Thứ hai 29/04/2024 13:44

Người làm hoà giải phải luôn sát dân, gần dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không nhớ đã gặp, đã hòa giải bao nhiêu vụ việc, thế nhưng bà Phạm Thị Bích Hải, Tổ trưởng Tổ dân phố số 3 phường Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội), luôn thấu hiểu, làm hòa giải quan trọng nhất là việc sát dân, gần dân. Bởi có coi việc của người ta cũng như việc của nhà mình, việc hòa giải mới thực sự thấu tình đạt lý.
Người làm hoà giải phải luôn sát dân, gần dân
Bà Phạm Thị Bích Hải, Tổ trưởng Tổ dân phố số 3 phường Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội). (Ảnh: Duy Linh)

Chuyện hòa giải cũng có lắm chuyện để kể. Mỗi lúc, mỗi thời đoạn đều có những đặc điểm, câu chuyện đặc thù riêng của nó. Bà Hải bảo, giai đoạn COVID-19 hoành hành, đa số người dân thực hiện giãn cách tại nhà, do đó không tránh khỏi có những lúc xích mích, va chạm. Tuy nhiên, cũng chính trong thời điểm đó, là lúc tinh thần đoàn kết, tương hỗ trong Nhân dân lên cao nhất, do đó việc vận động người dân hoà giải cũng dễ dàng hơn. Bởi vậy, khi dịch COVID-19 qua đi, địa bàn tổ dân phố nơi bà sinh sống không phát sinh mâu thuẫn lớn.

Theo bà Hải, những vụ việc tại cơ sở nếu được hoà giải kịp thời sẽ không phát sinh thành mâu thuẫn, tranh chấp lớn. Như câu chuyện mới đây, một vụ việc được hoà giải thành công đầu năm 2022 ở 16B Ngô Tất Tố. Đó là câu chuyện mâu thuẫn giữa hai gia đình, vốn là hàng xóm sát vách nhau. Vốn nghĩ đơn giản, hộ gia đình bên ngoài cho rằng hành lang trước cửa nhà mình là của mình nên đã “tận dụng” khoảng không gian trước cửa nhà để chuồng chó, giày dép và đồ đạc cũ. Chướng mắt, vướng víu lối đi nên gia đình bên trong không ưng ý. Lời qua tiếng lại chẳng ai chịu ai, thế là mâu thuẫn phát sinh.

Người ta bảo “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, cái việc mâu thuẫn giữa hàng xóm vốn không đáng có. Bà Hải bảo, nhận được thông tin, bà đã cùng các thành viên của tổ bàn bạc hướng giải quyết. Sau đó, tổ hoà giải xuống vận động, gặp gỡ riêng từng gia đình và kiên nhẫn dùng cái lý phân tích cho họ hiểu. Đó là quyền hạn sử dụng khu vực hành lang chung ra sao, họ hiểu sai ở điểm nào. Tổ hoà giải cũng nhờ một số người có ảnh hưởng tốt trong khu vực đến họp cùng. Nhờ có sự vận động tốt từ trước, cho nên khi tổ chức họp hoà giải các gia đình đã có sự đồng thuận và sự việc được giải quyết thành công.

Hoặc như một vụ việc mới xảy ra thời gian gần đây liên quan đến việc một gia đình do hoàn cảnh khó khăn đã chuyển sang bán hàng online bằng hình thức phát trực tiếp trên mạng xã hội. Tuy nhiên điều này lại gây một số tiếng ồn ảnh hưởng đến giấc ngủ của hàng xóm. Khó chịu, người hàng xóm đã phản ánh lên UBND phường và cho rằng gia đình kia… hát karaoke gây ồn ào.

Sau khi nhận được phản ánh, tổ hoà giải đã nhiều lần vào tìm hiểu tình hình cùng với sự có mặt của lực lượng công an phường và xác định không có chuyện gia đình kia hát karaoke vào đêm khuya. Thực tế, một bên gia đình do hoàn cảnh còn khó khăn, nhà cửa chật chội khó có điều kiện cải tạo, 2 gia đình lại sát nhau nên dù âm thanh không lớn nhưng việc tương tác bán hàng lại gây khó chịu cho hàng xóm vốn tuổi đã cao lại thường đi ngủ từ sớm.

Để giải quyết vụ việc này, tổ hoà giải đã vận động 2 bên gia đình “lấy chín bỏ làm mười”, khuyên bảo gia đình bán hàng online để đảm bảo cuộc sống cho mình thì cũng phải đảm bảo sức khoẻ cho người khác, hạn chế tối đa nhất tiếng ồn cho hàng xóm bằng cách che chắn sao cho kín hoặc giảm bớt âm lượng. Bên cạnh đó, vận động gia đình hàng xóm di chuyển giường ngủ ra vị trí khác để tránh bị ảnh hưởng. Sau khi nghe tổ hoà giải phân tích hợp tình, hợp lý, hai gia đình cũng vui vẻ, thông cảm và mâu thuẫn đã được hoá giải thành công.

Theo bà Hải, trong công tác hoà giải, uy tín của cán bộ hoà giải là yếu tố vô cùng quan trọng. Để cho người ta nghe mình, người làm công tác hoà giải phải luôn đi đầu, gương mẫu trong mọi việc. Trong cuộc sống thường ngày, người làm công tác hoà giải cũng phải quan tâm, gần gũi với người dân trong địa bàn để người dân không có tâm lý xa cách. Việc quan tâm, gần gũi với người dân thể hiện qua việc thường xuyên thăm hỏi, sát sao địa bàn, không phải chỉ khi có việc mới đến.

Cũng vậy, khi giải quyết một vụ việc thì cần sự vận dụng khéo léo, linh hoạt giữa “cái lý” với “cái tình”. Theo đó, cán bộ hoà giải phải làm sao để phân tích cho người dân hiểu được bản chất sự việc, để dẹp bỏ được cái tôi của mình hoặc quyền lợi riêng tư của mình, qua đó giữ được trọn vẹn tình làng nghĩa xóm.

“Khi hoà giải, người hoà giải viên phải giữ một tinh thần khách quan nhất để phân tích vấn đề, qua đó truyền đạt lại câu chuyện cho 2 bên xảy ra mâu thuẫn cho đúng. Hoà giải viên phải là người đứng ở giữa, không có tâm lý bênh vực hay đứng về phía một bên rồi không đồng tình với bên còn lại.” – bà Hải nói.

Đồng thời, người làm công tác hoà giải phải có tâm huyết với nghề, phải tích cực đi sâu tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những người khác để xử lý công việc một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Một trong những phương pháp hiệu quả là tìm hiểu qua báo, đài, qua các buổi tập huấn. Ngoài ra, khi cần tìm hiểu thêm về các lĩnh vực khác có thể nhờ sự tư vấn từ các cán bộ phường. Ví dụ như xây dựng thì phải tìm hiểu từ thanh tra xây dựng, địa chính…

Nhiều năm làm công tác hoà giải, việc vận dụng cái lý, cái tình trong công việc được bà Hải kết hợp nhuần nhuyễn. Tuỳ theo từng vụ việc cụ thể mà người hoà giải viên phải vận dụng lý lẽ nhiều hơn hay dùng cái “tình” để khuyên nhủ nhiều hơn, đó cũng là một trong những “chân lý” để người làm công tác hòa giải thành công.

4 số Pháp luật & Xã hội mỗi tuần thực sự là kênh thông tin pháp luật hữu hiệu đối với chúng tôi 4 số Pháp luật & Xã hội mỗi tuần thực sự là kênh thông tin pháp luật hữu hiệu đối với chúng tôi
Hòa giải viên “mát tay”, giữ niềm vui cuộc sống Hòa giải viên “mát tay”, giữ niềm vui cuộc sống
Nữ trưởng thôn luôn nỗ lực trong công tác hòa giải cơ sở Nữ trưởng thôn luôn nỗ lực trong công tác hòa giải cơ sở
Đưa những câu chuyện gần gũi với đời sống vào tuyên truyền Đưa những câu chuyện gần gũi với đời sống vào tuyên truyền
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động