Đại biểu Quốc hội: Vì sao cán bộ sợ trách nhiệm trong tham mưu xây dựng thể chế?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn. |
Ngày 15/8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 25, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn.
Đặt câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) cho biết, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, hiện nay, còn một số nơi cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong công tác tham mưu xây dựng thể chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chính của vấn đề trên và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Tư pháp có nêu, quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm tra văn bản chưa thực sự rõ ràng, hợp lý. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng này và chỉ ra các giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, qua đó tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, có tình trạng cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong công tác tham mưu xây dựng thể chế. Nhưng để lượng hóa rất khó, có tình trạng đổ lỗi cho hệ thống pháp luật hoặc do tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng cho rằng, do không xem xét các vấn đề trên tổng thể mà đổ lỗi do pháp luật; một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình” hoặc hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, hành chính hóa.
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại phiên họp, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) nêu rõ, hiện nay, việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, nội dung vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí có dấu hiệu trái với pháp luật quy định. Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng cho biết việc quy định cụ thể chế tài xử lý đối với cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật được thực hiện như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Quy định 69 về xử lý, kỷ luật tổ chức Đảng đối với Đảng viên là công cụ rất mạnh, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo trình quy định của Bộ Chính trị về một số giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, trong xây dựng pháp luật, cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) cũng nêu rõ, hiện nay nhiều nội dung văn bản pháp luật chưa đồng bộ, mâu thuẫn lẫn nhau… Điều này đã được phản ánh rất nhiều. Đại biểu Nguyệt đề nghị Bộ trưởng làm rõ và nêu ra giải pháp để giải quyết tình trạng này trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận hiện nay, tuổi thọ văn bản quy phạm pháp luật, các luật đang ở mức thấp. Về sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng cho rằng, cần tính toán, cân nhắc, nhìn nhận cụ thể.
Trong việc thực hiện các kiến nghị, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tư pháp có một số vướng mắc, cụ thể, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Giao thông đường bộ liên quan đến chi vốn đầu tư công, một số các điều kiện liên quan đến kinh doanh có những vướng mắc nhất định trong Luật Đầu tư, quy mô khu đô thị có những vướng mắc liên quan đến Nghị định 15, giá trị hàng hóa dịch vụ để tính giảm giá với hàng hóa có ví dụ cụ thể trong Nghị định 31.
Khai mạc Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại