Thứ hai 06/05/2024 23:05
ĐBQH thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi)

Nhiều hãng ô tô bán hàng kiểu "bia kèm lạc"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 2/11, các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi). Đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực với Ban soạn thảo, dựa trên tình hình thực tế cuộc sống…

Nhiều vi phạm diễn ra công khai và kéo dài liên tục nhưng không bị xử lý:

Cho ý kiến đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường - đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị ban soạn thảo xem xét lại tính hợp lý của quy định tại Điều 44 về Hợp đồng bán hàng tận cửa: “Hoạt động bán hàng tận cửa phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản và cung cấp cho người tiêu dùng một bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”

Trên thực tế, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng mua hàng online trên các sàn giao dịch điện tử rất nhiều vì rất thuận tiện trong khi đó dự thảo luật lại quay trở lại bắt người tiêu dùng làm hợp đồng, điều này là không phù hợp với tình hình thực tế.

Nhiều hãng ô tô bán hàng kiểu
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm, lâu nay, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dù đã có Luật nhưng có những hành vi vi phạm vẫn diễn ra liên tục, thậm chí có cả sự làm ngơ của cơ quan quản lý.

“Ví dụ chuyện chúng ta bán bia kèm lạc khi khan hiếm hàng ô tô, chẳng hạn người tiêu dùng phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn, hàng trăm triệu để mua thêm các phụ kiện đi kèm, trả tiền chênh thêm để được lấy xe trước. Chuyện này cơ quan quản lý không phải là không biết. Rồi bây giờ tất cả các xe của hãng Honda bán chênh với giá niêm yết của hãng có khi lên đến cả mấy chục triệu. Khai thuế theo giá niêm yết nhưng bán cho người dân với giá đội lên cao. Như vậy có nghĩa sự vi phạm diễn ra công nhiên, công khai và kéo dài liên tục” – đại biểu Trịnh Xuân An dẫn chứng.

Do đó đại biểu cho rằng dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi lần này cần tính toán xử lý được cả các hành vi vi phạm mang tính chất rõ rệt như trên.

Một số đại biểu đề nghị cần xem xét lại tính khả thi của quy định tại khoản 1 Điều 72: “Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm thông báo công khai bằng hình thức phù hợp về việc khởi kiện và chịu trách nhiệm về thông tin do mình công bố, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh”.

Theo đó, khi thông báo công khai về việc khởi kiện thì tổ chức tổ chức, cá nhân kinh doanh là bị đơn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc yêu cầu “đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường” là không khả thi. Trên thực tế đã có những vụ việc tổ chức, cá nhân kinh doanh là bị đơn nhưng sau khi Toà án ra quyết định thắng kiện vẫn bị thiệt hại không nhỏ cả về danh tiếng và lợi ích kinh doanh. Do đó, cần cân nhắc, xem xét lại quy định này nhằm vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân vừa bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhiều cá nhân bán hàng qua mạng, bán hàng đa cấp không ĐKKD, không khai báo doanh thu, không nộp thuế...

Đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, qua phản ánh của báo chí cho thấy có các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp đến người tiêu dùng nhưng không đạt được chất lượng, không đạt được nhu cầu nhưng người tiêu dùng không biết đi đâu để giải quyết. Người dân dường như cũng không hiểu được luật này được triển khai thực hiện để bảo vệ quyền lợi của họ trong giao dịch, sử dụng các dịch vụ, hàng hóa, hành nghề.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật lần này sẽ khắc phục những vấn đề hạn chế, bất cập hiện hành, đồng thời để kịp thời nắm bắt và cập nhật theo kịp những diễn biến mới của thị trường như thị trường giao dịch điện tử hiện nay. Việt Nam là một trong những nước có sự phát triển về giao dịch thương mại điện tử là đứng hàng đầu thế giới. Thời gian qua, không ít chuyện bi hài xảy ra do người tiêu dùng đặt hàng mua sản phẩm, mua hàng hóa, dịch vụ qua các sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên đây là vấn đề Luật hiện hành chưa có quy định nên phát sinh nhiều hạn chế, bất cập.

