Người dân mọi miền Tổ quốc thành kính tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo xuất sắc, hết mực giản dị, thương dân của dân tộc ta. Ảnh: Trí Dũng (TTXVN) |
Nhà giáo Trần Trung Hiếu (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An): Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo tận tâm, tận tụy và tận hiến với đất nước, với Nhân dân
Chiều 19/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Là người con của quê hương Nghệ An, nhà giáo Trần Trung Hiếu (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) cũng giống như tất cả người dân Việt Nam đều bày tỏ niềm tiếc thương, thành kính, trân trọng, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo xuất sắc, hết mực giản dị, có nhiều đóng góp cho đất nước, Nhân dân ta.
Nhà giáo Trần Trung Hiếu cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành con người của lịch sử. Hình ảnh, giọng nói, suy nghĩ, hành động và tất cả sự tận hiến của Tổng Bí thư đã trở thành những kỷ niệm, kỷ vật, ký ức vô cùng quý giá.
"Nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quá nhiều người đã nói, đã viết, nhất là những người đã từng có may mắn trở thành những đồng chí, đồng nghiệp, đồng môn, đồng hương của bác. Tôi chỉ là một giáo viên phổ thông, chưa từng được gặp gỡ, chuyện trò với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với tâm thế của một công dân, tôi cho rằng, nhiều năm vừa qua, người dân Việt Nam đều bày tỏ tình cảm đặc biệt với Tổng Bí thư khi bác đang sống, làm việc, phụng sự, hiến dâng cho Đảng và Nhân dân. Ngay sau khi đón tin Tổng Bí thư từ trần, Nhân dân đã bày tỏ nhiều cảm xúc thương xót, nhớ nhung, tiếc nuối, từ ngoài đời đến không gian mạng trong một buổi chiều "đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa" từ Bắc vào Nam. Tôi chỉ là một người trong cả biển người đó.
Trong rất nhiều câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà tôi được nghe qua internet, tôi xúc động nhất là câu nói mà bác trích một đoạn trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” như là một phương châm, lẽ sống của mình. Tôi đã ứa nước mắt và thấy lòng mình như quặn thắt khi nghe bác nói nghẹn ngào. Tôi tin, rất nhiều người có cùng tâm trạng với tôi. Có lẽ, đó như là một sự gói gém cô đọng nhất những trải nghiệm, chiêm nghiệm từ cuộc đời của Tổng Bí thư, từ lý tưởng sống, làm việc và cống hiến mà bác theo đuổi, dấn thân, phụng sự và kiên định. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiến dâng cho Đảng, cho Nhân dân đến tận hơi thở cuối cùng, ngay cả khi bác đang nằm điều trị trong Bệnh viên Quân y 108.
Tấm ảnh chụp ngày 27 Tết Nguyên đán năm 2019, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng |
Ngược dòng lịch sử chính trị Việt Nam cũng như thế giới, chúng ta dễ nhận ra rằng, có nhiều chính khách vĩ đại lại thường có phong cách, lối sống rất giản dị, khiêm nhường. Tấm ảnh mà tôi thích nhất về sự bình thường, giản dị của Tổng Bí thư trong đời thường là tấm ảnh chụp ngày 27 Tết Nguyên đán năm 2019, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng. Tôi cho rằng, sự giản dị làm nên điều vĩ đại. Vĩ đại từ những điều giản dị, bình thường giữa đời thường. Bình thường đã làm nên điều đặc biệt.
Có lẽ những ai có trí tưởng tưởng phong phú nhất khi xem hình ảnh này cũng chẳng nghĩ đó là gia đình của bác Tổng Bí thư. Như bao gia đình viên chức khác ở Thủ đô Hà Nội. Tôi rất xúc động về hình ảnh này, về cả không gian và con người. Một hình ảnh nói lên nhiều thông điệp nhân văn. Nhìn cho kỹ cái bức tường bên tờ lịch, cái cái nồi cơm điện Sharp mà 25 năm trước tôi đã từng dùng và không gian bếp là hiểu sự đơn giản, mộc mạc như thế nào trong gia đình của một nguyên thủ. Gói và nấu bánh chưng ngày Tết cổ truyền, đôi khi không chỉ là việc gói bánh để cả gia đình cùng thụ hưởng. Rộng lớn hơn, thiêng liêng hơn, đó là văn hóa, là nguồn cội. Đó là trí tuệ, là cốt cách, là phong cách, là lối sống.
Là một giáo viên dạy Sử, cá nhân tôi nghĩ rằng, trong lịch sử 94 năm Đảng Cộng sản Việt Nam, bác Trọng là một Tổng Bí thư đặc biệt trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, tình hình chính trị và cục diện thế giới diễn ra nhiều sự phức tạp, khó lường tác động sâu sắc đến mọi quốc gia, dân tộc thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách là người đứng đầu Đảng đã thể hiện trí tuệ, nhân cách, bản lĩnh của một Tổng Bí thư, lãnh đạo và chỉ đạo nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn đưa đất nước từng bước vượt qua nhiều thách thức để hội nhập và phát triển trong xu thế toàn cầu hóa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam những năm đầu tiên của thế kỷ XXI. Bác không chỉ là một Tổng Bí thư mà còn đi vào lịch sử như là người chuyển giao thế hệ. Tổng Bí thư là người lãnh đạo cuối cùng sinh ra trước ngày đất nước độc lập (năm 1945) và cũng là người lãnh đạo cuối cùng đã trải qua những năm tháng khốc liệt của kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam (bắt đầu từ năm 1967).
Là một nhà giáo đang giảng dạy bậc phổ thông, trong thời kỳ mà đạo lý "uống nước nhớ nguồn", đạo nghĩa thầy trò đang dần phai nhạt và bị chi phối bởi nhiều yếu tố, thì những gì tôi biết về tình cảm, suy nghĩ và cách hành xử của bác với thầy cô giáo cũ của bác càng làm cho tôi phải suy nghĩ, trăn trở.
Tôi rất xúc động và vô cùng cảm kích về một bức thư chúc Tết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo dạy lớp 4 của bác thời phổ thông, nhân dịp Tết năm 2019. Chức vụ của bác thì to, vị trí công tác của bác thì rất cao, nhưng khi viết thư cho cô giáo, bác vẫn luôn hành xử đúng đạo lý thầy trò. Bác vẫn luôn khiêm nhường, coi mình là một cậu học trò bé nhỏ ngày xưa với cô. Không văn hoa, sáo rỗng, không hàn lâm kinh điển, không học hàm, học vị, không chức vụ, quyền uy. Rất mộc mạc, giản đơn nhưng đầy sự kính trọng, nghĩa tình. Đó là trí tuệ, là nhân cách, là phong cách và phẩm giá của bác trong cái "dĩ bất biến, ứng vạn biến"; "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến".
Nhân dân không thờ ai sai bao giờ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xứng đáng được nhiều người cúi đầu về sự ra đi. Có thể nói, cảm xúc của tôi về Tổng Bí thư, dành cho bác khi bác còn sống và khi bác đã ra đi chỉ với 2 từ “thương yêu” và “kính trọng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo mà tôi muốn dùng 3 chữ T: tận tâm, tậm tụy và tận hiến với đất nước, với Nhân dân. Bác đã làm việc đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Câu nói "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất" của Tổng Bí thư như là một tâm niệm, trải nghiệm của bác, như một lời nhắc nhủ, dặn dò của bác với cá nhân tôi, với tất cả mọi người, với cán bộ, đảng viên đã và đang làm việc. Thành kính tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ xa", nhà giáo Trần Trung Hiếu xúc động chia sẻ.
Nhà giáo Trần Trung Hiếu là giáo viên dạy môn lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: NVCC |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sống mãi trong trái tim người dân "Đất Mũi" Cà Mau
Không có điều kiện đi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian Quốc tang diễn ra trong ngày 25 và 26/7 nhưng người dân “Đất Mũi” Cà Mau vẫn có những việc làm vô cùng xúc động thể hiện tình cảm kính trọng, biết ơn với Tổng Bí thư.
Khi nghi thức viếng chính thức của Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra, cũng là lúc các cựu chiến binh tại phường 9 (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) thắp nén hương lên bàn thờ đã có di ảnh của Tổng Bí thư. Bàn thờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do ông Võ Hà Đô lập ngay sau khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần. Những ngày trước khi Lễ Quốc tang diễn ra, rất nhiều đồng đội của ông cũng đã đến thắp hương tưởng nhớ Tổng Bí thư.
Các cựu chiến binh tại phường 9 (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) thắp nén hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: NVCC |
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có đủ tài năng, phẩm chất và đức độ. Khi nghe tin đồng chí Tổng Bí thư từ trần, chúng tôi vô cùng đau buồn và thương xót. Để bày tỏ tấm lòng của người con Đất Mũi – Cà Mau thì chúng tôi làm di ảnh Tổng Bí thư đặt lên bàn thờ để thờ chung với các vị lãnh tụ, lãnh đạo tiền bối của chúng ta. Chúng tôi muốn được bày tỏ tấm lòng của mình đối với một người lãnh đạo có công lao to lớn đối với sự nghiệp xây dựng đất nước.
Mặc dù không có điều kiện đi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng người dân vùng đất “tận cùng tổ quốc” Cà Mau, bằng những cách khác nhau vẫn thể hiện tình cảm chân thật nhất dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một con người suốt đời vì đất nước, vì Nhân dân”, ông Võ Hà Đô chia sẻ.
Nhiều người dân nơi "đất rừng cuối trời" U Minh (tỉnh Cà Mau) cũng gửi những tình cảm nhớ thương, kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Trần Thanh Liêm (thường gọi Ba Liêm), nguyên cán bộ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau (hiện đang sống ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) chia sẻ, từ khi biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, ông cảm thấy buồn bã, hụt hẫng như mất đi người thân ruột thịt. Ông cũng như người dân Cà Mau luôn đánh giá cao tài năng, nhân cách của Tổng Bí thư.
"Đây là mất mát lớn, người dân Cà Mau cũng như bản thân tôi đánh giá rất cao đường lối, chủ trương chính sách, sự dẫn dắt của Tổng Bí thư trong thời gian qua khi đưa đất nước ta hội nhập thế giới.
Chính sách ngoại giao của chúng ta càng ngày càng mở rộng, nâng tầm uy tín đất nước trên thế giới. Chúng ta có mặt trong các sự kiện lớn, tổ chức thành công những sự kiện quan trọng của quốc tế, chứng tỏ tầm nhìn, bước đi chiến lực dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa đất nước phát triển lên tầm cao hơn, có vị thế trên thế giới" - ông Trần Thanh Liêm bày tỏ.
Đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng | |
Chúng tôi mãi khắc ghi hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo của lòng dân |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại