Thứ sáu 29/03/2024 01:27

Nhận diện các chiêu trò lừa người đi lao động nước ngoài đòi tiền chuộc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian gần đây, rất nhiều người dân bị lôi kéo, lừa sang Campuchia làm việc với mức lương cao. Với chiêu trò người lao động không đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tuyền dụng, các đối tượng đã đe dọa, đánh đập, yêu cầu liên lạc với người nhà gửi tiền chuộc mới được về nước.
Một nạn nhân ở Sóc Trăng đến trình báo CQCA về việc bị lừa sang Campuchia làm việc, bị cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc 80 triệu đồng
Một nạn nhân ở Sóc Trăng đến trình báo CQCA về việc bị lừa sang Campuchia làm việc, bị cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc 80 triệu đồng

Nạn nhân bị đe dọa đánh đập

Cuối tháng 3/2022, qua mạng xã hội, em K (15 tuổi, trú tại thị trấn Kon Dõng, huyện Mang Yang, Gia Lai) nhận được thông báo tuyển lao động sang Campuchia với mức lương khủng 800 USD/tháng. Do gia cảnh khó khăn, K tin lời, bỏ ngang việc học, trốn gia đình đi làm.

Sau 10 ngày biệt tích, cha mẹ của K nhận được tin nhắn của con nói đang ở Campuchia làm việc cho một Cty do người Trung Quốc quản lý. K được những người này giao chỉ tiêu rất cao, nếu không hoàn thành sẽ bị phạt số tiền lên đến 1.000 USD.

Sau một tháng, do không hoàn thành công việc, K bị đánh đập, yêu cầu nộp phạt 130 triệu đồng. Lúc này K phải nhắn tin cầu cứu gia đình, bởi nếu không đưa tiền sẽ bị chích điện, bỏ đói. Những người này yêu cầu muốn về nhà phải nộp đủ tiền và hiện K vẫn mắc kẹt tại Campuchia.

Tại Thanh Hóa, CA tỉnh này cho biết, từ tháng 4/2022 đến nay, có 27 nạn nhân là người Thanh Hóa bị lừa sang Campuchia làm việc. Trong đó, 19 trường hợp đã được giải cứu, bốn trường hợp phải nộp tiền theo yêu cầu mới được trả về nước, bốn người còn lại đang bị khống chế, giam giữ trái phép ở Campuchia.

Tại Long An, đầu tháng 6, CA tỉnh bắt giữ một trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam. Qua xác minh, người này bị lừa sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao nhưng sau đó tìm cách thoát ra, trốn về nước. Tại Phú Yên, mới đây, em Nguyễn Thị Thu Ngọc (16 tuổi) được một người quen qua Zalo hứa giới thiệu việc làm lương cao khi sang Campuchia. Sau đó, gia đình nhận được yêu cầu phải đóng 70 triệu đồng mới thả Ngọc về…

CA tỉnh Gia Lai cho biết, chiêu trò của những người này là lừa tuyển lao động ra nước ngoài làm việc nhẹ với mức lương cao, chỉ cần biết sử dụng máy vi tính. Hiện tỉnh ghi nhận có 4 trường hợp, trong đó đã xác định rõ hai trường hợp bị lừa đảo sang Campuchia làm việc. Hình thức tuyển lao động ra nước ngoài làm việc thực chất là lừa đảo, giữ người trái phép. Các đối tượng thông qua hợp đồng giao chỉ tiêu, ép các nạn nhân đi lừa đảo người khác. Khi không đạt chỉ tiêu thì bị ép nộp phạt, thậm chí đánh đập, đe dọa. Qua thống kê trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn ghi nhận 43 trường hợp bị lừa đảo qua mạng điện thoại, Internet với số tiền hơn 26 tỷ đồng. Cá biệt có những người bị lừa hơn 10 tỉ đồng.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cảnh báo, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc đối tượng môi giới lừa đảo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các hình thức lừa đảo vẫn chủ yếu nhằm vào nhu cầu muốn đi làm việc của người lao động bằng mọi giá, cũng như nhận thức về pháp luật và thông tin việc làm ngoài nước của người lao động còn hạn chế.

Đối tượng lừa đảo thường lợi dụng nhu cầu của người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt nhưng không phải trải qua các khâu tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề. Có những hình thức, thủ đoạn rất tinh vi mà phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng mới phát hiện được. Các đối tượng lừa đảo thường lập thành Cty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các DN hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, Zalo…Thủ đoạn lừa đảo thường là đăng tải hình ảnh người làm việc ở nước ngoài, thiết kế giao diện trang web giống trang web của DN uy tín, tổ chức sự kiện tại khách sạn lớn…

Họ cũng có cả website quảng bá về hoạt động của DN và hình ảnh tuyển chọn, đào tạo người lao động và nơi người lao động làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, các đối tượng này cũng lợi dụng uy tín của các DN có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để lập ra các Cty có tên tương tự nhằm đánh lừa người lao động.

Còn theo thông tin từ CA TP HCM, Quốc hội nước ta cũng đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 và Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg, ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về lấy ngày 30/7 hàng năm là ngày "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người".

Bộ luật Hình sự nước ta cũng đã quy định về loại tôi phạm này tại các điều 150, 151, 152. Các đối tượng phạm tội mua bán người thường lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người dân có hiểu biết hạn chế, gia đình khó khăn, thiếu việc làm, thanh niên ăn chơi, đua đòi và các em có tư tưởng muốn thoát ly công việc vất vả, muốn đổi đời để lừa gạt, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập, môi giới kết hôn, môi giới nhận con nuôi, rủ đi du lịch… sau đó bán ra nước ngoài để trục lợi.

Trong thời gian gần đây khi công nghệ và mạng xã hội phát triển, đối tượng thường làm quen, tiếp cận từ xa, hướng dẫn người dân, nạn nhân rơi vào cạm bẫy mua bán người. Gần đây, báo chí cũng đã phản ánh việc nhiều trang mạng xã hội tuyển người sang Campuchia làm việc hứa hẹn việc nhẹ lương cao, được bao ăn ở, đưa ra các điều kiện như biết đánh máy, giọng nói tốt thì lương sẽ cao hơn để tăng niềm tin cho nạn nhân.

Các nạn nhân từ các tỉnh và cả TP HCM được tập hợp đưa sang Campuchia qua đường tiểu ngạch. Khi qua đó, đối tượng sẽ yêu cầu trả một số tiền đền bù về chi phí đi lại, ăn ở rồi có thể bị bắt, khống chế, yêu cầu gia đình phải trả tiền hoặc bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục.

Tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân

Đại diện CA TP HCM nhấn mạnh, cần đẩy mạnh hơn hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân. Cùng với đó, CA TP cũng tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với cơ quan ngoại giao điều tra, xử lý cũng như hỗ trợ các nạn nhân.

Để tránh bị lừa đảo, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần trực tiếp liên hệ đến DN có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐ-TB&XH cấp.

Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động cần chủ động tìm hiểu thông tin, quy định, yêu cầu công việc tại nước ngoài, tránh tin tưởng vào thông tin trên mạng xã hội. Người lao động cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, danh sách các DN đều được đăng tải tại địa chỉ: http://www.dolab.gov.vn/New/Default.aspx hoặc cơ quan quản lý lao động tại địa phương.

Để ngăn chặn lừa đảo, CQCA và cơ quan chức năng khác cần tăng cường hợp tác và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động ở nước ngoài khi gặp các vấn đề, cần trợ giúp có thể phản ánh qua hotline của Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số máy 024.3824.9517 (số máy lẻ 511, 512, 513).

Năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định. Bên cạnh các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, cơ quan này sẽ tiếp tục thúc đẩy ký kết các Thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước như: Đức; Nga; Australia; Israel và một số thị trường châu Âu khác.
Khởi tố vợ chồng giám đốc lừa xuất khẩu lao động
Nữ giám đốc lừa xuất khẩu lao động, "đút túi" tiền tỷ
Khởi tố đối tượng tham ô hơn 1,7 tỷ đồng của 600 người nộp tiền để xuất khẩu lao động
Khởi tố hai đối tượng lừa xuất khẩu lao động
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động