Nhiều câu hỏi "nóng" trong lĩnh vực đấu giá
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
|
Dự phiên chất vấn có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Chủ trì và điều hành phiên chất vấn là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tham gia chủ trì phiên chất vấn còn có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
Dự phiên chất vấn còn có các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kiêm nhiệm ở trung ương, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, các đồng chí Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Tại 62 điểm cầu tại địa phương, có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Thành ủy, các đồng chí Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH công tác tại các địa phương, các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam tỉnh, TP và các sở ngành có liên quan tại địa phương.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình phiên họp thường kỳ thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày làm việc để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của các ĐBQH. (Ảnh: Cổng TT Quốc hội) |
Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nêu rõ, Báo cáo số 255 ngày 10/8/2023 của Bộ Tư pháp gửi các ĐBQH tại phiên chất vấn có nhiều nội dung nêu hạn chế, bất cập của một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế nghiệp vụ, kĩ năng hành nghề, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, vẫn còn nể nang trong hoạt động đấu giá tài sản.
Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết định hướng sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để phòng ngừa vi phạm pháp luật?
Trả lời câu hỏi liên quan đến hoạt động của đấu giá viên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết trong 5 năm từ 2018 đến 2022, Bộ Tư pháp và các đơn vị khác nhau, thanh tra đã thực hiện tổng số là 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Bộ trưởng Lê Thành Long làm rõ trong pháp luật về đấu giá, quy định chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt đi tình trạng thông đồng, dìm giá. Tăng cường các biện pháp để chuyên nghiệp hóa đấu giá viên đúng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các văn bản của Đảng. Hiện nay, khi đi vào hành nghề đối với nghề đặc thù như này cần phải được đào tạo và nắm được kỹ năng hành nghề.
Đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đặt câu hỏi về năng lực chuyên môn của một bộ phận đấu giá viên. |
Về Nghị định 55/2011/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết vướng về tổ chức bộ máy. Giải pháp hiện nay thì phải chuyên nghiệp hóa, bảo vệ được chức danh nghề nghiệp là đấu giá viên và sẽ có động viên hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có những chế độ bồi dưỡng nhất định.
Về định hướng sửa Luật Đấu giá, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết tuân theo nguyên tắc đấu giá là pháp luật về hình thức, liệt kê đầy đủ hơn các tài sản công cần phải bán đấu giá, cập nhật những thuật ngữ, siết chặt một số các quy định để giảm tình trạng thông đồng, dìm giá, trục lợi và đặc biệt làm thất thoát ngân sách Nhà nước; có các biện pháp về tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm đấu giá với tư cách là một nghề tư pháp đặc thù và phát triển đến đấu giá trực tuyến.
Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Bùi Mạnh Khoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, công tác đấu giá tài sản, nhất là tài sản công còn nhiều bất cập. Việc tiếp cận tham gia đấu giá khó khăn, tình trạng trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, có tình trạng trong thi hành án dân sự, tuy đã được thực hiện đấu giá, nhưng chưa giao được. Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2023, trong thi hành án dân sự có gần 2000 vụ đấu giá, trong đó mới chỉ giao được hơn 1300, còn hơn 600 vụ chưa giao được.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho rằng, đấu giá tài sản và thi hành án dân sự chỉ là 2 lĩnh vực pháp luật được áp dụng quy định về giao tài sản đấu giá. Còn có các quy định liên quan đến đất đai, quản lý tài sản công… nên hai lĩnh vực này là chưa đủ, mà phải tính đến quy định pháp luật trong lĩnh vực khác.
Một nguyên nhân khác, qua các vụ việc cụ thể, Bộ trưởng cho rằng, có những vụ bán đấu giá đến 6 lần nhưng không ai mua, do nhiều yếu tố khác nhau: Thẩm định ngân hàng đánh giá văn phòng, mảnh đất, cơ sở sản xuất có sát giá không… Thực tế, tình hình kinh tế xã hội cả nước trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng. Trình tự thủ tục đấu giá hiện hành chưa có quy định đặc thù cho tài sản thi hành án dân sự.Bộ cũng đã có kiến nghị sửa đổi trong Luật Đấu giá tài sản và sắp tới là Luật Thi hành án dân sự.
