Người trúng đấu giá sẽ được hưởng nhiều quyền lợi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ Công an đang lấy ý kiến của người dân với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá |
Bán xe được giữ lại biển số
Bộ Công an đang lấy ý kiến của người dân với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, bao gồm: giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá, trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá... Biển số ô tô được lựa chọn đấu giá là biển số trắng chữ đen, chưa được đăng ký, dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm.
Không đưa ra đấu giá biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước (NSNN), xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của DN quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức DN nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Người được tham gia đấu giá là tổ chức, DN, cá nhân được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở (đối với tổ chức, DN) hoặc nơi đăng ký thường trú (đối với cá nhân). Cơ quan tổ chức đấu giá là CA tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổ chức đấu giá biển số theo phân cấp đăng ký quản lý phương tiện.
Về hình thức đấu giá, Bộ Công an giao CA cấp tỉnh ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá trực tuyến.
Theo dự thảo Tờ trình về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá của Chính phủ thì người trúng đấu giá được hưởng nhiều quyền lợi hơn. Cụ thể: Được ký hợp đồng với cơ quan tổ chức đấu giá để xác lập quyền đối với biển số trúng đấu giá; được sử dụng biển số trúng đấu giá; khi chuyển nhượng xe ô tô, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu (biển số đi theo người); khi thay đổi địa chỉ nơi cư trú khác tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, người trúng đấu giá không phải nộp lại biển số trúng đấu giá.
Biển số trúng đấu giá chỉ được cấp cho người đã đăng ký tham gia đấu giá và trúng đấu giá. Biển số trúng đấu giá được cơ quan đăng ký quản lý và chỉ cấp khi người trúng đấu giá làm thủ tục đăng ký theo quy định về đăng ký xe (khi chưa làm thủ tục đăng ký người trúng đấu giá chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng biển số trúng đấu giá). Cơ quan đăng ký xe có quyền thu hồi biển số trúng đấu giá khi biển số được sử dụng không đúng quy định của pháp luật (xe gắn biển số trúng đấu giá vi phạm pháp luật bị tịch thu theo quy định).
Hiện nay, Bộ Công an đang thực hiện thu lệ phí đăng ký số tiền hàng năm rất lớn, theo thống kê năm 2020 thu 3.892 tỷ đồng nhưng toàn bộ số tiền này đều nộp vào NSNN trong khi nguồn chi phí cho việc thu lệ phí đăng ký, cấp biển số do NSNN bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi NSNN theo quy định của pháp luật còn rất thấp.
Do đó, đề nghị đưa vào Nghị quyết Quốc hội quy định về số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ nộp vào ngân sách Trung ương, phân bổ cho ngân sách địa phương. Theo dự thảo Tờ trình về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá của Chính phủ gửi Quốc hội thì số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Cần xây dựng quy định về đấu giá chặt chẽ, minh bạch
Thống kê cho thấy, lượng tiêu thụ ô tô ở Việt Nam đạt mức khoảng 400.000 xe/năm, có xu hướng tăng nhanh qua từng năm. 2/3 trong số đó là xe ôtô đăng ký cá nhân. Ngoài ra có khoảng gần 3 triệu xe máy/năm. Kho biển số có thể xem như một “kho vàng” nếu như pháp luật cho phép đấu giá biển số xe.
Không ít người coi biển số xe mà mình đang đi rất có ý nghĩa, nó không chỉ gắn với kỷ niệm mà còn có giá trị nếu đó là biển số được cho là “đẹp”. “Tôi rất muốn bán xe để đổi một chiếc xe khác, nhưng biển số cũ dù không siêu đẹp nhưng lại gắn kỷ niệm với hai vợ chồng, chúng tôi không nỡ. Giá như chỉ bán xe, giữ lại biển số thì hay biết mấy”, anh Xuân Thành ở quận Cầu Giấy cho biết.
Anh Hoàng Vũ ở quận Thanh Xuân bày tỏ: “Tôi mua xe mới và được cấp biển số, sử dụng một thời gian tôi bán xe, nhưng cái biển số vẫn là của tôi (trừ trường hợp thỏa thuận bán luôn cả cái biển số) và sẽ gắn xe mới của tôi, còn người mua xe của tôi phải làm thủ tục cấp biển số khác nếu chưa có biển số. Làm như vậy vừa tiết kiệm được kho số, vừa thu được ngân sách, mà cũng vừa giải quyết được tình trạng mua bán không sang tên đổi chủ”.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay tại khu vực Hà Nội và TP HCM, người dân phải bỏ ra số tiền lớn để đăng ký biển số, hình thức này giống như một loại mua biển số xe. Theo đó, mua một biển số là sở hữu tài sản của cá nhân, khi chủ xe bán xe cho một người khác là bán xe chứ không bán biển số xe. Chiếu theo luật dân sự, cá nhân chủ xe có thể giữ lại biển số đã đăng ký theo tên cá nhân của mình.
“Bỏ số tiền 20 triệu ra để đăng ký biển số, nếu sau vài tháng người này bán xe cũ đi và mua xe mới thì lại tiếp tục phải bỏ ra thêm 20 triệu nữa để đăng ký biển số mới, thế rất tốn kém chi phí cho người dân”, luật sư Thái lấy ví dụ.
Theo luật sư Thái, biển số xe có thể coi là tài sản, có thể mua bán, cho, tặng, thừa kế. Các quyền này cần phải được minh định trong Luật, bởi vì Nhà nước có quy định cần phải đấu giá các biển số xe đẹp, nếu người dân có nhu cầu, nghĩa là có mua và có bán? Việc này về mặt kinh tế thì Nhà nước thu lại số tiền khá lớn nếu tổ chức đấu giá và chúng ta cần xem lại, tại sao cho phép đấu giá, cho phép sử dụng nhưng không cho phép quyền sở hữu? Do đó cần đảm bảo quyền sở hữu của người dân.
Theo vị luật sư này, vừa qua Lãnh đạo Cục CSGT cũng có đưa ra một số phương án như sau: Phương án 1, sẽ giữ nguyên theo luật hiện hành, cho phép đấu giá biển số, được phép sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi; Phương án 2, cho phép người dân được mua bán, cho tặng, trao đổi và cần quy định vào luật các quyền cụ thể. "Nhưng các phương án trên đang nghiên cứu, cần phải điều chỉnh và luật hóa sớm để đi vào đời sống người dân, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay", luật sư Thái nhấn mạnh.
Chuyên gia pháp lý này cho rằng, để việc đấu giá biển số xe ô tô được thực hiện đúng, trúng và chuẩn, trước tiên phải xây dựng được quy định về đấu giá chặt chẽ, minh bạch nhằm tránh lợi dụng việc đấu giá trục lợi cá nhân hay lợi ích nhóm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại