Nhà đầu tư chặn đường cao tốc để thu phí: Nếu có dấu hiệu vụ lợi thì có thể bị xử lý hình sự
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChặn đường cao tốc, ép tài xế đi đường vòng
Cụ thể, theo phản ánh của các tài xế, cao tốc hướng Lào Cai chạy về Hà Nội, trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã bị nhà đầu tư là Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC cho “chặn” toàn bộ chiều đường chạy về Hà Nội tại đoạn qua cầu vượt Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây, để tiếp tục hành trình về Hà Nội, phương tiện được yêu cầu đi vào tỉnh lộ 310, thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc và thực hiện thanh toán phí tại trạm IC3, sau đó được hướng dẫn vòng trở lại cao tốc để chạy về hướng Hà Nội.
Được biết, tình trạng này đã xảy ra trong khoản hơn 1 tháng TP Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, toàn bộ xe trên cao tốc Lào Cai - Hà Nội chạy hướng về Hà Nội khi về đến cầu vượt Bình Xuyên đều được yêu cầu chạy theo hành trình trên và trả phí.
Thu phí tiền mặt xe qua trạm thu phí Vực Vòng (ảnh nhỏ), và biên lai mức phí trạm đã thu |
Nhiều tài xế và DN vận tải cho rằng, trả phí đường bộ là việc họ phải thực hiện kể cả khi không nhận được sự chia sẻ của nhà đầu tư VEC, nhưng việc đơn vị này tự ý thay đổi hành trình của phương tiện lưu thông trên cao tốc để tận thu là vô lư. Việc này khiến nhiều phương tiện chở hàng đã được cài đặt giám sát hành trình GPS của DN phát cảnh báo đối với lái xe chạy sai hành trình và phát sinh chi phí nhiên liệu nằm ngoài cung đường lưu thông.
Đáng chú ý, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Nội Bài - Lào Cao do VEC quản lư là tuyến đường cao tốc quốc gia nhưng để thu được phí của xe ô tô chạy theo hướng vào TP Hà Nội thì VEC đã dựng hàng rào chặn đường cao tốc tại vị trí giáp ranh với Thủ đô, buộc các xe phải đi đường vòng để trả phí. Việc làm này của VEC đã gây nhiều tranh cãi.
Không được cản trở xe lưu thông trên cao tốc
Liên quan đến việc nhà đầu tư chặn đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội để buộc xe đi vào tỉnh lộ để thu phí, đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị này sẽ chỉ đạo kiểm tra, làm rõ. “Với tuyến Nội Bài - Lào Cai, nhà đầu tư phải dừng thu phí đoạn trên địa bàn Hà Nội và có phương án thu phí trên các đoạn không thực hiện Chỉ thị 16. Việc lập phương án thu phí này không được cản trở xe lưu thông trên cao tốc”, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua huyện Bình Xuyên bị nhà đầu tư chặn lại, buộc xe phải thay đổi hướng đi |
Trước đó, ngày 20-7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị thu phí đường bộ tại các tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng ngừng thu phí đến khi gỡ bỏ giãn cách. Tổng cục Đường bộ yêu cầu các nhà đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí, DN dự án BOT… tạm dừng thu phí các trạm đóng trên địa bàn các tỉnh đang thực hiện giãn cách.
Đồng thời, các đơn vị này cần bố trí nhân lực bảo vệ thiết bị, tài sản, đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực các trạm này, có phương án để kịp thời tổ chức thu phí lại khi hết thời gian giãn cách. Trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ sẽ đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, thông báo cho lái xe về lịch trình di chuyển về Hà Nội trong thời gian này để tránh gây bức xúc và phiền hà cho các lái xe.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai là cao tốc Quốc gia, do vậy, chỉ Nhà nước mới đủ thầm quyền chặn đường, tổ chức giao thông, nhà đầu tư chỉ được quyền giám sát xe đi lại và thu phí, không được phép chặn dừng phương tiện trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Mặt khác, công nghệ phát triển nên có nhiều cách thu phí phương tiện đối với đoạn không thực hiện giãn cách, không nhất thiết phải chặn cao tốc và nắn hành trình phương tiện như VEC đang thực hiện.
Có hay không hành vi vụ lợi?
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Hồng Thái, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, nếu nhà đầu tư chặn đường khiến các phương tiện di chuyển trên cao tốc hướng về Hà Nội với mục đích “vụ lợi”, nhằm phát sinh thêm một khoản phí khác nhiều hơn so với khoản phí phải trả đối với tuyến đường đó thì là hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với hành vi thu phí đường bộ không đúng với mức phí đã được quy định đối với từng trường hợp thì có thể bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 25, Nghị định 109/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động liên quan đến hành vi vi phạm. Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng kể từ ngày Quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy Chủ đầu tư đã lợi dụng việc chặn đường cao tốc nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu xét thấy hành vi có dấu hiệu vụ lợi hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của công dân, có đủ căn cứ cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 355 BLHS năm 2015 thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy vào tính chất, mức độ phạm tội mà người phạm tội có thể bị phạt tù thấp nhất từ 1 năm, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội có thể còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Khi dịch bệnh bùng phát phức tạp, để phục vụ công tác phòng chống dịch và chia sẻ với khó khăn của người dân, DN vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu tạm dừng thu phí tại tất cả các trạm thu phí quốc lộ, cao tốc trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Với Hà Nội, việc trên được thực hiện từ 0g ngày 24-7 cho đến khi có thông báo mới. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại