Nghệ sĩ làm từ thiện: Phải chú trọng hơn đến các quy định về hoạt động thiện nguyện
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCơ quan điều tra khẳng định các nghệ sĩ không có gian dối trong việc từ thiện |
Mặc dù đã được cơ quan điều tra khẳng định các nghệ sĩ này không có gian dối, nhưng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh nghệ sĩ. Thậm chí tạo nên những sự khủng hoảng trong niềm tin của công chúng.
Sau khi các nghệ sĩ được minh oan, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng và tuyên bố sẽ kiện ngược lại những đối tượng có hành vi bôi xấu, vu khống họ trong chuyện này. Về việc này, theo Luật sư Nguyễn Phương Tuyến – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, việc các nghệ sĩ kiện các đối tượng đã vu khống, bôi nhọ mình trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hoặc với cơ quan chức năng hoàn toàn có căn cứ.
Theo đó, mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác dù là trên mạng xã hội hay trong đời thực thì đều là hành vi vi phạm pháp luật. “Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người tố cáo nghệ sĩ đã đưa tin sai sự thật, bịa chuyện để tố cáo nghệ sĩ thì có thể khởi tố người này về tội vu khống theo điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể bị phạt đến 50 triệu và ngồi tù đến 7 năm." - ông Tuyến nói.
Tuy nhiên, theo Luật sư Tuyến, thậm chí có việc vu khống đó cũng bởi những bấy lâu nay nhiều người làm từ thiện không chú trọng đến các quy định của pháp luật. Về điểm này, trong Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bênh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bênh hiểm nghèo cũng đã quy định rất rõ.
Theo đó, Điều 17 của Nghị định nêu rõ: Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành. UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận; không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Nghị định cũng quy định cụ thể về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện. “Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày – mục 3, Điều 19 Nghị định nêu rõ.” – luật sư Tuyến cho biết.
Tuy nhiên, cho dù đã được minh oan, mọi thứ đã rõ ràng thì ít nhiều những hậu quả để lại cũng thấy rõ. Nhiều ý kiến cho rằng, vụ lùm xùm chuyện từ thiện vừa qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến các nghệ sĩ.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu ngay từ đầu, nghệ sĩ quan tâm hơn đến các quy định về hoạt động thiện nguyện thì sẽ tránh được những lùm xùm không đáng có.
Bên cạnh đó là những thiệt hại về tinh thần, tiền bạc do nhiều show diễn, hợp đồng quảng cáo bị hủy bỏ...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại