Thứ sáu 29/03/2024 21:38

Nữ giám đốc lừa xuất khẩu lao động, "đút túi" tiền tỷ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
VKSND TP Hà Nội vừa ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Hợi (tức “Vân”), SN 1983, quê Hưng Yên, GĐ Cty TNHH AC Foods Hà Linh, về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo đó, năm 2017, Hợi làm cộng tác viên cho chi nhánh Cty CP Hợp tác quốc tế Việt Nhật tại Hà Nội (Cty Việt Nhật). Cty này có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động. Sau đó, tháng 4-2018 Cty Việt Nhật thông báo dừng hoạt động.

Quá trình làm cộng tác viên với chi nhánh Cty Việt Nhật tại Hà Nội, Hợi không được Cty ký hợp đồng lao động và không có chức năng nhận tiền của người lao động. Nhưng chị ta tự giới thiệu là GĐ đối ngoại hoặc GĐ chi nhánh Cty và có thể làm thủ tục đưa mọi người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Để dễ bề qua mặt, Hợi nêu những điều kiện cụ thể về việc tuyển người làm việc ở Nhật Bản cùng với đơn hàng làm việc tại khách sạn có thời hạn 3 năm với mức lương tùy theo vị trí làm việc, từ 32 triệu đồng đến 36 triệu đồng/tháng. Hợi ra giá, mỗi suất đi xuất khẩu lao động từ 6.000 USD đến 6.500 USD. Người lao động được hứa hẹn, sau khi học tiếng Nhật từ 6 đến 8 tháng, người lao động sẽ xuất cảnh. Ngoài ra, với một số đầu mối gom người, Hợi thống nhất, thu từ 7.000 USD đến 7.500 USD một người. Số tiền chênh, chị ta sẽ trả công cho người môi giới.

nu giam doc lua xuat khau lao dong dut tui tien ty
Bị can Nguyễn Thị Hợi.

CQĐT còn làm rõ, tháng 5-2018, Hợi thành lập Cty TNHH AC Foods Hà Linh (Hà Linh), trụ sở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Cty Hà Linh không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động nhưng Hợi vẫn "nổ" rằng, Cty của mình có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động. Hợi nói, Cty Hà Linh có đơn hàng đi làm ở nhà hàng thực phẩm tại Nhật Bản; mức lương từ 30 triệu đến 32 triệu đồng/tháng. Thời gian người lao động làm việc kéo dài đến 15 tháng, trong thời gian đó sẽ được về nước một lần. Người lao động có nhu cầu đi lao động theo đơn hàng này phải chi phí 2.500 USD một người. Hợi cam kết, trong thời gian 3 tuần kể từ khi nộp tiền, người lao động sẽ được xuất cảnh. Tuy nhiên sau khi nhận tiền của người lao động, Hợi không đưa được ai đi xuất khẩu lao động và cũng không hoàn trả tiền cho họ.

Từ tháng 7-2017 đến tháng 9-2018, Hợi đã lừa đảo chiếm đoạt của 22 bị hại với tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Khi người lao động làm đơn tố cáo thì Hợi bỏ trốn. Tháng 8-2019, Hợi bị bắt theo lệnh truy nã. Trong quá trình điều tra, Hợi mới hoàn trả được gần 800 triệu đồng.

Liên quan đến hành vi phạm tội của Hợi còn một số người có vai trò giúp sức, giới thiệu người lao động và nộp tiền cho Hợi, qua đó tạo điều kiện cho Hợi chiếm đoạt tài sản của họ. Tuy nhiên quá trình điều tra, CQĐT xét thấy, những người này không được bàn bạc, không biết mục đích lừa đảo của Hợi và cũng không được hưởng lợi gì từ hành vi lừa đảo của Hợi nên không bị xử lý hình sự.

Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động