Một nguyên nhân nữa là tâm lý e ngại khi mua tài sản thi hành án của người dân. Chưa có cơ chế hợp ý để phối hợp sự tham gia của các chủ thể trong vấn đề này.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, về lâu dài cần sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, Luật Thi hành án dân sự, đưa vào một số nội dung có liên quan, các quy định cụ thể để xử lý vấn đề này. Cùng với đó, cần cố gắng vận hành tốt cơ chế cơ quan Ban chỉ đạo thi hành án ở các cấp, tạo sự đồng thuận.
Phát biểu tranh luận tại phiên họp, ĐBQH Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ quan tâm đến phần trả lời của Bộ trưởng đối với câu hỏi chất vấn của ĐBQH Bùi Mạnh Khoa...
Cụ thể là về những khó khăn trong giao tài sản đấu giá liên quan đến thi hành án dân sự. Đại biểu Lê Tất Hiếu cho biết, thời gian qua có những trường hợp có vi phạm của cơ quan thi hành cưỡng chế, kê biên tài sản, tuy nhiên quy trình đấu giá tài sản thì đúng.
Theo đại biểu Lê Tất Hiếu, vấn đề này có liên quan đến an ninh trật tự ở cơ sở, do vậy cơ quan vi phạm cần có trách nhiệm phải bồi thường cho người bị cưỡng chế, kê biên tài sản. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp bàn thảo lại với các cơ quan liên quan để cân nhắc phương án hủy kết quả đấu giá tài sản đối với những trường hợp có vi phạm.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, việc giao tài sản đấu giá trong thi hành án dân sự đang gặp những khó khăn. Bộ trưởng nhấn mạnh, chỉ đạo chung trong hệ thống thi hành án dân sự là, những việc đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, quy định của pháp luật thì khó cũng phải thực hiện.
Vấn đề ở đây là có sai phạm của người thi hành án. Bộ đã liên tục siết chặt kỷ luật kỷ cương, thành lập những đoàn kiểm tra, huy động cơ quan thanh tra vào cuộc, chấn chỉnh những sai phạm. Đối với những vi phạm của đội ngũ chấp hành viên thuộc lỗi chủ quan, cần kiên quyết xử lý, thậm chí huy động sự vào cuộc của các cơ quan khác, đảm bảo người sai phạm phải bồi thường sai phạm, chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Trong việc hủy kết quả bán đấu giá, hiện nay cần tranh thủ việc trình sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, siết chặt và có những quy định cụ thể để khi có ý kiến của cơ quan thanh tra, hoặc ý kiến của các cơ quan liên quan, thì sẽ sử dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý ngay.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu tình trạng quân xanh, quân đỏ trong hoạt động đấu giá tài sản diễn ra ở một số nơi, làm thất thoát tài sản của nhà nước; một số cán bộ phận đấu giá viên tiêu cực đã bị xử lý, đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Về pháp luật về đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản và các dự thảo luật khác có nghiên cứu để sửa đổi giải quyết những vướng mắc. Về phía Chính phủ, Bộ Chính phủ tiếp tục tham mưu cùng các bộ ngành để hạn chế dẫn các tình trạng mà các đại biểu đã nêu như tình trạng quân xanh, quân đỏ trong đấu giá.
Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, để đảm bảo yêu cầu của hoạt động đấu là tài sản, chất lượng của đấu giá viên và việc tổ chức là yếu tố quan trọng.
Về tính chuyên nghiệp của các đấu giá viên, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, đội ngũ đấu giá viên đã có nhiều cố gắng, thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ của mình, đem lại những đóng góp có thể lượng hóa cụ thể. Bộ trưởng cho biết, trong việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản sẽ có những quy định cụ thể để nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ này.
Nợ, chậm ban hành văn bản cụ thế hoá Luật “nóng” nghị trường Quốc hội | |
Đại biểu Quốc hội: Vì sao cán bộ sợ trách nhiệm trong tham mưu xây dựng thể chế? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại