Đưa những câu chuyện gần gũi với đời sống vào tuyên truyền
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Nguyễn Phúc Khách - Trưởng thôn kiêm tổ trưởng tổ hòa giải thôn Dư Xá là một hòa giải viên giỏi của huyện Ứng Hòa |
Theo Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Điều 4 Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định nội dung xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có nội dung: Xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; chương trình, kế hoạch triển khai, thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, chính quyền các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;...
Để triển khai nội dung trên, các hoạt động tuyên truyền phải bắt đầu từ cơ sở vì cơ sở có mạnh thì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mới hiệu quả, chuẩn tiếp cận pháp luật mới thành công.
Theo ông Nguyễn Phúc Khách - Trưởng thôn kiêm tổ trưởng tổ hòa giải thôn Dư Xá (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), trong những năm qua, xã Hòa Nam nói chung, thôn Dư Xá nói riêng đã có nhiều buổi tuyên truyền cho người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, mang lại những ý nghĩa thiết thực, giảm tình trạng vi phạm pháp luật, hướng đến lối sống văn minh, lịch sự trong đời sống của người dân.
Ông Khách cho biết trong các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hướng đến chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân, ông thường “tranh thủ” lồng ghép các kiến thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ngay tại các hội nghị, cuộc họp của thôn, xã.
Từ những tình huống nhất định, mọi người sẽ tranh luận xem trong tình huống đó, ai đúng, ai sai, còn thiếu những gì?…Từ đó ông sẽ định hướng cho mọi người trong từng tình huống sẽ xử lý, ứng xử như thế nào để vừa đúng pháp luật, vừa hợp tình người.
“Tại các hội nghị, sẽ có đông người tham gia nên tôi thường “tranh thủ” lồng ghép các kiến thức thông qua các tình huống gần gũi với đời sống thường ngày của người dân. Dù diễn ra trong ít phút nhưng người dân được nghe trực tiếp nên hiệu quả tuyên truyền cao hơn, người dân được cung cấp kiến thức, giúp họ có thể vận dụng vào thực tế, khi họ là người trong cuộc hoặc có thể tuyên truyền đến những người khác để tạo sự lan tỏa rộng khắp”, ông Khách cho biết.
Kiến thức pháp luật thường bị cho là khô khan. Chia sẻ về bí quyết để các buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao, ông Khách cho biết tùy tình huống, ông sẽ đưa ra những câu chuyện phù hợp. Bản thân ông luôn đưa các tình huống, câu chuyện gần gũi với đời sống thường ngày của người dân vào tuyên truyền, tạo sự hấp dẫn khiến cán bộ, Nhân dân chú ý lắng nghe và tiếp thu.
Theo ông Khách, một yếu tố rất quan trọng để đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền chính là sự thấu hiểu, lắng nghe tâm tư, tình cảm của người dân để biết vấn đề họ quan tâm, còn khúc mắc, chưa hiểu rõ. Từ đó sẽ giải thích, phân tích, định hướng giúp họ hiểu đúng, đi đến hành động đúng.
“Người cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trước tiên phải hiểu biết pháp luật. Lĩnh vực này vô vàn kiến thức nên bản thân phải không ngừng tìm tòi, học hỏi. Nếu chưa rõ vấn đề có thể nhờ cơ quan chức năng chia sẻ để có thêm kiến thức, tư vấn, tuyên truyền đến người dân.
Muốn đạt kết quả cao trong công tác tuyên truyền, ngoài sự hiểu biết thì người cán bộ phải thật sự gần dân, mến dân. Có hiểu được tâm tư, tình cảm của người dân thì mới biết được họ cần gì, thiếu gì để bồi đắp”, ông Khách nhấn mạnh.
Ông Khách cho biết thêm cách dẫn dắt câu chuyện của người cán bộ tuyên truyền cũng rất quan trọng. Cùng một nội dung nhưng cách dẫn dắt hấp dẫn, từ nét mặt, ngôn từ tạo được sự thiện cảm cho người nghe thì hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn. Khi người dân ấn tượng với cách truyền đạt hay thì những lần sau, họ sẽ tích cực lắng nghe và tiếp thu hơn.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại