thể lực hàng ngày 30-60 phút. Trong thời gian giãn cách xã hội, trẻ không có cơ hội vận động ngoài trời, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ làm các công việc nhà như dọn dẹp nhà cửa, góc đồ chơi của trẻ và gấp quần áo…

Tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần trong vòng 10 năm

Thừa cân, béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện nay, thừa cân, béo phì ở trẻ em đang là vấn đề thách thức sức khỏe cộng đồng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2016, có khoảng 41 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5-19 tuổi bị thừa cân, béo phì.

Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là tại khu vực TP. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, riêng năm 2020, tỉ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Khảo sát của Viện Dinh dưỡng cho thấy, trẻ thành thị thừa 200% đạm, 130% béo nhưng lại thiếu vitamin, thiếu vận động, dẫn đến nhiều trẻ thừa cân, béo phì. PGS-TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng: trẻ em khu vực TP có xu hướng được quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng nhiều hơn, được ông bà và bố mẹ ép ăn uống từ nhỏ, dẫn đến cân nặng tăng dần, cho đến khi trẻ bị thừa cân béo phì thì lại càng thèm ăn hơn. Đến khi trẻ bị béo phì thì việc kiểm soát cân nặng sẽ càng khó khăn hơn…

Trẻ béo phì dễ bị rối loạn mỡ máu, rối loạn đường máu, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, ảnh hưởng đến hệ xương-đặc biệt ở những trẻ béo phì nặng. Ngoài ra trẻ còn có tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành như tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ… Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều căn bệnh mãn tính đang có xu hướng trẻ hóa, nghiêm trọng hơn là xuất hiện ở lứa tuổi học đường. Tại TP HCM hiện có tới 50% trẻ tiểu học bị thừa cân, béo phì; 15,4% trẻ học đường (6-18 tuổi) bị tăng huyết áp; 9 tuổi đã có trẻ bị đái tháo đường type 2.

“Hậu quả của thừa cân, béo phì thường khó nhận biết ngay, nhưng không thể xem nhẹ. Khi trẻ béo phì chẳng may mắc những bệnh lý như tiêu chảy, viêm phổi,... bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng hơn, thời gian điều trị kéo dài", TS-BS. Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng-lâm sàng, BV Nhi Trung ương cảnh báo.

Bên cạnh đó, việc trẻ béo phì sẽ khó khắc phục và ảnh hưởng đến ngoại hình của trẻ, khiến trẻ tự ti, ảnh hưởng tâm sinh lý, kết quả học tập. Nếu phụ huynh chủ quan, không có hành động kịp thời sẽ dễ dung túng cho “đà tăng cân” của trẻ, để lại những hậu quả khó lường.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động