Một số đại biểu cho rằng, các hình thức Bán hàng tận cửa, Bán hàng đa cấp, Bán hàng qua mạng (online) hiện nay đang phát triển với quy mô lớn; chủ yếu là các mặt hàng có trị giá cao, cụ thể như: Hàng thời trang, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm, hàng gia dụng, cây cảnh...

Nhìn từ thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Phần lớn những người kinh doanh dưới hình thức này không đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh, không khai báo doanh thu, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế... Ngoài hệ luỵ phát sinh các hành vi gian dối, lường gạt, lừa đảo mà nạn nhân thường thuộc về nhóm người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương như đã nêu, các hình thức bán hàng trên đã tạo sự bất bình đẳng đối với các hình thức bán hàng truyền thống, dễ dẫn đến nguy cơ là nơi tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gian, hàng giả trên thị trường và gây thất thu cho ngân sách nhà nước tương đối lớn.

Đóng góp thêm về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng hóa khi đưa ra thị trường, đưa lên mạng xã hội, đại biểu Siu Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, đối với một số loại hàng hóa tiêu dùng đơn giản, người tiêu dùng có thể dùng mắt thường nhận thấy chất lượng không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, có rất nhiều loại hàng hóa như thuốc tây, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc hàng tiêu dùng bị ngâm tẩm hóa chất... để đánh giá về chất lượng cần có chuyên môn, máy móc mới phát hiện được. Do đó, thay vì đẩy nghĩa vụ đánh giá chất lượng và chịu trách nhiệm với lựa chọn hàng hóa cho người tiêu dùng thì pháp luật cần có một cơ chế quản lý tốt hơn sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, lên mạng xã hội...

Người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin sai sự thật, khiếu kiện mình đưa ra:

Nhiều hãng ô tô bán hàng kiểu
Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh góp ý vào Dự thảo Luật

Bên cạnh đó, Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn ĐB TP Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung vào nội dung cung cấp thông tin. Theo đó, điểm đ Điều 17 dự thảo quy định các hành vi bị cấm trong đó có việc ngăn cản người tiêu dùng gỡ bỏ các phần mềm ứng dụng cài đặt sẵn hoặc buộc người cài đặt các phần mềm ứng dụng kèm theo các nền tảng trực tuyến.

Đại biểu đề nghị bổ sung là cung cấp thông tin các dữ liệu điện tử cũng như các chứng từ điện tử. Đồng thời đề nghị bổ sung một hành vi bị cấm là ngăn cản người tiêu dùng cung cấp thông tin các dữ liệu điện tử, các chứng từ điện tử, rồi gỡ bỏ các phần mềm ứng dụng cài đặt sẵn.

Về trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung các hình thức khuyến mại và môi giới thương mại sau từ “pháp luật về quảng cáo” để đảm bảo các chương, điều khác của các luật khác để bảo vệ cho người tiêu dùng.

Liên quan đến các hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cần thiết phải bổ sung một nhóm, Điều hoặc một chương riêng về quyền lợi của người tiêu dùng ở những sản phẩm cung cấp dịch vụ bắt buộc mà nhà nước cung cấp nhưng không không đạt kết quả cũng như không đạt với mong muốn của người tiêu dùng. Ví dụ như là bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các loại bảo hiểm, hoặc các sản phẩm mà nhà nước cung cấp như dịch vụ điện, nước.

Một số đại biểu cũng đặt vấn đề, thực tế cho thấy, một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình như đưa tin hay khiếu kiện sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá dẫn tới ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bình thường và lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Vì vậy, để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung điều khoản này theo hướng quy định cụ thể hơn nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, khiếu kiện mình đưa ra; trường hợp có thiệt hại xảy ra từ việc thông tin sai sự thật, khiếu kiện sai thì phải bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh bị thiệt hại.

Đăng Khôi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động