Người bị bệnh thâm thần có bị xử lý hình sự?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối tượng Hoàng Ngọc Chiến - nghi phạm giết người trên phố Hoàng Hoa Thám Hà Nội |
CA quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự nghi phạm Hoàng Ngọc Chiến, SN 1985, ở tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên để điều tra vụ đâm chết người phụ nữ ở vỉa hè Hà Nội.
Trước đó, khoảng 12h ngày 25/11/2022, CA phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ tiếp nhận tin báo của quần chúng nhân dân về việc bà H, SN 1971, trú tại Thụy Khuê, quận Tây Hồ đang ngồi bán nước tại vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám thì bị một người đàn ông dùng dao bầu (loại dao chọc tiết lợn) đâm vào vùng cổ.
Ngay sau khi gây án, nghi phạm vứt dao ở gần nạn nhân rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Sự việc xảy ra quá nhanh và bất ngờ khiến những người xung quanh không kịp nhìn rõ hung thủ.
Ngay khi bị đâm, bà H đổ gục xuống đường. Thấy vậy, một số người đã lấy xe cáng để đẩy nạn nhân đến BV nhưng nạn nhân đã tử vong.
Đến 16h cùng ngày, CA quận Tây Hồ và Phòng CSHS CA TP Hà Nội đã bắt giữ được nghi phạm Hoàng Ngọc Chiến khi nghi phạm đang lẩn trốn trên địa bàn huyện Đan Phượng. Tại CQĐT, Chiến đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Hiện, vụ án đang được tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Dư luận đặt câu hỏi, trong vụ án này nếu đối tượng bị tâm thần sẽ xử lý như thế nào? Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo thông tin ban đầu từ phía gia đình, đối tượng gây án có tiền sử bệnh tâm thần nên CQĐT sẽ thu thập hồ sơ bệnh án của đối tượng và có thể trưng cầu giám định để xác định năng lực hành vi của đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội.
Luật sư Thái viện dẫn, theo quy định của pháp luật, người mắc bệnh tâm thần gây án mạng không phải hiếm gặp. Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ trọng án mà kẻ thủ ác có tiền sử bị bệnh tâm thần. Điều 21 BLHS 2015 quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, đối tượng thực hiện hành vi giết người sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây án trong khi phát bệnh tâm thần.
Trong vụ án nêu trên, nghi phạm từng có tiểu sử bệnh tâm thần chỉ là một trong những căn cứ để xác định hành vi phạm tội. Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ chứng minh tại thời điểm gây án, đối tượng có mắc bệnh hay không theo Điều 206 BLHS 2015.
“Nếu kết quả giám định cho thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì các cơ quan chức năng VKS hoặc Tòa án căn cứ vào kết quả này sẽ đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.
Thực tế, có một số cá nhân dù mắc bệnh tâm thần và đang điều trị bệnh nhưng tại thời điểm phạm tội họ hoàn toàn bình thường thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Với trường hợp này, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Thái cho hay.
Bên cạnh đó luật sư Thái cũng cho rằng, nếu nghi phạm bị bệnh tâm thần nhưng không mất hẳn khả năng làm chủ hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình. Song theo Khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, nghi phạm có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là "phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra.
Để kết luận một người mắc bệnh tâm thần hay không cần phải khám, theo dõi về mặt lâm sàng trong thời gian nhất định. Tâm thần là bệnh lý có thể điều trị ổn định và khỏi hoàn toàn ở một số dạng. Một người có tiền sử bệnh tâm thần nhưng lúc gây án vẫn có thể tỉnh táo, làm chủ nhận thức và hành vi.
Một số dấu hiệu nhận biết người tâm thần bao gồm mất ngủ hoàn toàn trong 24 giờ; rối loạn định hướng không gian, thời gian (không xác định được mình đang ở đâu, lúc này là thời điểm nào trong ngày); hoang tưởng, ảo giác...
Luật sư Thái cũng cho biết, trường hợp đối tượng này không bị mất năng lực hành vi dân sự, có khả năng nhận thức, CQĐT sẽ khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng về tội "Giết người" theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Thái, nếu bị xử lý về tội “Giết người” và nguyên nhân được xác định là do mâu thuẫn nhỏ nhặt từ 5 năm trước, đối tượng gây án có thể bị áp dụng tình tiết định không tăng nặng trách nhiệm hình sự là vì động cơ đê hèn.
Vì thế, khung hình phạt có thể đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết (nếu có), tiền chi phí mai táng và khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần khoảng 100 tháng lương cơ bản.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại